loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh những cậu bé ở nhiều lứa tuổi, trong trang phục áo dài ngũ thân truyền thống của người Việt xuất hiện bên Hồ Gươm cổ kính đã mang đến thật nhiều cảm xúc đẹp.
Sáng ngày 25/5, tại khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Đà Nẵng, hội thi Vẽ tranh trên áo dài được tổ chức đã mang đến một ngày hội mỹ thuật vui tươi, sôi động cho các em học sinh khuyết tật trên địa bàn Tp Đà Nẵng.
16 chàng trai bé nhỏ đến từ Câu lạc bộ mang tên “Trái đất này là của chúng mình” do chị Nguyễn Thanh Bình, một thành viên tích cực của nhóm Đình Làng Việt phụ trách.
Là một dự báo viên đang làm việc tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống cũng như mong muốn truyền tải những kiến thức của mình về địa lý, môi trường sống đến các bạn nhỏ, chị Nguyễn Thanh Bình đã thành lập nên Câu lạc bộ “Trái đất này là của chúng mình”. Nội dung học tập, trao đổi của lớp thường về kỹ năng sinh tồn, kỹ năng phòng chống thiên tai, sống xanh… Đến với cô giáo của lớp học đặc biệt này cũng là những đứa trẻ rất đặc biệt. Chúng yêu thích thiên nhiên, nâng niu những giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc.
Tích cực ủng hộ phong trào quảng bá, giới thiệu trang phục áo dài ngũ thân dành cho nam giới của nhóm Đình Làng Việt trong thời gian qua, chị Nguyễn Thanh Bình đã thuyết phục chồng và những người xung quanh mình hãy cùng chung tay đưa những giá trị văn hóa truyền thống trong trang phục của dân tộc quay trở về cuộc sống đương đại.
“Thuyết phục những phụ huynh của các em nhỏ tham gia Câu lạc bộ về việc may cho các cháu những bộ áo dài ngũ thân, ban đầu quả thực rất gian nan. Nhiều người hỏi tôi lý do vì sao phải bỏ ra số tiền lớn hơn so với tiền có thể mua những bộ áo dài cách tân, áo dài Ấn Độ đang tràn lan ngoài thị trường. Tôi nói với họ rằng, hãy tin tôi, đó là những giá trị độc đáo thuộc về văn hóa Việt Nam. Những đứa trẻ đang ở độ tuổi dễ tiếp nhận nhất đối với những giá trị truyền thống đó. Cuối cùng, các vị phụ huynh đã chấp nhận. Và tự tay tôi đi chọn vải, nhờ người tư vấn đo và mang đến làng áo dài Trạch Xá để nhờ nghệ nhân của làng đích thân may theo công thức cổ những bộ trang phục đặc biệt này…”, chị Nguyễn Thanh Bình nói.
Chị Bình cũng chia sẻ, hai năm trước, khi tham gia Tết Việt ở Đình So, nhóm trẻ do chị phụ trách cũng đã từng mặc áo dài. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có nhiều sự quan tâm và phong trào mặc áo dài nam truyền thống không nổi bật như bây giờ. Sau hai năm, có nhiều cậu bé đã lớn bổng, nhưng vẫn rất vui khi cô giáo đặt vấn đề may và mặc áo dài ngũ thân. “Nhìn những đứa trẻ tung tăng, thoải mái với những tấm áo ngũ thân, cảm xúc của tôi thật khó tả. Chúng rất thích, rất hồn nhiên tạo dáng, giới thiệu với mọi người bằng ngôn ngữ của trẻ nhỏ…”.
Cô giáo của lớp học “Trái đất này là của chúng mình” sau đó cũng liên tục nhận được tin nhắn hỏi địa chỉ may áo dài ngũ thân cho học sinh. Các vị phụ huynh vui vẻ vì được nhìn thấy con em mình trong một diện mạo rất dân tộc, và cũng không kém phần… thần thái. Hồ Gươm, với các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại mà nhóm Đình Làng Việt tham gia, đã có một buổi sáng đẹp, đầy xao động với sự xuất hiện tuyệt đến nao lòng của những đứa trẻ. Chị Bình cho biết, sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa để những đứa trẻ này có thêm nhiều cơ hội mang trên mình tà áo truyền thống của người Việt.
Anh Đinh Hồng Cường, thành viên nhóm CLB Áo dài Nam truyền thống thuộc Đình làng Việt kể chuyện, theo lịch hẹn, 7h30 sáng hôm đó, 16 khuôn mặt thiên thần và phụ huynh có mặt tại gian hàng “Áo dài của đàn ông Việt” để chuẩn bị mặc áo dài ngũ thân truyền thống, mừng “Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại”.
“Tôi được mời vào vai người vấn khăn cho các bé. Vừa ngắm dung nhan, vừa vấn khăn, tôi vừa giảng giải về chữ NHÂN, chữ NHẤT trên đầu để các cháu hiểu về giá trị bộ trang phục truyền thống Việt Nam chúng đang mặc trên người. Bé nào cũng đều cảm thấy tự hào vì lần đầu được mặc áo dài ngũ thân xuống phố. Các phụ huynh hào hứng chụp ảnh, khen ngợi không tiếc lời…”, anh Đinh Hồng Cường tâm sự.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Huy – nhóm Đình Làng Việt được phân công cùng với các bố các mẹ dẫn các cháu đi quanh bờ hồ Hoàn Kiếm xây dựng câu chuyện sao cho hấp dẫn, có nội dung.
“Người lớn thì cứ phải cố mà cười tạo dáng chứ với các bé, cứ hễ nhấc máy lên là có ảnh đẹp. Đẹp từ tâm hồn đẹp ra, đẹp đến mức kiêu sa. Thế mới thấy, áo dài ngũ thân truyền thống của Việt Nam đẹp biết nhường nào. Chính những đứa trẻ này đang góp phần xây dựng thương hiệu áo dài Việt Nam truyền thống chăng?…”, vẫn theo thành viên nhóm Đình làng Việt chia sẻ.
Theo Báo Văn hóa
loading...