loading...
(Thethaovanhoa.vn) - “Trẻ em khao khát xem phim hoạt hình Việt lắm nhưng sản lượng phim mình sản xuất quá ít so với nhu cầu. Người làm phim hoạt hình Việt Nam rất tâm huyết, có khả năng tổ chức sản xuất những series phim dài hơi, hấp dẫn và hữu ích nhưng chưa có… mạnh thường quân” - NSND Phương Hoa chia sẻ.
Thông tin từ Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) ngày 28/5 cho biết: Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 năm 2021 sẽ diễn ra đúng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.
Nghỉ hưu đã 10 năm, nhưng NSND Phương Hoa vẫn thi thoảng thực hiện những bộ phim hoạt hình mới. Mới nhất là tháng 11/2020, chị hoàn thiện phim Khúc gỗ mục (Đạo diễn, họa sĩ: NSND Nguyễn Thị Phương Hoa; Biên kịch: Phan Đức Tuấn - Nguyễn Thị Phương Hoa; Biên tập: Bùi Hoài Thu; Nhạc sĩ: Trọng Đài). Nhân dịp tác phẩm này được Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chọn gửi tham dự giải Dế Mèn, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với chị.
Sự hy sinh thầm lặng cho thế hệ nối tiếp
* NSND Phương Hoa mới hoàn thành bộ phim hoạt hình “Khúc gỗ mục”. Chị có thể chia sẻ thêm về ý tưởng và quá trình thực hiện bộ phim?
- Tôi đã nghỉ hưu từ năm 2012. Cách đây khoảng 2 năm, Hãng phim Hoạt hình có mời tôi về làm Cố vấn trong Hội đồng nghệ thuật để thẩm định kịch bản và phim của hãng. Khi làm việc, các bạn hỏi tôi có kịch bản nào không, tôi đưa thì các bạn cũng thấy thích thú vì câu chuyện xúc động. Khi kịch bản được Cục Điện ảnh chấp nhận, tôi được Hãng phim Hoạt hình tín nhiệm giao cho làm phim luôn.
Kịch bản Khúc gỗ mục xuất phát từ ý tưởng của bạn tôi, anh Phan Đức Tuấn, một đại tá công binh đã nghỉ hưu, là người ở ngạch khác, nhưng có nhiều cảm xúc văn chương. Một lần tôi tình cờ được đọc truyện Khúc gỗ mục của anh, tôi thấy rất thú vị và chúng tôi cùng nhau chuyển thể thành kịch bản phim hoạt hình.
Câu chuyện kể về khúc gỗ mục một thời đã từng là bộ phận quan trọng nhất ở mũi một con thuyền lớn, được gọi là “sống đầu”. Nó đã từng dẫn dắt con thuyền vượt sóng gió đại dương đi khắp muôn nơi, chinh phục bao miền xa lạ… Giờ đây, khi chỉ còn là khúc gỗ mục, nằm trên bờ biển vắng, nó thường hay mơ về quá khứ hào hùng và cảm thấy mình chỉ còn là một khúc gỗ mục cô đơn, bị cuộc đời bỏ quên. Cuộc sống cứ trôi đi, tình cờ có một con chim tới trú mưa, đậu lại và khúc gỗ có cảm xúc trở lại, thấy mình có ích, là nơi che chở cho con chim nhỏ.
Ý tứ phim thú vị mà sâu sắc, đó là tình cảm của người lớn với lớp trẻ, luôn có sự bao bọc, bảo vệ, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả bản thân mình. Tình cảm đó lúc nào cũng ẩn chứa trong mỗi con người, sự hy sinh cho lớp trẻ nối tiếp một cách thầm lặng, không cần ai biết đến.
Cụ thể trong phim, có lẽ chỉ có con chim là cảm nhận được sự quan trọng của khúc gỗ mục thôi. Cuộc sống cứ trôi đi, con người sinh ra, lớn lên rồi mất đi, thứ còn lại là mình giữ được dấu ấn trong tâm tưởng của ai đó, vậy là đáng quý rồi.
* Có kinh nghiệm sản xuất phim hoạt hình nhiều năm, theo chị, phim hoạt hình Việt Nam gặp khó khăn gì trong hành trình chinh phục khán giả?
- Thực ra, hoạt hình Việt Nam hiện giờ khá tốt về kỹ thuật và cách thể hiện, có nhiều phim gọn gàng, đáng yêu. May là hiện giờ có kênh YouTube, nếu không thì việc đến với khán giả sẽ gặp nhiều khó khăn. Những bộ phim của Hãng có tính nhân văn, tính giáo dục cao, thu hút hàng triệu lượt xem, giá trị về mặt quảng bá không nhỏ.
Tôi không cho là Việt Nam quá yếu hay quá kém trong việc đưa phim hoạt hình tiếp cận công chúng đâu. Tôi thấy trẻ em khao khát xem lắm, nhưng sản lượng phim mình sản xuất quá ít so với nhu cầu.
Mỗi ngày trẻ em cần xem vài phim chứ 1 phim không đủ. Mà Hãng phim Hoạt hình sản xuất 1 năm khoảng 20 tập phim, hơn 200 phút. Chỉ tính mỗi ngày 1 tập thì chưa đầy 1 tháng, mình đã hết phim để chiếu rồi.
Sản lượng ít thì khó đi vào lòng công chúng, nếu mình có những dự án hàng trăm tập, chạy dài, xuất hiện liên tục thì trẻ con thích xem. Những phim nước ngoài giản dị nhưng rất hay, có ích cho trẻ em. Mình cũng có thể làm tốt được, kể những câu chuyện gần gũi trẻ em Việt Nam.
* Như chị vừa nói, nước ngoài có những series phim hoạt hình rất đơn giản, đáng yêu nhưng hữu ích cho trẻ. Việt Nam còn thiếu gì để có thể làm những series như thế, thưa chị?
- Kịch bản bao giờ cũng quan trọng. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta thiếu Mạnh thường quân đầu tư kinh phí để có thể thực hiện những dự án dài hơi. Ai có thể đầu tư kinh phí 100 - 200 tập phim hoạt hình? Dù là series phim đơn giản thôi, không quá cầu kỳ, phức tạp?
Nhà đầu tư làm gì cũng tính hiệu quả kinh tế, trong khi làm phim hoạt hình để phục vụ thiếu nhi, mang giá trị tinh thần là chính. Tôi mong muốn có Mạnh thường quân nào thực sự yêu thích, bỏ ra một khoản tiền không lớn lắm để cho các cháu, giống như làm công việc hữu ích cho xã hội.
Đầu tư làm phim cho các cháu mà đặt câu hỏi không bán được à, không thu lại được tiền ngay à, thì khó. Tôi luôn tin rằng, đến một thời điểm nhất định khi phát triển thì phim hoạt hình Việt Nam cũng đem lại lợi nhuận lớn, bởi bố mẹ nào cũng muốn cho con xem.
Tâm huyết thì có nhiều, tôi nghĩ Việt Nam đủ sức tổ chức và thực hiện những loạt phim cũng thú vị, hấp dẫn cả về nội dung và hình thức, đặc trưng Việt Nam.
Canh cánh phim hoạt hình “made in Việt Nam”
* Phim hoạt hình Việt chiếu rạp thì sao, thưa chị?
- Việt Nam mới có phim hoạt hình duy nhất ra rạp là Người con của Rồng, đạo diễn Phạm Minh Trí, ra mắt năm 2010 tại rạp Kim Đồng, trong dịp chào mừng Đại lễ ngàn năm Thăng Long. Phim 90 phút, làm trong thời gian ngắn với điều kiện cực kỳ ngặt nghèo.
Tôi thường nói đùa với đạo diễn Minh Trí rằng đấy là “cơ hội ngàn năm có một” của hoạt hình Việt Nam. Hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ có những bộ hoạt hình dài ra rạp phục vụ công chúng.
Máy móc và việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật của mình đã tốt hơn xưa chứ không so được với quốc tế. Chẳng hạn ở Trung Quốc cách đây mười mấy năm khi làm phim họ đã có chuyên gia viết phần mềm riêng cho những kỹ xảo phim họ muốn thực hiện. Ở mình phải mua bản quyền những phần mềm đó nhưng giá cũng đắt. Nói chung là khó khăn nhiều lắm.
Chúng ta cứ hỏi, tại sao chưa có nhân vật nào điển hình của phim hoạt hình Việt Nam? Thực tế mình có điển hình đâu, mỗi phim của mình có 10 phút, mỗi phim là một nhân vật, khán giả còn chưa kịp nhớ. Nếu có hàng trăm tập thì người ta sẽ nhớ nhân vật đó.
* NSND Phương Hoa từng chia sẻ về một dự án phim hoạt hình “made in Việt Nam” cùng với một vài bạn trẻ để phát trên internet cho trẻ em, không biết dự án đó chị thực hiện đến đâu rồi?
- Chúng tôi đã thực hiện được 5 tập xinh xắn, đáng yêu phát trên Youtube. Hiện tại đang tạm dừng lại do ảnh hưởng dịch Covid-19, tình hình tài chính khó khăn.
Thật ra, để làm được phim phải có tiền, chúng tôi tự làm nhưng nhiều khâu phải thuê. Không có vốn, chúng tôi cứ loay hoay. Mà chúng tôi làm với tâm thế đưa sản phẩm ra xã hội, cho các cháu xem là chính. Tôi không còn phải lo lắng nhiều thứ cơm áo gạo tiền mới có thể làm chứ không phải ai muốn cũng làm được.
Nỗi canh cánh của tôi từ lâu là làm series phim hoạt hình cho trẻ em, giản dị thôi nhưng dễ thương, gần gũi. Tôi cũng luôn mong muốn tìm tòi thêm những cách thể hiện mới, cách diễn đạt mới trong hoạt hình để người xem thấy phong phú hơn, không bị nhàm chán.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
NSND, đạo diễn, họa sĩ Phương Hoa tên đầy đủ là Nguyễn Thị Phương Hoa sinh năm 1957, là con gái của đạo diễn - NSND Trần Vũ và đạo diễn, diễn viên NSƯT Đức Hoàn.
Tốt nghiệp Đại học Điện ảnh quốc gia toàn Liên bang Xô viết (VGIK), chị về công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đến năm 2004. Sau đó, chị chuyển sang Trung tâm sản xuất phim VFC, Đài truyền hình Việt Nam, làm việc đến khi nghỉ hưu.
Một số bộ phim tiêu biểu do chị làm đạo diễn giành giải thưởng Bông Sen Vàng Vàng LHPVN như: Xe đạp, Chuyện về những đôi giày; Bông Sen Bạc như: Chiếc ô đỏ, Quái vật hồ sen…
Và nhiều giải thưởng khác cho các phim: Lá cây và lông vũ, Truyền thuyết chiếc khăn Piêu…
Chị cũng từng thực hiện series phim hoạt hình lịch sử và phim đồng thoại: Âu Cơ -Lạc Long Quân (5 tập), Chuyện cổ Loa thành (5 tập), Voi Cà Chua và chim sẻ Su Su (16 tập)…
|
Tiểu Phong (thực hiện)
loading...