loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Rõ ràng là Alfred Nobel muốn giải chỉ tập trung vào bản thân các tác phẩm chứ không hề đả động tới giới tính, màu da, thân thế hay quan điểm xã hội của tác giả. Thế nhưng, thật trớ trêu là những tranh cãi cho giải Nobel "trao đúp" vừa qua (cho 2 năm 2018 và 2019) lại nhằm vào những điều đó.
Chiều 10/10 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng giải thưởng Nobel của Thụy Điển đã xướng tên nhà văn Olga Tokarczuk (Ba Lan) là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2018 và Peter Handke (Áo) là chủ nhân Nobel Văn học 2019.
1. Trong giới văn chương, Nobel Văn chương - với mức độ danh giá, giá trị giải thưởng cũng như tiêu chí lựa chọn giữ kín - lại là giải gây nhiều sự xét lại nhất. Quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển, bên cạnh những cái tên được phần lớn giới điệu mộ gật gù, lại cũng không thiếu những lần khiến họ sửng sốt.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ truyền thông, tranh cãi đã đẩy lên một cao trào mới. Sóng mới chỉ lăn tăn khi năm 2015 giải trao cho nhà báo có góc nhìn nhạy cảm Svetlana Alexievich, rồi tăng vọt lên thành sóng thần với Bob Dylan năm 2016. Kazuo Ishiguro năm 2017 có thể coi là liều thuốc giảm nhiệt vô thưởng vô phạt. Tuy nhiên, sóng gió mới lại ập đến vào năm 2018 khi giải vướng vào nhiều vấn đề gây lục đục nội bộ và buộc phải tạm hoãn giải rồi trao đúp vào năm 2019.
Những tưởng Viện Hàn lâm sẽ chọn 2 cái tên nhằm xoa dịu như năm 2017, nhưng không, giải tiếp tục gây tranh cãi khi lao vào chủ đề đang nóng bỏng bậc nhất hiện nay, không chỉ trong giới văn chương mà trong giới nghệ thuật nói chung: Nên hay không tách bạch tác phẩm với tác giả?
Bản thân văn học đã chưa có chuẩn mực chung, các tiêu chuẩn riêng của Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng không ai rõ. Vậy tranh cãi chỉ có thể bám vào… di chúc của chính Alfred Nobel. Thể theo mong muốn của Nobel, các giải Nobel sẽ được trao “không phân biệt quốc tịch mà chỉ trao cho người xứng đáng nhất, cho dù họ có phải là người Scandinavi hay không”. Cụ thể với giải Nobel Văn học, giải được trao cho “người hoạt động trong lĩnh vực văn chương, có tác phẩm nổi bật nhất theo khuynh hướng duy tâm”.
Tuy nhiên, cũng giống như những quyết định trao giải về sau luôn mập mờ, bản thân ý nguyện của Nobel cũng làm Viện Hàn lâm bối rối khi chữ “idealisk” trong tiếng Thụy Điển vừa có nghĩa là “duy tâm”, vừa có nghĩa là “lý tưởng”. Ban đầu, Viện dùng theo nghĩa đầu nhưng hiện đã chuyển sang nghĩa thứ hai.
Nhưng dù là nghĩa nào đi chăng nữa, rõ ràng là Nobel chỉ tập trung vào bản thân các tác phẩm chứ không hề đả động tới giới tính, màu da, thân thế hay quan điểm xã hội của tác giả. Thế nhưng, thật trớ trêu là những tranh cãi (và dự đoán trước đó) cho giải năm 2019 lại nhằm vào những điều đó.
2. Năm 2019, giải Nobel Văn học trao cho 2 tác giả là Olga Tokarczuk (người Ba Lan, năm 2018) và Peter Handke (người Áo, năm 2019). Được xướng tên chỉ cách nhau ít phút nhưng số phận của họ trên các chiến trận phê bình lại ngược hẳn nhau.
Tokarczuk được số đông ưa chuộng. Trên các trang dự đoán hoặc cá cược, bà luôn ở top đầu, cùng với nhiều nữ nhà văn khác như Anne Carson, Margaret Atwood, Maryse Conde và Lyudmila Ulitskaya. Trong không khí vẫn đang tưng bừng của phong trào #Metoo, rất dễ hiểu là Tokarczuk được đánh giá cao vì bà là nữ và các tác phẩm cũng như quan điểm xã hội của bà đều hướng tới trao quyền cho phụ nữ.
Tất nhiên, văn chương của Tokarczuk không hề xoàng. Nhưng giải Nobel cho Tokarczuk vẫn bị cho là một quyết định gây bất ngờ, xét riêng về mặt văn chương.
Ngược lại Handke bị chỉ trích mạnh mẽ. Đầu tiên là bởi xuất xứ cha mẹ để lại không thể chối bỏ: Ông là nam giới và là dân da trắng châu Âu. Chính Viện Hàn lâm Thụy Điển phải chịu trách nhiệm một phần về điều này, vì trước thềm trao giải, họ đã hứa sẽ không tập trung vào nam giới và văn hóa châu Âu. Thứ hai là bởi những quan điểm về chính trị cũng như chính giải Nobel của ông. Cứ mỗi lần Handke được trao giải thưởng lớn nào, quá khứ tham dự đám tang cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic của ông lại bị đem ra “soi”. Về giải Nobel Văn học, ông đề nghị bãi bỏ vì “phong thánh một cách sai lầm” trong văn học.
