loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 6/8, Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương - Chi nhánh thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo Phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trên đất Thăng Long, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cùng các địa phương có dấu ấn văn hóa liên quan.
Ngày 15/5, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển văn hóa Hùng Vương đã công bố ra mắt.
Hội thảo đã cung cấp tư liệu, tài liệu, di chỉ, thư tịch quý về tổ chức nhà nước, phương thức sản xuất, nền văn minh lúa nước trên lưu vực sông Hồng, phong tục tập quán, văn hóa xã hội của cư dân thời kỳ dựng nước, giữ nước của các triều đại Hùng Vương trải dài hàng ngàn năm lịch sử trên đất Thăng Long - một trong những cái nôi của văn hóa thời đại Hùng Vương ở lưu vực sông Hồng.
Nhiều di tích trên địa bàn
Thời đại Hùng Vương bắt đầu từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Từ việc nghiên cứu các di tích văn hóa Đông Sơn ở Hà Nội, có thể thấy Hà Nội trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển thời các vua Hùng, vua Thục.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, sơ bộ, ở Hà Nội có 24 di tích Đông Sơn, kể cả những sưu tập hiện vật Đông Sơn hay mộ táng phát hiện trong lòng đất. Di tích Đông Sơn có mặt ở hầu khắp các địa bàn Hà Nội. Cụ thể như, Đình Tràng (xã Dục Tú, huyện Đông Anh), Đường Mây, Bãi Mèn lớp trên (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh), gò Chùa Thông (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì), Quần Ngựa, Cống Vị (quận Ba Đình)…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học cũng khẳng định, trên địa bàn Hà Nội ngày nay có nhiều làng, xã thờ phụng các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương, mở đầu thời dựng nước với thời gian trải qua hàng ngàn năm. Điều đó chứng tỏ sức sống bền vững của những giá trị linh thiêng trong tâm thức của người dân đất Kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội, người dân xứ Đoài, xứ Kinh Bắc, được thể hiện ra bằng niềm tin, sự ngưỡng vọng và tôn vinh qua tín ngưỡng phụng thờ.
Tại Hà Nội có hơn 500 di tích thời Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Đây là kho tàng văn hóa, di chỉ, tư liệu, thư tịch phong phú cho công tác nghiên cứu về thời đại Hùng Vương. Qua nghiên cứu thực tế về văn hóa Hùng Vương, Thiếu tướng Phạm Văn Dần - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương cho rằng, ngoài công tác nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, sử học, cần tập trung nghiên cứu văn hóa dân gian, văn hóa làng xã. Đến nay, văn hóa, xã hội thời Hùng Vương chưa có nhiều nhà nghiên cứu về phong tục tập quán, văn thơ, ca dao, dân ca, nếp sống, ăn mặc... của cư dân vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, Hà Nội là cội nguồn của văn hóa dân gian vùng Đồng bằng Bắc Bộ của văn hóa Hùng Vương.
Phát huy di sản văn hóa thời đại Hùng Vương
Từ nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, trong đó có các di tích văn hóa thời đại Hùng Vương. Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã là đơn vị được phân cấp quản lý di tích đã có những chương trình hành động cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, thời đại Hùng Vương để lại nhiều dấu tích ở Đông Anh. Nhiều di tích thờ các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương còn giữ được những yếu tố vật chất như: Kiến trúc, di vật, đồ thờ, thần tích, đặc biệt là sắc phong thần của các triều vua trong lịch sử ban tặng. Bà Nguyễn Thị Tám cũng cho hay, việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương ở Đông Anh đang được quan tâm như: Nghiên cứu, sưu tầm phục hồi nghi lễ thờ cúng và các trò chơi dân gian bị gián đoạn qua hai cuộc chiến tranh, tạo điều kiện cho người dân tham gia thực hành di sản. Tiêu biểu là hội kéo lửa thổi cơm thi làng Lương Quy diễn tả cảnh dân làng khẩn trương chuẩn bị quân lương để ba ông Thánh của làng theo Thánh Gióng đánh giặc Ân. Hay tục kéo rắn làng Xuân Nộn để tưởng nhớ hai vị đại vương là Vũ Định và Thiên Cương đã có công giúp Vua Hùng thứ 18 đánh giặc. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa liên quan đến thời đại Hùng Vương chưa được xâu chuỗi để trở thành một hệ thống văn hóa đủ sức kết tinh và lan tỏa trong điều kiện hiện nay.
Theo Thạc sĩ Bùi Văn Huỳnh - Viện Sử học, công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa thời đại Hùng Vương - An Dương Vương ở Hà Nội cần bảo tồn và tôn tạo đúng cách, tránh việc đưa linh vật ngoại lai vào các di tích của người Việt; tôn trọng công trình kiến trúc cũ phản ánh lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương và không phá vỡ cảnh quan, kiến trúc, sử dụng nguyên vật liệu phù hợp trong tôn tạo, tránh việc hiện đại hóa các di tích.
Các địa phương phục chế hiện vật, tư liệu lịch sử hợp lý, tôn trọng nguyên bản các hiện vật. Nhiều nét đẹp truyền thống trong các lễ hội tại các di tích cần được giữ gìn. Đặc biệt bảo tồn các trò chơi dân gian thuần Việt trong các lễ hội như: Trò chơi vật cầu, nấu cơm thi... Các địa phương cũng cần tổ chức kết nối các di tích lịch sử - văn hóa trong mỗi khu vực thành những luồng tuyến du lịch nhằm đem lại hiệu quả cho việc giữ gìn, phát huy và giới thiệu văn hóa truyền thống địa phương đến với du khách. Có như vậy, các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương sẽ được bảo tồn bền vững và phát huy tốt giá trị trên đất Thăng Long.
Đinh Thuận/TTXVN
loading...