Ồn ào quanh ca khúc của Sơn Tùng M-TP: Để nghệ sĩ có trách nhiệm hơn với xã hội
MV There's No One At All (Không có một ai) của Sơn Tùng M-TP sau khi phát hành đã bị lên án kịch liệt vì mang thông điệp sống tiêu cực. Chiều ngày 6/5 vừa qua, MV There's No One At All đã chính thức “bay màu” khỏi YouTube toàn thế giới.
Ngỡ tưởng sự việc này sẽ dừng lại tại đây, nhưng không, cộng đồng mạng vẫn bàn tán về nó, trong đó, nhiều người cho rằng không cứ là Sơn Tùng M-TP, bất kỳ nghệ sĩ nào cũng cần phải có trách nhiệm xã hội bởi đặc thù nghề nghiệp của mình.
Đó không chỉ là một mong muốn, mà còn là một đòi hỏi chính đáng của công chúng.
Từ một sản phẩm gây tranh cãi…
Khi There's No One At All đang vấp phải sự phản đối dữ dội từ công chúng, lời xin lỗi của Sơn Tùng M-TP đưa ra bị cho là “đạo đức giả” bởi sau đó chỉ một ngày, công chúng phát hiện anh đã chia sẻ đoạn video quảng bá cho ca khúc There's No One At All (không bao gồm MV).
Nhiều người cho rằng đây là thái độ cợt nhả và thách thức dư luận của giọng ca Không phải dạng vừa đâu. Vẫn biết rằng để sinh ra một “đứa con tinh thần” là không hề dễ, tự tay cho nó “bay màu” càng không dễ chút nào, nhưng cố chấp, bảo thủ để bảo vệ một “sản phẩm lỗi” thì khó lòng được cộng đồng chấp nhận.
There’s No One At All là một sản phẩm gây tranh cãi. Nhiều fan Sơn Tùng ra sức bảo vệ thần tượng. Với họ, nội dung There's No One At All là “bình thường”, mức độ tiêu cực “chưa thấm vào đâu” so với những sản phẩm âm nhạc hay phim ảnh của nước ngoài. Vì thế, việc lên án sản phẩm này là phản cảm, mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục chỉ là sự suy diễn của các antifan (người tẩy chay). Thậm chí một số người còn dựa trên cái gọi là “sự sáng tạo không giới hạn trong nghệ thuật” để cho rằng, việc các cơ quan chức năng vào cuộc "tuýt còi" sản phẩm này là không cần thiết, đang “nghiêm trọng hóa vấn đề” và “giết chết sự tự do sáng tạo của nghệ sĩ”(!)
Ở chiều ngược lại, phần lớn công chúng cho rằng There's No One At All chứa đựng nội dung không phù hợp. Thực tế, đa phần những người tiếp nhận âm nhạc của Sơn Tùng là những công chúng trẻ tuổi, có cả lứa tuổi tiểu học. Trong bối cảnh đó thì nội dung của There’s No One At All thực sự rất đáng lo ngại, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên suy nghĩ và hành động của họ. Và một bộ phận lớn công chúng đã kêu gọi report (báo cáo) MV này vì đó chính là cách “phòng ngừa rủi ro” để bảo vệ các khán giả nhỏ tuổi của Sơn Tùng chứ không hẳn là vì ghét bỏ gì nghệ sĩ này…
Vì thế, không hề oan uổng khi nhiều người cho rằng, với There’s No One At All Sơn Tùng đã không cho thấy trách nhiệm xã hội cần phải có của một người nghệ sĩ.
… đến trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với xã hội
Sản phẩm với thông điệp tiêu cực giống như thức ăn “có độc”, có thể ảnh hưởng tức thời hoặc cũng có thể tích tụ dần dần, và dù dưới bất kỳ hình thức nào thì cuối cùng cũng sẽ gây hại cho những đối tượng dễ bị tổn thương. Cho nên, bỏ qua tất cả các yếu tố bị coi là “đạo nhái” , tạm coi đây là một tác phẩm có tính nghệ thuật thì việc yêu cầu dừng phổ biến, thu hồi There’s No One At All là rất hợp lý.
Một sản phẩm nghệ thuật ra đời chứa đựng bao công sức của nghệ sĩ và ê-kíp, do vậy, việc “tuýt còi” There's No One At All cũng là việc “cực chẳng đã”, là quyết định cần thiết với mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ - mà như Cục Nghệ thuật biểu diễn đã nhận định về sản phẩm này: “… mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em”.
Cả nước vừa trải qua thời gian dài chống chọi với dịch bệnh. Trẻ em - những người hâm mộ chủ yếu của Sơn Tùng - bị thiếu không gian, thiếu sự tương tác xã hội cần thiết trong một thời gian dài. Do vậy, xã hội cần nhiều hơn những sản phẩm tích cực, mang thông điệp chữa lành.
Các nghệ sĩ biểu diễn luôn có sự ảnh hưởng lớn đến xã hội. Mỗi một sản phẩm, hành vi, lời nói của họ đều có thể tác động lên bộ phận công chúng đặc biệt là những người hâm mộ. Với vai trò to lớn như vậy, hơn ai hết họ cần có những sản phẩm, lối sống, phát ngôn và những hành vi chuẩn mực để có thể làm gương, định hướng hành vi, lối sống của những người hâm mộ. Đây được coi là một trong những trách nhiệm chính của người nghệ sĩ đối với xã hội.
- Xử phạt và buộc tiêu hủy sản phẩm âm nhạc 'There’s No One At All' của Sơn Tùng M-TP
- Sau 'There’s No One At All', đây là 'lời từ biệt' với Sơn Tùng M-TP
- Ý kiến của Bộ Giáo dục về MV 'There's No One At All' của Sơn Tùng M-TP
Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, và theo thống kê, có hàng chục nghìn nghệ sĩ, người mẫu, trong đó có khoảng hơn 1/3 ngoài công lập. Đó là chưa kể ngày càng nhiều thành phần tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn tự phát. Trong khi đó, quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mới được Bộ VH,TT&DL ban hành theo Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL vào ngày 13/12/2021 - một khoảng thời gian chưa dài để Quyết định này đi vào cuộc sống. Do vậy, cần có những hoạt động để nâng cao ý thức của các nghệ sĩ, cũng như các đơn vị quản lý họ, nhắc nhở họ phải tuân thủ những quy tắc ứng xử chung để phong cách, lối sống, phát ngôn, hành vi và những sản phẩm của mình phù hợp với sự phát triển xã hội nói chung, tạo hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ, ảnh hưởng tích cực tới cuộc sóng.
Với chức năng quản lý nhà nước về văn hóa và nghệ thuật, vai trò của Bộ VH,TT&DL là rất to lớn, một mặt phải có những chính sách phù hợp để khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mặt khác cần phải quản lý các hoạt động sáng tạo tuân thủ theo quy định của pháp luật, hướng tới sự phát triển lành mạnh, văn minh.
Phạm Huy