NSƯT Võ Hoài Nam: Có những khi, đứa trẻ trong anh bật khóc

Ít ai biết, đằng sau vẻ ngang tàng, thẳng thắn và bụi bặm ngoài đời của “cảnh sát hình sự” Võ Hoài Nam là một quá khứ tuổi thơ khóc nhiều đến mức nước mắt chảy ngược vào trong.
04/11/2010 14:14
Ít ai biết, đằng sau vẻ ngang tàng, thẳng thắn và bụi bặm ngoài đời của “cảnh sát hình sự” Võ Hoài Nam là một quá khứ tuổi thơ khóc nhiều đến mức nước mắt chảy ngược vào trong.

Võ Hoài Nam hẹn tôi tại nhà, cũng là quán nhậu Bạn Tôi (Hà Nội), nơi vợ chồng anh và ba đứa con xinh xắn sống cùng ông bà ngoại. Thấy tôi đến, anh dắt giúp chiếc xe máy sang bên đường. Tôi và anh, mỗi người một cốc trà đá lớn, ngồi phòng ngoài. Phía trong nhà, bố mẹ vợ anh đang chuẩn bị món ăn để buổi trưa bán cho khách hàng.



Tám năm rời xa phim ảnh, gặp lại Võ Hoài Nam ở đời thực, vẫn thấy cái chất ngang tàng, thẳng thắn và bụi bặm ở người đàn ông này không bớt đi tí nào.  Anh nói: “Tôi từ chối báo chí nhiều, nhưng nếu đã hẹn gặp thì chẳng giấu gì. Chị muốn nói chuyện gì cũng được”.


Không dạy con theo kiểu người có học

* Anh không nhận lời mời tham gia bất kỳ bộ phim nào 8 năm nay, chỉ chăm chú vào công việc kinh doanh, liệu có đủ tiền nuôi con không?

- Mở quán này, về kinh tế thì chúng tôi yên tâm, không phải nghĩ gì nhiều, rất thoải mái. Sinh chúng nó được, mình phải nuôi được chứ. Chỉ tính riêng tiền sữa của ba đứa đã gần chục triệu đồng một tháng. Cái khốn của nhiều gia đình Việt Nam là không có tiền thì dễ mất hạnh phúc, lúc có tiền thì sinh hư. Nên tôi cố gắng để gia đình mình không sinh hư và cũng không mất hạnh phúc.

* Có khi nào anh chị cãi vã nhau vì chuyện kinh tế eo hẹp không?

- Có. Cãi nhau thì một tuần vài lần, nhiều khi ức lắm, chị ạ! Nói ra cũng khó. Vợ tôi tính hay quên, ví dụ như chuyện đếm tiền. Cô ấy ngồi đếm đến 2 giờ sáng, tôi hỏi được bao nhiêu, cô ấy quên mất, phải ngồi đếm lại. Còn tôi không biết đếm, mà cũng không mua máy đếm tiền, cứ kệ để cho cô ấy làm việc này. Suốt ngày hai đứa cứ cãi nhau về chuyện đếm tiền (cười).

Từ lúc mở quán đến giờ, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến tiền nong, buôn bán lỗ lãi được bao nhiêu. Nhiều lúc khách gọi: “Anh Nam, em gửi (trả) tiền”, tôi khoát tay: “Anh không biết, chờ chị mày ra rồi tính”. Tôi không thích dính đến tiền bạc, chỉ trông xe, trông quán và uống rượu tiếp khách.

* Bán hàng bận rộn, khách khứa đông đúc, vậy ai chăm sóc đám trẻ?

- Cả nhà đều chăm sóc. Quan điểm nuôi con của tôi thế này, không cấm con không được biết thứ gì. Như môi trường ở nhà bán hàng quán, các chú là khách thế nào, tôi đều cho chúng tiếp xúc, nhưng phải biết tôn trọng người lớn. Những tay nghiện ngập đi qua quán, tôi đều chỉ cho các con thấy.

