Dù phục hồi cũng không còn chân bản
* Nhà tổ gác khánh và bậc cấp trước tiền đường đã bị phá, chưa kể trong những đợt trùng tu trước: xây bịt bệ tượng Tam thế đất nung từ thế kỷ 15, lát nhiều gạch đá hoa vào chùa, thay cho gạch đỏ đất nung, tính cả bộ phù điêu thập điện 18 vị La hán đã bị sơn hỏng... Vậy chùa Trăm Gian theo ông còn lại giá trị lịch sử kiến trúc, mỹ thuật gì?
- Chùa Trăm Gian được xây dựng trên nền tảng kiến trúc từ thời Lý, có di tích từ thế kỷ 15-19. Trong đó riêng kiến trúc gỗ mà hiện ta trông thấy là di sản của thế kỷ 17-18.
Như vậy, những di tích cơ bản nhất có tuổi 300-400 năm nay. Việc gìn giữ những di sản theo đúng tuổi của nó mới là giữ giá trị lịch sử của công trình. Còn nếu sửa chữa dù là đúng như cũ thì vẫn là làm lại theo một mức độ nào đấy và cũng làm biến dạng nguyên bản quá khứ. Cho nên tùy từng quan điểm trùng tu mà người ta tiến hành tu sửa như thế nào đó. Nhưng tất nhiên không bao giờ cho phép phá đi làm mới hoàn toàn ba công trình được làm lại trên, dù có được phục hồi như cũ cũng không còn là chân bản nữa.
Nhà phê bình, họa sĩ Phan Cẩm Thượng rất gắn bó với các di tích. Ông từng là "nghệ sĩ lưu trú" tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) trong nhiều năm
|
* Theo ông, làm thế nào để phục hồi được chùa Trăm Gian có hiệu quả nhất trong tình hình như hiện nay?
- Tất nhiên ba công trình trên, những công trình đã bị làm mới nên phục hồi như cũ bằng các hiện vật cũ. Cố gắng ở mức độ tốt nhất. Nên tìm những ảnh tư liệu trong các viện nghiên cứu và cơ quan trùng tu di tích cũng như kêu gọi các cá nhân có ảnh cũ thì nên cung cấp. Còn những bức phù điêu thập điện 18 vị La hán vẫn có thể rửa bỏ lớp sơn mới, sơn lại theo lối cổ, tất nhiên là không khó nhưng tốn tiền vì sơn thếp cổ dùng rất nhiều vàng thật.
Riêng bệ gạch nung nên phục hồi như cũ bằng cách tháo phần trát xi măng một cách cẩn thận, tỉ mỉ, những mảnh sàn lát đá hoa nên thay bằng gạch vồ và gạch đỏ theo phong cách cổ.
Lượng phật tử càng lớn, nguy cơ làm mới càng cao
* Là người quan tâm, nghiên cứu cũng như giúp đỡ cho nhiều chùa, đình khi trùng tu thì sao cho giữ được nguyên trạng nhất, ông thấy các đình chùa ở Việt Nam ta hiện nay đang trong tình trạng giữ gìn kiến trúc mỹ thuật cổ ra sao?
- Nói chung tất cả các công trình đình đền chùa cổ ở nước ta đều trong tình trạng xuống cấp và cần sự chăm lo, chăm sóc, tu sửa nhưng riêng các công trình Phật giáo với sự ngưỡng mộ của số lượng phật tử ngày càng lớn thì nguy cơ làm mới càng cao. Trong khi đó, kinh phí sửa chữa của nhà nước rất hạn chế cũng như đội ngũ chuyên nghiệp khi sửa chữa rất hạn chế về tay nghề. Một điểm quan trọng nhất là những người trụ trì các ngôi chùa này luôn muốn làm mới mà không quan tâm đến sự bảo tồn nguyên vẹn. Nên điểm mấu chốt phải có cuộc nói chuyện giữa những nhà tu hành trông nom ngôi chùa và các nhà quản lý văn hóa để đưa ra những nguyên tắc chung trong việc bảo quản di tích, thực chất những nhà tu hành sống ở đó, chăm nom di tích nhưng khi tu sửa thì phải cần đến cơ quan trùng tu di tích nhà nước và chuyên gia am hiểu văn hóa nghệ thuật truyền thống chứ không nên đơn phương tiến hành.
