loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo một nghiên cứu mới, Pharaoh Ai Cập nổi tiếng nhất mọi thời, Tutankhamun, có thể từng là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, từng tham gia chiến đấu trong các cuộc chiến, chứ không phải là một nhà lãnh đạo ốm yếu như công bố của một số nhà nghiên cứu trong thế kỷ 21.
Phát hiện này được khám phá trong thời gian kênh Channel 5 quay bộ phim tài liệu mang tựa đề Secrets Of Tutankhamun's Treasures, trong đó ghi lại quá trình tái tạo chiếc áo giáp của Tutankhamun.
Những phát hiện từ chiếc áo giáp da
Phân tích các bức ảnh, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Northampton cùng ê-kíp truyền hình của Channel 5 đã phát hiện ra những dấu vết chiến trận trên chiếc áo giáp bằng da 3.000 năm tuổi của Tutankhamun.
Qua đó, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Tutankhamun là một chiến binh giàu kinh nghiệm.
Chiếc áo giáp này được chôn cất trong lăng mộ của Tutankhamun và những phát hiện mới này trái ngược hẳn với giả thuyết về hình ảnh của vị Pharaoh này, là một triết gia, một người mơ mộng.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ cảm biến hình ảnh nhằm giải mã những bí mật của chiếc áo giáp.
Công nghệ mới hợp nhất nhiều hình ảnh của vật thể được chụp dưới nhiều góc ánh sáng khác nhau.
Nhà nghiên cứu Lucy Skinner nói: "Có thể nhìn thấy chỗ bị trầy xước dọc theo các cạnh của vảy da, điều đó có nghĩa rằng chiếc áo giáp đã được sử dụng nhiều và Tutankhamun đã mặc nó tham gia trận chiến. Nếu đúng như vậy, đây là phát hiện đáng kinh ngạc, mâu thuẫn với những giả thuyết nói rằng Tutankhamun là một vị vua trẻ ốm yếu".
Skinner đã và đang dày công nghiên cứu các đồ vật bằng da thời Ai Cập và Nubia (vùng dọc theo sông Nile và Nam Ai Cập) cổ đại để qua đó tìm hiểu chúng được làm, sử dụng như thế nào và trông chúng ra sao.
Ê-kíp của kênh Channel 5 đã liên hệ với Skinner sau khi cô là một trong số ít người được tiếp cận với chiếc áo giáp 3.000 năm tuổi của Tutankhamun.
Skinner còn tiến hành nghiên cứu cả các mảnh còn lại của một sản phẩm trông như chiếc áo dài, được lưu giữ trong Bảo tàng Ai Cập mới ở Cairo.
Trong quá trình này, Skinner còn cố gắng tái tạo cách làm da thời cổ đại tại các xưởng thuộc da của Trường Đại học ở Northampton, tọa lạc trong khuôn viên Viện Công nghệ Sáng tạo Da.
Dù được khai quật từ cách đây gần một thế kỷ, song việc ghép các vảy da trên chiếc áo giáp như thế nào hiện vẫn là một bí ẩn và các chuyên gia cũng chưa biết chiếc áo giáp này có mang mục đích quân sự hay không.
Tutankhamun là ai?
Tutankhamun là vị Pharaoh Ai Cập thuộc triều đại thứ 18, là con trai của Akhenaten. Ông lên ngôi năm 8-9 tuổi, vào năm 1332 trước Công nguyên và qua đời 10 năm sau đó, năm 1323 trước Công nguyên, với nguyên nhân chưa được giải mã.
Khi trở thành Vua, Tutankhamun kết hôn với chị gái cùng cha khác mẹ Ankhesenpaaten.
Năm 1907, Thượng nghị viện Carnarvon George Herbert đã đề nghị nhà khảo cổ kiêm nhà Ai Cập học người Anh Howard Carter giám sát quá trình khai quật ở Thung lũng các vị Vua.
Ngày 4/11/1922, nhóm của Carter đã phát hiện ra những bậc thang dẫn tới lăng mộ Tutankhamun. Carter đã mất nhiều tháng để biên mục phòng ngoài trước khi mở phòng chôn và phát hiện ra quan tài vào tháng 2/1923.
Với nhiều người, Vua Tutankhamun hiện thân cho sự vinh quang của Ai Cập bởi lăng mộ của ông chứa đầy những thứ tượng trưng cho triều đại 18 thịnh vượng, kéo dài từ năm 1659 tới năm 1315 trước Công nguyên.
Các nghiên cứu cho thấy rằng Tutankhamun "hơi hở hàm ếch" và có thể mắc cả chứng vẹo cột sống nhẹ. Khám nghiệm xác ướp của vua cũng đã tiết lộ sự biến dạng ở trong chân trái của nhà vua, do hoại tử mô xương. Sự đau đớn do điều này gây ra đã buộc vua Tutankhamun phải sử dụng một cây gậy đi bộ, và nó đã được tìm thấy rất nhiều trong ngôi mộ của ông, tuy nhiên căn bệnh này lại không nguy hiểm đến tính mạng.
Trong quá trình phân tích ADN xác ướp của vua Tutankhamun, các nhà khoa học đã phát hiện ra ADN của ký sinh trùng gây nên bệnh sốt rét nhiệt đới trong cơ thể của Pharaoh. Điều thú vị là, có nhiều chủng mầm bệnh sốt rét đã được tìm thấy và nó chỉ ra rằng vua Tutankhamun đã bị bội nhiễm sốt rét trong suốt cuộc đời của ông.
Bệnh sốt rét đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của vua Tutankhamun và gây trở ngại cho quá trình chữa trị bàn chân của ông. Những yếu tố này, kết hợp với việc xương đùi trái của ông bị gãy theo như phát hiện của các nhà khoa học vào năm 2005, có thể cuối cùng đã giết chết vị vua trẻ tuổi.
Vào ngày 14/9/2012, hãng tin ABC đã đưa tin về một giả thuyết khác nữa cho cái chết của Tutankhamun. Bác sĩ phẫu thuật Hutan Ashrafian thuộc Trường Đại học Hoàng gia London tin rằng bệnh động kinh thùy thái đã gây ra một cú ngã chết người và khiến cho chân trái của Tutankhamun bị gãy.
Nghiên cứu được các nhà khảo cổ, X-quang, và di truyền học, tiến hành vào năm 2005 thông qua việc chụp CT những xác ướp được tìm thấy chỉ ra rằng ông không qua đời bởi một cú đánh vào đầu, như những suy nghĩ trước đây.
Chuyên gia Đức Christian Eckmann đang phụ trách dự án phục chế mặt nạ vàng nổi tiếng, đã 3.300 năm tuổi, của vị Pharaoh Ai Cập Tutankhamun. Cuộc phục chế đã làm lộ ra nhiều bí ẩn mà người ta ít biết lâu nay.
Việt Lâm (lược dịch)
loading...