NSND Huỳnh Nga: Hát đám cưới để giúp cải lương tồn tại
(Thethaovanhoa.vn) - Tối nay 4/4, tại Nhà hát TP, Trung tâm Tổ chức biểu diễn TP.HCM phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM và Đài truyền hình Hậu Giang tổ chức đêm diễn tri ân NSND Huỳnh Nga trong chương trình Làn điệu Phương Nam. Nhân dịp này, TTVH đã có buổi trò chuyện cùng ông.
NSND Huỳnh Nga vừa xuất viện về nhà khoảng 2 tuần sau ca mổ đại tràng. Năm nay đã 82 tuổi mà phải chịu một ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ nên sức khỏe ảnh hưởng nhiều. Dù vậy, thật may mắn là bây giờ ông đã cảm thấy ổn hơn trước khi nhập viện.
* Cảm xúc của ông thế nào khi biết được thế hệ hậu bối tổ chức một đêm diễn vinh danh ông, sau khoảng thời gian rất dài ông gần như hoàn toàn rời xa hoạt động sân khấu?
- Khoảng 10 năm trở lại đây, tôi không dàn dựng vở mới nào. Nguyên nhân vì vào độ tuổi “thất thập” sức khỏe không còn sung mãn đã hạn chế sức sáng tạo của tôi. Tôi đã nghĩ mình thực sự chia tay với sân khấu nên tôi bất ngờ và cảm động khi đàn em tổ chức một chương trình dành riêng cho mình.
* Ông đã dàn dựng hơn 200 tác phẩm và trong đó nhiều vở đã trở thành kinh điển của sân khấu cải lương. Vì sao ông chọn Đời cô Lựu, Tấm Cám, Tiếng sáo đêm trăng, Tìm lại cuộc đời?
- Thực sự mọi chi tiết trong chương trình đều do BTC quyết định. Tôi nghĩ họ có lý do để chọn những vở tuồng phù hợp với lực lượng diễn viên hiện có, và đồng thời miêu tả được dấu ấn trong sự nghiệp của tôi.
* Vở Đời cô Lựu thực sự ghi một dấu son vào sự nghiệp đạo diễn của ông. Tuy nhiên, những diễn viên chính như NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Minh Vương giờ dây đã qua thời đỉnh cao. Ông có lo sợ họ làm mất đi ấn tượng đẹp đã tạo ra hơn 30 năm trước không, thưa ông?
- Không. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài năng và bản lĩnh của các em. Tôi chỉ sợ các nhân vật thế vai không đảm đương nổi tầm vóc của vai diễn.
* Ông có thể cho biết suy nghĩ của mình về hiện tượng nghệ sĩ cải lương phải mưu sinh bằng cách hát tại sinh nhật, đám cưới vì không có nhà hát?
- Trong bối cảnh khó khăn chung, âu đó cũng là cách để người nghệ sĩ được sống với nghề. Tôi nghĩ họ phải đam mê lắm mới chấp nhận hát ở những nơi không phải là nhà hát thực sự. Chính họ góp phần vào sự tồn tại của cải lương.
* Xin ông trả lời một cách thật lòng, ông có tin cải lương tồn tại?
- Cải lương được sinh ra từ trong công chúng bình dân, được công chúng nuôi dưỡng nên đã có thời kỳ phát triển rực rỡ. Giờ đây, cải lương vẫn còn sức sống thông qua hoạt động của các đoàn tỉnh, các tụ điểm, kể cả trên truyền hình. Theo tôi biết thì cải lương còn hiện diện trên Internet với số lượng người hâm mộ, nhất là các bạn trẻ đông đảo. Vì vậy, tôi có niềm tin là chắc chắn cải lương sẽ tồn tại.
* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện, chúc ông sức khỏe dồi dào!
Nguyễn Huỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa