Nhìn lại triển lãm 'Điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội' 2022: Bối cảnh mới, tinh thần mới
Triển lãm Điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội lần thứ 7 vừa diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, bày 50 tác phẩm của 33 tác giả. Đây được xem là phần 1 của sự kiện, còn phần 2 dự kiến sẽ diễn ra tại Hội An vào tháng 11/2022. Sau hai năm Covid-19, ít có điều kiện kết nối, đây lại là khoảng thời gian lý tưởng để điêu khắc phát triển với tinh thần mới.
1. Nhóm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn, hoặc Sài Gòn - Hà Nội được thành lập năm 2010, dựa trên ý tưởng của hai nhà điêu khắc Đào Châu Hải và Bùi Hải Sơn. Nhóm được tập hợp bởi 15 tác giả điêu khắc hoạt động sáng tác thường xuyên tại Hà Nội và TP.HCM, định kỳ 2 năm một lần, luân phiên triển lãm giữa Hà Nội và TP.HCM.
Trên thực tế, với các kỳ triển lãm đã diễn ra, hoạt động của nhóm đã gắn kết các mối quan hệ nghề nghiệp và làm sôi nổi hoạt động sáng tác, trao đổi chuyên môn giữa các nhà điêu khắc trong cả nước.
Đào Châu Hải và Bùi Hải Sơn thuộc thế hệ những nhà điêu khắc hàng đầu của Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Điêu khắc gia Đào Châu Hải sinh năm 1955, ông từng giữ các vị trí giảng dạy, quản lý mỹ thuật, hoạt động sáng tác chủ yếu ở Hà Nội. Bùi Hải Sơn sinh năm 1957, từng là giảng viên Đại học Kiến trúc TP.HCM, hoạt động sáng tác điêu khắc tại TP.HCM. Việc thành lập nhóm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn dưới sự dẫn dắt và đồng hành của hai người thầy lớn ở hai miền, cùng nhiều nhà điêu khắc - hầu hết từng là các thế hệ học trò - đã cho thấy một sự chuyển giao của điêu khắc trong thời kỳ những năm đầu thập niên của thế kỷ 21.
Phần thứ 1 của triển lãm, số lượng thành viên kỳ cựu và tác phẩm tiết giảm, nhường chỗ cho những tác giả trẻ. Sau hơn 10 năm, thế hệ các nhà điêu khắc trẻ đã trở thành những người thầy giảng dạy điêu khắc trong những ngôi trường nghệ thuật lớn ở hai miền, tiếp tục đồng hành với thế hệ trẻ trong cả nước.
Cùng với đó, có thể thấy rõ sự chuyển dịch của nội dung, phong cách sáng tác qua các thế hệ trong triển lãm lần này. Nếu như cảm hứng sáng tác của những người thầy, những nghệ sĩ đã thành danh thế hệ 7X thiên về chiêm nghiệm tính phổ quát của tự nhiên, của đời sống tinh thần với độ tinh giản ở các chi tiết và tính cân bằng, thì sáng tác của những người trẻ hơn đề cập đến những hiện tượng bên ngoài một cách trực diện.
Ở các sáng tác này, phương diện ý nghĩa được chú trọng. Những phức tạp trong phong cách tạo hình thể hiện trạng thái hỗn loạn của con người trong môi trường đô thị đương đại. Một luồng tác phẩm còn lại lấy hình tượng từ văn hóa dân gian với ngôn ngữ biểu cảm, hài hước, đem đến không khí mới lạ, cân bằng cho chuỗi tác phẩm trong triển lãm.
2. Với diện tích không gian hạn chế, phần 1 sẽ là một sự kiện khởi động, mang tính truyền thống, do vậy sẽ bao gồm các tác phẩm điêu khắc nhỏ, với vật liệu bền vững như sắt, đồng, gỗ, đá, thép không gỉ, nhôm, tổng hợp, composite, epoxy...
Phần hai - dự kiến trong tháng 11/2022 - với sự góp mặt của gần 50 tác giả và không gian ngoài trời cho điêu khắc kích thước lớn, chắc chắn sẽ là một cuộc hội ngộ bất ngờ giữa các nghệ sĩ kỳ cựu, cũng như các thế hệ chuyển giao mạnh mẽ, cả về lượng và chất.
Thực tế, trong hơn 10 năm qua, các nghệ sĩ trong nhóm này đã tham gia nhiều dự án tư nhân lớn trong nước và quốc tế, cho thấy được sức sáng tạo mạnh mẽ, đáp ứng được các điều kiện về quy mô, tổ chức, cũng như các chủ đề, câu chuyện chung. Điêu khắc gắn liền với không gian, môi trường và bối cảnh nhận thức.
Bởi vậy sự phát triển tiếp theo của điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội chắc chắn sẽ cần đến nhiều hơn nữa sự góp mặt của các nghệ sĩ trong ngữ cảnh của không gian, cuộc chơi mới, giám tuyển nghệ thuật, người hỗ trợ, công chúng, giới phê bình và những thành phần khác của thị trường nghệ thuật đương đại…
Trần Thu Huyền