Tất cả các kiến trúc cổ thuộc về di tích quốc gia đều bị đụng đến theo mức độ nào đó hoặc ít hoặc nhiều, trong đó có sự tham gia của các cơ quan trùng tu nhưng vẫn chưa được tốt. Ví dụ như việc trùng tu chùa Dâu, đình Mông Phụ... Như ở chùa Dâu, người ta đã trát một số mạch xi măng vào tháp Hòa Phong, trong khi ngôi tháp này vốn để trần. Người ta thay bốn bức chạm chữ Nho khổ lớn “Tường Vân Thụy Khí” bằng bốn chữ mới mà do một người không biết chữ Nho chạm. Rất nhiều trang trí được làm đăng đối theo kiểu giống hệt nhau hai bên trong khi đó những chi tiết cổ có vẻ giống nhau chứ không trùng khít hoàn toàn. Đó là những lỗi về trùng tu. Hay ở chùa Bút Tháp, những tượng chân dung các bà hoàng thời Lê bị các gia đình sau này của họ thuộc về dòng dõi đó tô vẽ sơn mới lên họ. Một số đá kê chân cột cơ quan trùng tu lại dùng đá sa thạch chứ không dùng đá xanh cho nên nền móng nhiều nơi bị sụt, trũng.
* Ông nói rằng khi nhà chùa có nhu cầu trùng tu thì cần phối hợp với các cơ quan trùng tu di tích, nhưng chính các cơ quan trùng tu di tích lại làm không được tốt. Vậy nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng đó ra sao, thưa ông?
- Trước tiên cần nói chi phí dành cho việc trùng tu một di tích cổ luôn lớn, luôn cần kêu gọi sự tài trợ. Trong việc quản lý tài chính hiện nay không thể nói không có thất thoát. Việc này chưa rõ như thế nào, nhưng việc thuê đội thợ tay nghề không thật cao với giá rẻ, chứng tỏ việc trùng tu không được tốt. Ví dụ trùng tu các bức tượng cổ cần dùng rất nhiều vàng. Ta biết một quỳ vàng chỉ có thể dát chừng bốn mươi phân vuông (một quỳ vàng giá 2,2 triệu). Một pho tượng bình thường có diện tích bề mặt khoảng 3 mét vuông, vậy riêng tiền vàng có thể lên tới hàng chục triệu. Với kinh phí hạn hẹp người ta khó làm cho tốt nên phải dùng nguyên liệu rẻ khác thay thế. Trùng tu như thế tức là làm hỏng. Và trên thực tế có những nơi sẵn sàng nhận giá rẻ để trùng tu. Kết quả là di tích bị hỏng, nền văn hóa cổ bị xâm hại.
Vấn đề thứ hai là chúng ta không có trường đào tạo những nghệ nhân trùng tu. Những nghệ nhân này học theo các cơ sở thủ công của làng nghề, làng xã. Họ có tay nghề nhưng không am hiểu phong cách nghệ thuật. Qua việc trùng tu các chùa đình phía Bắc, họ làm theo một kiểu, na ná thế kỷ 19. Bởi họ có một mẫu kiểu nghệ thuật cổ nhưng gần đây. Không có ai đi kiểm tra độ cong của một hoa văn như thế nào thì thuộc về thế kỷ nào.
Việc tu sửa tượng Phật thực chất phải người có trình độ như một họa sĩ mới làm được chứ không phải một nghệ nhân có thể làm vì cảm quan thẩm mỹ ở đây rất quan trọng. Bởi vì những pho tượng cổ tuy là những người nghệ nhân vô danh làm ra nhưng trình độ lại là những bậc thầy về nghệ thuật thì làm sao một anh thợ nào có thể tu sửa lên mà không làm hỏng.
Các di tích vẫn bị sửa hàng ngày
* Vấn đề quản lý các di sản nghệ thuật Việt Nam, cũng là điều cần bàn, như trường hợp tu sửa chùa Trăm Gian là một ví dụ?