Sau này chúng lớn, nếu thích uống rượu hay hút thuốc lá, tôi sẽ cho thử hết, sau đó nói với con mặt xấu và tốt, để chúng tự sàng lọc. Chứ tôi không rình con hút thuốc lá, uống rượu để đánh nó.

* Môi trường quán nhậu khá phức tạp, anh không sợ con mình dễ học theo những điều xấu?

- Nhiều lần, có khách hàng xăm từ cổ xuống chân đến quán, tôi nói với Sếu: “Các chú ấy xăm như vậy không có gì đáng sợ, cũng không có gì sang trọng cả. Các chú xăm vì công việc, vì nghĩ những hình đó đẹp. Bố cũng xăm vài chỗ đây, đau lắm con ạ. Ngay như chiếc đũa ấn vào da con, con còn thấy đau, huống hồ cây kim đâm vào người. Chỉ khi có sự kiện gì đó cực kỳ ấn tượng, không muốn nó phôi phai, người ta mới nghiến răng xăm, mà xăm cũng ốm sốt mất mấy ngày đấy”. Tôi cứ bâng quơ, ba lăng nhăng, nhưng thằng bé hiểu.

Khách người nào thích chửi bậy, người nào hay nhậu say, người nào thích đánh nhau, con trai tôi đều biết hết. Sếu hay kể chuyện lớp học, bố mẹ bạn T. chia tay nhau, bố bạn T. hay đến quán của tôi uống rượu. Sếu có vẻ ghét chú ấy. Tôi nói chuyện với con: “Bố bạn T. là người tốt, nhưng vì lý do nào đó, bố mẹ bạn ấy không sống chung với nhau. Tuần này bạn T. sống với mẹ, tuần sau sống với bố, vậy khổ lắm con ạ”. Đôi khi tôi tâm sự thêm: “Ba mẹ cũng rất khổ, thức khuya dậy sớm, một ngày đưa ba đứa đi học mười mấy vòng. Nhà mình bán hàng, bố mẹ không thể lúc nào cũng ngồi cạnh xem các con học nên các con phải tự cố gắng. Con ba Nam không cần thiết không được chửi bậy hay bạn đánh mà chẳng được đánh lại, nhưng con ba Nam phải học giỏi”.

* Tôi với con cứ rủ rỉ vỗ đùi nói chuyện như hai anh em vậy. Những gì chưa hiểu hết, thằng bé cũng cảm nhận được điều này, điều kia có khiến bố mẹ buồn hay không.

- Không giấu gì chị, tôi thừa sức cho con học trường quốc tế. Nhưng để con vào đó, chúng chẳng khác gì con gà gô, cứ lơ ngơ như bò đội nón. Tôi cho con học trường làng. Tôi nghĩ, đào tạo một con người trước hết cần đào tạo bản lĩnh cho nó.

* Đó là với cậu con trai lớn, còn hai cô con gái, anh dạy dỗ thế nào?

- Đầu tiên tôi dạy chúng không ích kỷ, phải biết chia sẻ chăn đắp cho bạn, về nhà phải biết nhường nhịn nhau. Nhưng ôi giời ơi! Nhiều lúc mình làm quan tòa căng đầu, cả ba đứa chí chóe nhau ấy chứ. Phân tích, mắng, mà đứa nào cũng có lý lẽ riêng.

* Nếu nói hết lời mà các con vẫn không nghe, anh có bao giờ đánh không?

- Chúng nó không chịu nghe lời, mình cứ cầm mắc áo để đánh vào mông là nghe hết ngay (cười). Anh em chúng chỉ sợ mắc áo thôi. Nhưng tôi không đánh nhiều, phải biết kiềm chế chứ. Trước khi đánh con, tôi phải mắng vài câu thật to để giảm bớt cơn tức. Vì nếu không làm thế, chắc tôi đánh chúng chết mất.

Tôi không dạy con theo kiểu người có học, khi con mắc lỗi thường đưa chúng vào phòng nhắc nhở, răn đe. Con cái ở tuổi cấp I là phải đánh vào đít, phải đe nẹt. Ăn cơm mà cứ nhai tọp tẹp là tôi mắng ngay. Ngay từ bé mà không được răn đe thì nguy hiểm lắm.

Vợ có thai, tôi mới cưới

* Anh có thấy tiếc khi để vợ, một diễn viên múa, phải lao vào bếp với đủ mùi thức ăn, đầu tắt mặt tối suốt ngày?


Gia đình hạnh phúc của Võ Hoài Nam
- Nếu là một người vô trách nhiệm, tôi sẽ đi làm phim suốt. Nhưng tôi đã ở nhà cáng đáng những việc không ai lo được. Ví dụ như khách khứa lộn xộn, lưu manh giang hồ, mình còn trấn được. Nhìn tôi loanh quanh trông xe thôi nhưng oai ra phết đấy (cười).


* Làm chủ quán, anh có hay nhậu với bạn bè không?

- Uống biết là có hại, nhưng nhiều lúc công việc không uống không được. Tôi cũng là đứa uống được rượu, 13 tuổi đã biết rồi. Quan trọng là mình có nát hay không thôi.

* Vợ anh có phàn nàn những tật xấu của chồng không?

- Tôi thấy cô ấy gật đầu hài lòng nhiều hơn lắc, 90% là gật. Khi chúng tôi yêu, sống thử với nhau 3 năm, ăn chịu từng gói mì tôm, thậm chí chờ đến cuối tháng có lương để trả mà cũng không đủ. Xe máy nhiều lúc không đi vì chẳng có tiền đổ xăng. Hai đứa “cởi truồng” với nhau để sống, từ tư tưởng, quan điểm đến cách sống. Chứ không phải một tuần gặp một lần để chưng những cái bóng lộn ra với nhau.

* Anh chị yêu nhau khi nào?

- Năm 1996, lúc ấy tôi vẫn đang đóng phim. Cô ấy là trung úy công an, làm diễn viên múa ở đoàn nghệ thuật. Tôi biết học nghề này cực kỳ vất vả, mà nghiệp múa rất lớn với cô ấy. Yêu cầu vợ bỏ nghề đúng là tôi ích kỷ. Nhưng nếu tiếp tục theo, sau này cô ấy sẽ mất đi gia đình, như vậy đau hơn.

Vợ tôi hiểu, tự bỏ nghiệp múa. Còn nếu cô ấy không nhận ra điều đó, tôi đã là người ra đi rồi (cười). Vì lúc ấy chưa cưới, con cũng chưa có, sống còn phải ăn chịu mì tôm, chẳng ai ràng buộc ai. Nghĩ lại, thấy vợ tôi cũng liều, nhưng đúng. Nếu không giờ mấy mặt con, vợ đi diễn, chồng đi diễn, ắt phải có xung khắc. Lúc đó tan nát còn đau đớn gấp tỉ lần.

* Sao anh lại nghĩ theo chiều hướng tiêu cực vậy?

- Đường đời ga chợ dạy tôi, có bao nhiêu gia đình bạn bè tôi đều như vậy. Tôi chẳng là cái gì, có phải Thánh đâu mà giúp vợ vừa làm nghệ thuật tốt vừa tránh được những cám dỗ cuộc sống. Nghệ sĩ hay xúc động, mà xúc động nhiều thành chuỗi và lâu dần trở nên hỏng. Tôi ích kỷ, vì tôi là chồng cô ấy.

* Nói vậy, anh xem gia đình là ưu tiên số 1?

