loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Với NSND Lê Khanh cùng nhiều thế hệ Nhà hát Tuổi trẻ, họ cứ lớn lên và trưởng thành dần qua mỗi vở diễn, đêm diễn của Lưu Quang Vũ.
Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng viết vở kịch "Người trong cõi nhớ" với thông điệp rằng, người chết chỉ thực sự mất đi khi không còn được nhớ tới.
Từ đó, những nghệ sĩ ấy “có ý thức hơn, biết yêu thương nhiều hơn, biết chia sẻ, dám mơ ước, dám bảo vệ lẽ phải, dám đấu tranh cho công bằng và quan trọng nhất luôn luôn tin vào cái đẹp, tin vào cái thiện ở ngày mai”.
1. Trong không khí có thơ, có nhạc, có dấu vết của một thời xưa cũ tại Se sẽ chứ L'Espace (trong khuôn khổ Tuần thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh), NSND Lê Khanh ngập tràn những tâm sự như thủ thỉ về quãng thời gian cùng gắn bó, cùng trưởng thành với kịch Lưu Quang Vũ bằng một tiếng gọi “chú” đầy ắp tâm tình.
“Khi tôi mới tuổi trăng tròn, cùng với sự ra đời của Nhà hát Tuổi trẻ, chú Lưu Quang Vũ cũng mang đến giới thiệu với chúng tôi vở kịch đầu tiên mang tên Sống mãi tuổi 17 viết về người anh hùng Lý Tự Trọng. Và chúng tôi lớn lên, 2 năm sau, năm 1982, chú lại mang đến cho chúng tôi kịch bản để dựng vở kịch Mùa Hạ cuối cùng viết về lòng trung thực của tuổi trẻ trước vấn nạn gian lận thi cử và những bất cập của xã hội” - NSND Lê Khanh kể.
Rồi lần lượt, chị kể thêm, năm 1984, Nhà hát Tuổi trẻ diễn Lời nói dối cuối cùng với thông điệp: Không thể nào có điều tốt đẹp khi bắt đầu từ những điều dối trá. Năm 1986, Lưu Quang Vũ lại có ở đây vở diễn Tin ở hoa hồng với lời nhắn gửi: Đừng mất niềm tin ở người lớn. Cũng năm 1986, Lời thề thứ 9 được lên sàn công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ. Đó là câu chuyện về hành trình của những người lính trẻ quay về hậu phương cứu người vô tội, vạch trần tội ác của quan tham. Vở diễn đã gây một tiếng vang vô cùng lớn, tạo lên một hiện tượng kịch Lưu Quang Vũ.
“Tôi không biết bao giờ lại có một nơi diễn kịch Lưu Quang Vũ nhiều đến như thế? Tôi không biết có bao giờ lại có lớp lớp người xếp hàng vào xem kịch Lưu Quang Vũ, không biết đến tận bao giờ lại có được những tràng pháo tay vang dội như sóng trào vì tâm đắc với từng câu thoại mang phong cách rất Lưu Quang Vũ” - NSND Lê Khanh bày tỏ.
“Rồi năm 1987, chúng tôi lại được biểu diễn vở Chết cho điều chưa có. Năm 1989 là vở Điều không thể mất được chú Vũ nhắn gửi kèm một thông điệp vô cùng xót xa: Đừng vì cái lợi của ngày hôm nay mà đánh mất đi sự cao cả của người lính hôm qua. Và thật bàng hoàng, tôi - chúng tôi - chúng ta không thể ngờ được Điều không thể mất là 1 trong những lời nhắn gửi cuối cùng của chú”.
2. Trong suy nghĩ của mình, NSND Lê Khanh cho rằng, dường như nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ là “người được chọn”.
“Nói như từ ngữ của ngày hôm nay, chú được chọn để “selfie” tất cả những khoảnh khắc của đời sống. Mỗi vở kịch là vô vàn những bức ảnh sinh động và sống động cực kỳ hiện thực. Ai có thể chụp được tất cả ý nghĩ hành vi, tư tưởng của con người, thú thực tôi không biết hết. Nhưng cho đến lúc này, chỉ có thể là Lưu Quang Vũ” - chị chia sẻ. “Và sau những bức ảnh hiện thực đến bi hài ấy, thì ai luôn luôn và mãi mãi vẫn tin, vẫn yêu, vẫn hy vọng vào con người, đó cũng chính là Lưu Quang Vũ”.
Đạo diễn Nguyễn Thước - đạo diễn bộ phim tài liệu Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại nhớ về Lưu Quang Vũ, nhớ về Xuân Quỳnh là những phút giây ngạc nhiên xen lẫn những đau đớn.
“Khi làm phim, tôi ngạc nhiên với chính tôi. Quãng thời gian trước đó, các máy quay vẫn có trong tay mà người ta không bao giờ có ý thức ghi lại. Để rồi đến khi làm phim, chúng tôi không có 1 mét phim, 1 phút tư liệu về anh Vũ và chị Quỳnh. Và đau đớn hơn, chỉ có 2 phút phim tư liệu nhựa đen trắng do chính tôi quay lại là 2 phút đám tang của anh chị và cháu Lưu Quỳnh Thơ, khi chuyện xảy ra quá đột ngột” - ông nói.
Nhớ về Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nguyễn Thước ấn tượng với sức làm việc kinh khủng của kịch tác giả này, khi luôn thấy anh ngồi viết lầm lũi trong căn phòng chật chội: “Tôi chứng kiến những đoàn kịch đặt hàng kịch bản được anh Vũ hẹn ngày trả để dàn dựng. Đến hẹn, khi anh Vũ chưa kịp viết xong nhưng ngay lập tức các đoàn kịch sẵn sàng sang quán nước bên kia đường nhà 96A Phố Huế để ngồi uống nước “ăn vạ”, chờ ngày chờ đêm. Đợi đến khi anh Vũ viết xong ngay lập tức họ ôm kịch bản chạy về đoàn. Và anh Vũ cứ thế viết ngày viết đêm...”.
Hết sức tình cờ, trong lời 1 vở kịch Lưu Quang Vũ viết: “Với cuộc đời, tôi không biến đi đâu cả! Tôi tồn tại… ”. Có lẽ đúng vậy, trong quá khứ đến thời hiện tại và cả ở tương lai, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh vẫn mãi sống như những “người trong cõi nhớ”.
(Còn tiếp)
Công Bắc
loading...