- Tình hình quản lý các di sản nghệ thuật Việt Nam rất phức tạp. Những di tích cấp quốc gia thực chất do các cơ quan bảo tồn bảo tàng của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch trực tiếp quản lý nhưng họ ở xa và không đủ nhân viên đi hết các di tích. Ở tỉnh và ở huyện là cấp thứ hai nhưng trên thực tế lại không có quyền can thiệp vào di tích ấy nếu Bộ không cho phép. Còn ở địa phương những người dân và tu hành không có quyền tu sửa nhưng vì ở đấy họ biết rõ nhất chỗ nào cần tu sửa. Để tu sửa họ cần nhiều thủ tục, nên khi làm to ra mới bị báo chí, các cơ quan xem đến nhắc nhở, còn làm cái nhỏ thì không ai biết đấy là đâu. Kết quả là các di tích vẫn bị sửa hàng ngày. Chưa kể bản thân di tích thì môi trường xung quanh cũng phải là di tích. Một cây trúc phải có môi cảnh. Còn các môi cảnh của các khu di tích bị xâm hại nặng nề. Nhà cửa xây xung quanh, vườn chùa thu hẹp, vườn cây mặt nước biến mất, chỉ còn một khu di tích lọt thỏm ở giữa khu phố mới. Ví như chùa Kim Liên ở Hà Nội có một khách sạn chắn trước mặt. Quản lý phức tạp như vậy thì chỉ có ý thức văn hóa mới giữ lại được. Những người trông nom phải luôn có ý thức không bao giờ thay đổi những gì đã thuộc về lịch sử mà chỉ giữ lại những cái cổ nhất đang có. Trùng tu là giữ lại cái cổ, chứ không phải vứt cái cổ đi, làm cái mới.
* Khi đã dò ra được “ổ bệnh” vậy ông có cách “chữa” nào không?
- Thực ra ngay việc cấp bằng di tích đã không thật là chính xác. Có những di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp địa phương. Những di tích quốc gia được chú trọng nhiều hơn, những di tích địa phương ít hơn. Tuy nhiên những di tích địa phương dù nhỏ, không có ý nghĩa lịch sử nhiều nhưng lại có giá trị thẩm mỹ. Nên cần thống nhất là các di tích cổ cần được bảo vệ như nhau.
Giữa những người quản lý ở địa phương và nhà tu hành thống nhất với người quản lý nhà nước là họ chỉ ở đấy trông nom, còn mọi sửa chữa trùng tu phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước chứ không được tự ý. Các phật tử cũng phải ý thức rằng việc công đức vào chùa mà làm mất giá trị lịch sử của chùa đi thì có tội chứ không phải có công.
Phía cơ quan trùng tu cần tiến hành đào tạo có hệ thống đội ngũ trùng tu chuyên nghiệp thay vì cứ nhặt nhạnh các đội ngũ của làng nghề khi có công trình.
Chúng tôi là người có chuyên môn sẵn sàng tham gia giảng dạy các lớp này.
Ở các nước đều có chương trình làm hồ sơ, hồ sơ là bản gốc cho việc trùng tu, nếu mất một mảng chạm thì hồ sơ sẽ cung cấp phục hồi mảng chạm thế nào. Nhưng ở Việt Nam thì việc này gần như bằng không. Điều đó cho thấy các luận văn tiến sĩ về các di tích Việt Nam là vô tích sự vì không một cái nào dùng làm hồ sơ được. Hồ sơ phải kỹ lưỡng bằng việc vẽ ra các hoa văn, các chi tiết, các cấu kiện cho một công trình di tích, các chất liệu liên quan đến công nghệ thủ công của làng nghề như phải làm vôi mật, thay vì làm xi măng, làm bằng sơn ta truyền thống, vàng bạc trong khi dùng quá nhiều sơn Nhật.
Trong sự xuống cấp của văn hóa nói chung, hiện tượng chùa Trăm Gian chỉ là một. Ngoài những biện pháp hữu hiệu cần làm ngay cho công tác bảo tồn, bảo tàng thì nâng cao đời sống và ý thức văn hóa mới là biện pháp lâu dài. Nếu không các di sản văn hóa cứ dần dần biến mất mà con người ngày càng mê tín dị đoan hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Việt Quỳnh (thực hiện)