- Chính xác! Nếu thấy mối nguy hiểm nào đó dù ở rất xa, có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình là tôi dẹp ngay. Tôi có một điều rất buồn cười, 3 năm ở với nhau, tôi chưa cưới. Bố mẹ vợ xuống Hà Nội rồi, tôi vẫn chưa cưới. Có nhà riêng, nhưng tôi đi ở nhà thuê và cũng chưa cưới. Tôi chỉ cưới khi cô ấy có thai. Và đúng khi vợ tôi có thai 3 tháng thì cưới.

Thật ra, tôi biết nhiều trường hợp vô sinh nên lo lắng về bản thân vì mình chẳng ngoan ngoãn gì. Còn vợ tôi là con gái mới lớn. Tôi muốn lường trước để tránh đau khổ cho nhau.

* Kết hôn gấp như vậy, đám cưới của anh diễn ra thế nào?

- Đám cưới của chúng tôi vui, cứ như đóng phim, cứ như đùa. Kết hôn không xem ngày, thích thì cưới. Tính tôi hay tùy tiện. Hai đứa ở với nhau đã lâu nên vợ tôi cũng không nôn nóng, chỉ có bố mẹ vợ lo lắng.

Các cụ nói: “Mày phải cưới đi chứ, chửa to rồi”. Tôi hỏi lại: “Thế bố kết con rể chưa? Thế muốn cưới chưa?”. Cụ bảo: “Kết rồi”. Tôi quyết định đúng 1 tuần sau là cưới, các cụ bảo: “Ối từ từ, nhanh thế!”. Tôi nói: “Không từ từ, hôm nay Chủ nhật, đúng Chủ nhật tuần sau cưới”. Bạn bè cũng ngạc nhiên không biết vì sao tôi lấy vợ. Đời có bao nhiêu thú vui, sao lại đi tìm cái vui vớ, vui vẩn.

Sự tổn thương trong tôi như cái rãnh, khoét dần thành hào

* Bố mẹ có thất vọng về anh không khi một đứa con 8 tuổi đã biết hút thuốc lá, 13 tuổi đã đi bụi?

- Chính tôi mới ít gây phiền cho họ nhất. Bố mẹ chia tay lúc tôi 2 tuổi, chính vì thế mới có Võ Hoài Nam ngồi trước mặt chị. Nếu không, biết đâu tôi lại là một thằng trí thức, nói chuyện 10 câu, 3 câu tiếng Việt, 7 câu tiếng Anh.

* Bố mẹ không quan tâm đến anh?

- Có thể có hai giải thích: Một là bố mẹ tin tưởng tôi. Hai là người này giận người kia rồi bỏ mặc tôi. Tôi là sản phẩm hỏng, do vô ý sinh ra. Tôi không tìm hiểu lý do hai người xa nhau. Bố mẹ chia tay, tôi ở với bố. Hai người đều đi bước nữa, sau này tôi có ba đứa em con của bố và mẹ với người mới.

* Sao anh không nói chuyện để tìm hiểu lý do?

- Người ta có khi ngồi với nhau 5 phút còn không được huống gì chuyện khác. Khi đã là con của một gia đình như thế, không nên tìm hiểu làm gì. Trong gia đình, nếu tìm ra lỗi của bố mẹ, chẳng lẽ mình giận họ? Đồng ý là mình bị tổn thương, tổn thương từ hồi còn bé tí cơ, nhưng phải tự gánh chịu. Để cho “người ta” yên ấm.

Những ngày Tết đến nhà bạn bè, thấy họ có đủ bố mẹ, anh em quây quần, tôi lặng lẽ đi ra ngoài khóc rưng rức vì không chịu nổi. Lúc đó, tôi chỉ muốn ai đó va vào mình để đánh cho nguôi giận. Nỗi tức giận luôn thường trực trong tôi, nên những năm tháng còn là học sinh, nhiều đứa bạn vừa ghét vừa sợ tôi.

* Đến giờ, anh còn giận bố mẹ không?

