loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều di tích lịch sử ở thị trấn Tam Đảo đang dần biến mất do hoạt động kinh doanh du lịch thiếu sự quản lý chặt chẽ, nhiều khách sạn, nhà nghỉ xây dựng chen lấn...
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 7, năm 2018) cho 22 hiện vật, nhóm hiện vật, đồng thời quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9) đối với 11 di tích.
Nơi ghi dấu cách mạng
Khu du lịch Tam Đảo nằm trên dãy núi Tam Đảo ở độ cao trên 900 mét so với mực nước biển, nhiệt độ vào mùa hè chỉ từ 20 đến 22ºc. Năm 1904, người Pháp đã phát hiện ra tiềm năng du lịch của khu vực này và bắt đầu xây dựng. Tam Đảo đã và đang trở thành điểm du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng của hàng vạn du khách mỗi năm.
Ông Trần Quang Thà, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Thị trấn Tam Đảo không chỉ là nơi nghỉ mát, nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn là địa danh lịch sử vẻ vang với trận tiêu diệt đồn phát xít Nhật ngày 16/7/1945, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nơi đây còn là nơi đặt Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Trần Hưng Đạo (Trung Du) thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã cho xây dựng tại Tam Đảo 5 hầm hào trú ẩn phục vụ cho Trung ương. Cả 5 hầm trú ẩn trên tuy được thiết kế ở 5 địa điểm khác nhau, nhưng kết cấu, kiến trúc, kích thước gần giống nhau, tạo thành một thế trận phòng thủ vững chắc liên hoàn, nằm tại trung tâm thị trấn Tam Đảo hàm chứa nhiều ý nghĩa lịch sử.
Nơi đây đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm và làm việc 3 lần. Lần thứ nhất vào ngày 19/5/1955, Bác lên thăm công trường xây dựng các nhà nghỉ phục vụ chuyên gia các nước anh em; lần thứ hai vào ngày 14 và 15/7/1963, Bác nghỉ tại Nhà Giao tế Trung ương, Bác đến thăm và phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc và lần thứ ba vào ngày 27/7/1968, Bác lên dự cuộc họp của Quân ủy Trung ương.
Dẫn chúng tôi đi thăm căn nhà gỗ Bác Hồ từng ở mỗi lần lên thăm Tam Đảo, bà Nguyễn Thị Duyên, nguyên Bí thư thị trấn Tam Đảo, có 49 năm tuổi Đảng cho biết: Những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Tam Đảo đều ở ngôi nhà gỗ ở Khu Giao tế tại lưng chừng núi. Phía nhau nhà số 1 có căn hầm bằng bê tông do công binh ta đào để trú ẩn tránh chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ. Phía trước nhà số 2 có cây ổi và chiếc ghế bằng xi măng. Thời kỳ chưa có chiến tranh, Chủ tịch Hố Chí Minh lên Tam Đảo thường nghỉ tại ngôi nhà này. Buổi sáng sớm và chiều tối Bác thường ngồi nghỉ dưới gốc cây ổi hoặc trên ghế đá đọc sách, báo, chuyện trò với cán bộ Trung ương, cán bộ địa phương. Sau này, khi giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, Bác lên Tam Đảo, các đồng chí phục vụ mời Bác nghỉ ở nhà số 1 cho gần hầm trú ẩn hơn.
Di tích đang dần bị lãng quên
Có thể nói, những di tích lịch sử ở thị trấn Tam Đảo không chỉ có ý nghĩa lịch sử quan trọng ghi dấu những giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn có giá trị trong việc phát triển du lịch tham quan, học tập.
Tuy vậy, sau nhiều năm, cùng với sự tàn phá của thời gian hoạt động kinh doanh du lịch thiếu sự quản lý chặt chẽ, nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã xây dựng chen lấn, những di tích lịch sử ở thị trấn Tam Đảo đang dần biến mất. Ngôi nhà gỗ Bác Hồ từng ở nay chỉ còn là một ngôi nhà mục nát, bị biến thành nơi nuôi gà và bãi đổ rác thải xây dựng. Nếu du khách nào đến Tam Đảo có dịp đi qua ngôi nhà gỗ ở Khu Giao tế chắc hẳn sẽ không biết đây là một di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng, bởi ngoài một ngôi nhà đổ nát, bị cỏ dại bao vây um tùm thì không có một tấm bia đánh dấu nào. Chắc chắn, sẽ rất ít người dân thị trấn Tam Đảo còn nhớ và biết đến di tích này.
Tương tự như vậy, 5 ngôi hầm trú ẩn được Trung ương Đảng xây dựng hiện nay chỉ đã xuống cấp trần trọng, thậm chí có những hầm trú ẩn bị rác thải lấp đầy, cửa hầm đã xây bịt kín, hệ thống điện bị hỏng nên việc đi vào thăm, kiểm tra rất khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Duyên cho biết: Đã có rất nhiều đoàn của tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về khảo sát và đánh giá hiện trạng của các di tích cách mạng tại thị trấn nhưng từ đó đến nay các di tích vẫn không được duy tu, sửa chữa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các di tích cách mạng nằm trên địa bàn thị trấn Tam Đảo nhưng phần quản lý lại thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo Trần Quang Thà cho biết: Những năm qua các di tích lịch sử trên địa bàn thị trấn bị hư hỏng nhiều, trước vấn đề đó, chính quyền thị trấn đã làm công tác giữ nguyên hiện trạng, không cho tác động của con người. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo tồn các di tích. Tuy nhiên, do các di tích đã quá xuống cấp, việc khảo sát, duy tu mất thời gian. Do đó, hiện nay việc tuyên truyền phát huy vai trò di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thị trấn cho thế hệ sau và đưa vào phát triển du lịch vẫn chưa triển khai được.
Thực tế, công tác bảo tồn di tích hiệu quả không phải chỉ dựa vào kinh phí bởi có rất nhiều cách làm linh hoạt nếu thật sự quan tâm của chính quyền và mong muốn di tích phát huy được giá trị vốn có của nó. Thay vì việc trông chờ vào cấp trên thì địa phương cần tuyên truyền để người dân sống xung quanh có ý thức bảo vệ di tích, tổ chức quét dọn, phát quang cây cối ở khu vực cửa hang hay lối vào di tích để đảm bảo di tích được sạch đẹp và không bị xâm lấn…
Trong khi chờ một đề án cụ thể để tôn tạo, tu bổ, phát huy di tích thì chính quyền địa phương thị trấn Tam Đảo, Ban Quản lý khu du lịch thị trấn cần xây dựng chủ trương, đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo, dựng biển chỉ dẫn, làm đường vào di tích, đồng thời tích cực quảng bá, giới thiệu về di tích và đưa vào kế hoạch phát triển du lịch văn hóa, phát huy tối đa giá trị của các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thị trấn Tam Đảo cho thế hệ sau.
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thảo (TTXVN)
loading...