Thế nhưng, thử hỏi, tất cả những điều trên có liên quan gì tới ý nguyện cuối đời của Alfred Nobel?Cũng thật tréo ngoe bởi chính Handke từng nhận xét về mình: “Tôi không thể nói tôi là ai. Tôi không có ý niệm xa xôi nào về mình. Tôi là người không có tiền lệ, không có quá khứ, không có quê hương, và đó là điều tôi khẳng định”!
Ông cũng thể hiện rõ điều này trong văn chương: Với câu hỏi “Viết để làm gì?” của Sartre, Hanke chỉ có một câu trả lời: Để tìm hiểu về chính mình. Tuy nhiên, đây không phải một cuộc tìm kiếm về mặt nguồn gốc kiểu Patrick Modiano mà xã hội hay làm với ông, mà đó là một cuộc dò tìm về bản chất, được diễn giải theo cách rất nghệ thuật.
Ngay từ thời trẻ, Handke đã thể hiện lập trường mạnh mẽ của mình về văn chương: Ông bịt mũi trước thứ văn chương nhạt nhẽo, hoàn toàn thiếu tính sáng tạo về lối viết và câu chữ, đặc biệt là thói cố nhét vào những sự kiện lịch sử tang thương giống như “poverty porn”.Thay vào đó, ông xây dựng nên một mê lộ về câu chữ và tâm lý.
3. Trong cuốn sách duy nhất của Handke đã được dịch sang tiếng Việt là In Einer Dunklen Nacht Ging Ich Aus Meinem Stillen Haus (Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình - theo bản dịch của Ngụy Hữu Tâm), tuy có những tranh cãi về dịch thuật và cũng không phải tác phẩm tiêu biểu nhất của Handke nhưng vẫn thể hiện rõ quan điểm nghệ thuật của ông.
Nhân vật chính, với xã hội, là người không có gì nổi bật và ngay cả tiệm thuốc của ông cũng nằm ở khu vực đã bị xã hội lãng quên. Handke rõ ràng không có ý định tô đậm nhân vật bằng tên tuổi, lai lịch, chỗ ở hay gắn vào một sự kiện lịch sử vĩ mô nào. Ngược lại, tất cả tập trung vào hành trình tìm kiếm bản thân. Quan điểm hiện sinh này có lẽ không quá lạtại thời điểm hiện tại nhưng chính lối viết của Handke mới là cái đáng chú ý.
Không lẩn quẩn đến mức khiến độc giả hóa điên như Kafka nhưng mọi thứ trong sách dường như luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc với nhiều tình huống phi lý, chỉ đôi khi mới phát lộ chút ánh sáng giữa núi rừng u tịch để kéo độc giả về đúng xa lộ vốn liên tục có những đoạn cua rẽ phức tạp. Ở đơn vị nhỏ hơn, các câu văn của Handke luôn là sự đánh đố với người đọc nhưng thường xuyên mang lại cảm giác choáng ngợp như khi đangmò mẫm trong hang động thì bất chợt tìm thấy lối ra sáng rực trước bình nguyên rộng lớn. Tất cả đều theo những con đường mới, không bị đụng chạm sáng tạo với ai.
4. Đẹp lồ lộ nhưng vẫn bí ẩn, văn chương của Handke là cuộc thanh tẩy trước những thứ văn học dễ dãi, mô phạm và đi theo lối mòn. Tài năng văn chương của Handke là không thể phủ nhận. Nhưng ông lại đang bị phủ nhận.
Làn sóng phủ nhận này gần đây dần lớn mạnh và trước khi chạm tới đỉnh điểm, Handke đã đi qua nhiều tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật như Michael Jackson, Woody Allen, Ko Un, Roman Polanski… khi quá khứ của họ bị đưa ra hồi tố xét xử. Nhưng phủ nhận, xóa sạch các tác phẩm kinh điển của thế giới vì quá khứ của tác giả - điều không phản ánh trong tác phẩm - là cái cần phải thận trọng xem xét.
Gần đây nhất, tại LHP Venice, ban giám khảo đã đứng lên chống lại dư luận để trao Giải thưởng lớn từ ban giám khảo - giải quan trọng thứ hai của LHP - cho bộ phim An Officer And A Spy của Polanski. Quan điểm của họ rất rõ ràng là chỉ tập trung thảo luận về phim, chứ không phải con người, phim mới là chủ đề để đánh giá. Trong trường hợp giải Nobel Văn học, Viện Hàn lâm Thụy Điển nếu muốn, có thể viện dẫn di chúc của Nobel làm cơ sở cho quyết định đúng đắn của mình.
Đẹp lồ lộ nhưng vẫn bí ẩn, văn chương của Handke là cuộc thanh tẩy trước những thứ văn học dễ dãi, mô phạm và đi theo lối mòn.
|
Thư Vĩ
loading...