- Người ta có lỗi gì đâu, họ chỉ có lỗi với nhau thôi. Tôi nghĩ cuộc sống hôn nhân không hợp thì nên chia tay, nhưng với “sản phẩm” sinh ra, mình phải có trách nhiệm dù ít hay nhiều. Đừng có sinh ra... (im lặng một lúc).

Sinh thì phải dưỡng, mà dưỡng không dục thì đừng sinh nữa. Cái dưỡng, cái dục khủng khiếp hơn chuyện sinh nhiều. Tôi có thể có con với 100 người đàn bà nhưng có trách nhiệm với 100 đứa con kia không lại là chuyện khác. Sự tổn thương trong tôi như cái rãnh, khoét dần thành hào.

Tôi đi học, trong lớp thường bị các bạn đánh giá này nọ. Nhìn thấy đứa bạn bị mẹ ép ăn phở buổi sáng, nó không ăn, bị mẹ tát. Còn mình, bụng đói rã đi học. Khi ấy, nước mắt tôi không chảy thì lúc nào mới chảy? Nhưng chảy mãi ra ngoài rồi nó tự chảy ngược vào trong. Những thiếu thốn, tổn thương cứ lớn dần theo thời gian. Nhưng tôi lại lớn hơn nhờ những điều ấy. Và tôi biết giữ những gì mình đang có, để tránh tổn thương cho các con.

* Các em cùng cha khác mẹ và cùng mẹ khác cha của anh có hay hỏi thăm anh không?

- Bên mẹ thì thi thoảng, còn bên bố thì coi như không có tôi tồn tại. Vì vợ sau của bố đối xử với tôi như dân chợ trời. Ví dụ cả nhà đang ngồi ăn cơm, có họ hàng của mẹ kế sang chơi, dù trời đang mưa, tôi cũng phải bê bát cơm chạy ra ngoài. Vì mẹ kế không muốn cho gia đình biết bố tôi có con riêng. Có lần mẹ kế đánh tôi suýt chết. Khi ấy, bà bổ cả cái cuốc vào người tôi, may là tôi tránh được.

Khoảng năm 1975, tôi vào Sài Gòn ở với ông nội. Ba năm sau, 13 tuổi tôi ra Hà Nội ở với bố, lúc ấy mẹ kế đang có thai. Ở tuổi 14, 15, tôi phải lăn lê ngoài ga Hà Nội, ga Trần Quý Cáp, bến xe Kim Liên... Nếu không, tôi chết đói từ lâu rồi.

Ở với bố và mẹ kế được hơn 1 năm, tôi vào ở với bác (anh trai bố) trong Đà Lạt (Lâm Đồng). Tôi học chương trình bổ túc 2 năm 3 lớp rồi đi bộ đội 3 năm. Thời gian này bố không cho tôi một đồng để sống. Tôi phải tự xoay xở để lo cho mình. Đến năm 1986, tôi chấm dứt cuộc sống “giang hồ”, tiếp tục việc học rồi sau đó tham gia phim ảnh.

Tôi là thằng diễn xuất không có thầy

* Khán giả vẫn mong chờ anh trở lại với các vai diễn…

- Tôi thấy để phấn đấu thành diễn viên có tên tuổi đã vất vả, nhưng có tên rồi mà còn đi đóng mấy thứ nhố nhăng thì còn khốn nạn hơn. Chị xem đi, phim truyền hình gần đây hầu như không có phim nào ra hồn. Đồng ý mình đam mê nghề, nhưng nếu đi đóng phim, bỏ mặc vợ và ba đứa con ở nhà vài tháng thì không thể. Có những thứ mình cần phải gạt bỏ, điều này không khiến tôi buồn. Niềm vui của tôi hiện giờ là gia đình, vợ con.

Cuộc sống hiện nay, các gia đình nghệ sĩ chia tay nhau ầm ầm. Chúng tôi ở với nhau hơn chục năm, có ba mặt con, hạnh phúc vui vẻ. Tôi ngồi... gặm nhấm điều ấy là thấy sướng rồi.

Nghĩa là anh vui cảnh điền viên mà quên nhiệm vụ của một nghệ sĩ ưu tú?


Võ Hoài Nam trong phim Chuyện phố phường
- Tôi chỉ tiết chế hơn để được cân bằng. Như bộ phim truyền hình Cảnh sát hình sự phần 1 tôi tham gia, là khi ấy mới có thằng Sếu. Đến phim dài tập Chuyện phố phường, tôi không thể bỏ được vì nó hay quá. Còn mấy năm gần đây, có những kịch bản vài chục tập, tôi đọc đến tập thứ hai đã phải từ chối rồi.


Có thể người ta đã quên Võ Hoài Nam vì 8 năm nay tôi không làm diễn viên. Dù có vài nhà sản xuất phim truyền hình dài tập mời nhưng tôi thấy các phim đó không đổi được những thứ tôi mất. Ví dụ như tôi đi đóng phim, khách của quán kém đi. Mà tiền ai chẳng thích, mình còn phải nuôi con chứ.

Ít ra mình bị mất tiền, mất thời gian bên con cái thì phải đánh đổi được nghệ thuật. Mà ở đây, khán giả xem phim là chê nên tôi không tham gia. Nhiều năm nay, tôi dừng đóng phim vì thấy suy nghĩ của mình vẫn hợp lý.

* Anh cần một kịch bản như thế nào?

- Thề với chị là từ xưa đến nay tôi chưa đặt tiêu chí vai diễn cho mình. Làm việc gì, tôi cũng nghĩ nó sẽ thất bại để mình không bị tổn thương. Nhưng khi việc gì thành công, dù nhỏ, tôi cũng thấy vui.

* Là một diễn viên không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, từ đâu mà Võ Hoài Nam có được thành công trong diễn xuất?

- Tôi là thằng diễn xuất không có thầy. Thầy cô của tôi có thể là một người qua đường, kẻ ăn xin, nghiện ngập, ông cán bộ xách cặp đi làm... Tôi góp nhặt mỗi người một vẻ.

Thầy tôi là xã hội, bởi trường lớp không dạy đủ được. Ví dụ thế này, trên lớp, thầy giảng về tâm lý nhân vật. Nếu phân tích giỏi lắm cũng chỉ được 50 hay 70%. Hoặc cảnh người ăn xin bốc miếng cơm mốc xanh ngoài thùng rác cho vào miệng. Ông thầy từng ăn như vậy chưa, từng đủ đói để làm như vậy chưa mà dạy tôi? Hay cảnh uống một cốc nước khi khát cháy, ông ấy đã đủ khát chưa?

Diễn viên Việt Nam bây giờ rất thiếu thực tế. Tôi ngồi ở đây, thấy hàng trăm người “thầy” đi lại. Ranh con chơi game 3 ngày không thay bộ quần áo đi qua, khuôn mặt nó thế nào. Đám đàn bà đánh mông choanh choách đi qua nhà, nếu không thấy mình nhìn theo, khuôn mặt sẽ như thế nào... Ngồi quan sát cũng nhiều thứ buồn cười lắm.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Theo Mốt & Cuộc sống

Tin cùng chuyên mục

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 2): Cần thực tế và thực tâm

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 2): Cần thực tế và thực tâm

Những năm qua, đã có rất nhiều chương trình, đề án phát triển công nghiệp văn hóa của từng địa phương cũng như cả nước.

5 yếu tố quen thuộc trong câu chuyện Giáng sinh không xuất hiện trong kinh Thánh

5 yếu tố quen thuộc trong câu chuyện Giáng sinh không xuất hiện trong kinh Thánh

Mỗi mùa Giáng sinh, hàng triệu trẻ em trên khắp toàn cầu hồ hởi tham gia vào vở kịch Giáng sinh tại trường học. Vở kịch này - thường được biết đến như câu chuyện Giáng sinh - nhằm tái hiện sự ra đời của Chúa Jesus Christ.

Tiềm năng du lịch khám phá nơi biên giới Mường Nhé

Tiềm năng du lịch khám phá nơi biên giới Mường Nhé

Mường Nhé là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên, có đường biên tiếp giáp hai nước bạn Lào và Trung Quốc, cũng là điểm cực Tây Bắc Tổ quốc, được mệnh danh nơi "một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe".

Nhà văn Mộc An: Viết cho thiếu nhi là viết cho tuổi thơ mình

Nhà văn Mộc An: Viết cho thiếu nhi là viết cho tuổi thơ mình

Mới đây, bộ đôi truyện dài "Nếu một ngày chúng tớ biến mất", "Nhạc sĩ đường phố" của chị lại được vinh danh với giải B, Giải thưởng Sách quốc gia 2024. Thể thao và Văn hóa đã gặp lại và có cuộc trò chuyện với chị.

Góc nhìn 365: Một tương lai dừng lại để nối những tương lai

Góc nhìn 365: Một tương lai dừng lại để nối những tương lai

Bức ảnh các bác sĩ đang đứng xung quanh bàn phẫu thuật, thành kính chắp tay cúi đầu, đang được lan truyền khắp nơi trong những ngày qua.

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

"Khai vấn trong từng hơi thở" là cuốn sách thứ hai của tác giả Ruby Nguyen, do Nhà xuất bản Hà Nội và Thái Hà Books ấn hành.

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đài PT-TH Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt mang tên "Khúc quân hành vang mãi non sông" vào 22/12 tại sân Đoan Môn, khu Bảo tồn Di sản Hoàng thành - Thăng Long.

Kiểm tra thực hiện Chương trình số 06 CTr/TU của Thành ủy xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh

Kiểm tra thực hiện Chương trình số 06 CTr/TU của Thành ủy xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh

Ngày 18/12, đoàn kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình số 06 CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025.

Tin mới nhất

Đà Nẵng đón Giáng sinh – Chào năm mới 2025 với nhiều chương trình du lịch độc đáo

Đà Nẵng đón Giáng sinh – Chào năm mới 2025 với nhiều chương trình du lịch độc đáo

Chào mừng lễ Giáng sinh và năm mới 2025, các đơn vị du lịch, lưu trú, điểm công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang có nhiều hoạt động, chương trình độc đáo, hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Năm 2025 là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đem đến nhiều vận hội mới cho địa phương.

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Ngày 16/12/2024, tại thành phố Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Liên hoan Ẩm thực mang chủ đề “Trải nghiệm xứ trà, đậm đà bản sắc”.

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Đồi cát Nam Cương (xã An Hải, huyện Ninh Phước) nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 7 km về hướng Đông Nam được ví như "tiểu sa mạc Sahara" với cảnh quan và địa hình độc đáo.

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Tỉnh Quảng Bình có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Ngày 12/12/2024, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với Vietnam Airline tổ chức sự kiện “Phở và Nem: Đường đến với ẩm thực Việt Nam - Bay thẳng Việt Nam - Italy từ tháng 7/2025” nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực và thúc đẩy du lịch Việt Nam.

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một không gian với bối cảnh là một khu phố cổ Hà Nội với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa… gợi nhớ cho người dân Thủ đô và du khách về ký ức của "thời bao cấp", một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Hà Nội với sự lung linh của ánh đèn và hơi thở lịch sử qua từng góc phố, là một mô hình độc đáo, giúp du khách khám phá một Hà Nội rất khác - một Hà Nội quyến rũ, đậm chất thơ và sâu lắng.

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Những nơi này đều có nhiều truyền thuyết bí ẩn xoay quanh và được cho là có thể dẫn lối cho người trần sang thế giới bên kia.

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

World Travel Awards chọn TP.HCM là địa điểm tổ chức Lễ trao giải thưởng khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022.