A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: 'Hầu đồng Việt Nam đang có sức sống mãnh liệt nhất'

15:00 15/01/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm ảnh Hầu đồng Việt Nam của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vừa kết thúc hôm 8/1 tại Nhà thông tin triển lãm (45 Tràng Tiền, Hà Nội), ngay sau đó cuốn sách ảnh cùng tên được phát hành rộng rãi.

Triển lãm giới thiệu hơn 100 bức ảnh được trích từ cuốn sách Hầu đồng Việt Nam, đưa người xem vào các giá hầu đồng từ Bắc đến Nam.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với Nguyễn Á nhân sự kiện này.

* Anh đến với những bức ảnh đầu tiên về hầu đồng từ năm nào?

- Cơ duyên đến với những bức ảnh đầu tiên của hầu đồng từ hơn 3 năm trước, khi tôi đang chụp các bộ ảnh về 11 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Khoảng 2 năm gần đây, khi biết tin hầu đồng sẽ được UNESCO vinh danh, tôi càng tập trung ráo riết để thực hiện bộ ảnh đặc biệt này.

Chú thích ảnh
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á

* Vậy điều gì là thuận lợi và khó khăn của anh?

- Hầu đồng diễn ra ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, tập trung chủ yếu từ miền Trung ra miền Bắc, trong khi tôi ở Sài Gòn, nên việc di chuyển cũng khó khăn. Đặc biệt với các tỉnh như Sơn La, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh… để có thông tin và kịp đến nơi không hề đơn giản. Nhưng tôi cũng có những thuận lợi, đó là được các thanh đồng tạo điều kiện khi tới chụp ảnh, họ rất thoải mái và tạo điều kiện cho mình tác nghiệp.

* Anh nghĩ mình đã đi đến được khoảng bao nhiêu giá hầu đồng trên cả nước?

- Tôi đã chụp được hầu hết các giá hầu đồng quan trọng của Việt Nam, từ những giá Đức Thánh Trần, hầu đồng kiểu miền Trung, cho đến miền Bắc… Trong hành trình tác nghiệp, được người trong giới rỉ tai, biết tin là tôi đến chụp. Chính vì thế mà tôi đã có một lượng ảnh rất lớn, dư sức làm một cuộc triển lãm và một cuốn sách phong phú, đa dạng về hình ảnh.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Hầu đồng Việt Nam” vừa phát hành của Nguyễn Á

* Hầu đồng là một phức thể gồm âm nhạc + trình diễn + tâm linh + tôn giáo + lễ lạt… của Việt Nam. Khi tiếp cận chụp hình, anh ưu tiên khía cạnh nào? Tại sao?

- Thực ra khi tới một điện hoặc một đền để chụp ảnh, thì cũng có yếu tố “hên xui”, vì mình không thể chủ động được, phải nương theo thực tế. Đặc biệt, mình không thể sắp đặt, can thiệp trong khi họ đang làm lễ.

Khi vào chụp, tôi thích nhất là chụp ảnh cho các hầu đồng đã lớn tuổi, vì họ là một trong rất nhiều chứng nhân còn sót lại để nói lên hầu đồng có từ lâu đời. Bên cạnh đó, yếu tố trang phục vô cùng quan trọng trong một giá hầu, vì nó tượng trưng cho thần thái, ý nghĩa và cả yếu tố sắc màu. Âm nhạc rất lôi cuốn, tạo rất nhiều cảm xúc để có được tác phẩm như ý.

* Khía cạnh tâm linh có thể khó thể hiện qua hình ảnh, nhưng với riêng anh thì như thế nào?

- Nếu bạn là người có nhiều kinh nghiệm chụp ảnh về hầu đồng thì chắc chắn bạn sẽ biết được nhân vật chính đang ở mức độ tâm linh như thế nào. Điều này hiển hiện khá rõ ràng, cảm rất dễ, nhưng diễn đạt bằng lời thì khó. Trong hầu đồng, một người nhiều tuổi chưa hẳn đã hầu đẹp, nhiều người trẻ tuổi nhưng hầu rất sang, rất đẹp, và cũng rất tâm linh nữa.

Chú thích ảnh
Giá hầu tập thể ở Huế. Ảnh: Nguyễn Á

* Anh đã từng ra mắt cuốn sách về 11 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh. So với các di sản còn lại, anh nghĩ sao về sức sống thực tế của hầu đồng hiện nay?

- Hầu đồng hiện nay được lan tỏa cực kỳ mạnh mẽ, vô tình tạo ra sự cạnh tranh rất lành mạnh giữa các đồng thầy, các thanh đồng, nhiều người muốn giá hầu của mình đẹp mắt hơn, linh thiêng hơn. Nếu tôi đánh giá không lầm, thì hầu đồng đang có sức sống mãnh liệt nhất, nếu so với các di sản văn hóa phi vật thể còn lại.

* Quan hệ của hầu đồng với nguồn cội văn hóa và tâm linh Việt Nam được anh cảm nhận thế nào qua tiếp xúc với nhiều đại diện của thực thể này?

- Trước khi bắt đầu thực hiện các giá hầu, các thanh đồng rất chu đáo trong việc tế lễ để chuẩn bị cho một giá hầu chính. Vì thế, hơn ai hết, họ cũng hiểu được giá trị như thế nào đối với cội nguồn tín ngưỡng, nơi họ là một trong những thực thể đang thực hành tín ngưỡng đó. Chính thái độ kính ngưỡng này làm nên giá trị thanh tao của hầu đồng.

Dành nhiều tâm huyết để chụp ảnh di sản

Nguyễn Á sinh năm 1968 tại Bình Dương, với gần 30 năm cầm máy, gắn bó với nhiều thể loại ảnh, từ thời trang, album cưới, nghệ sĩ cho đến báo chí,nghệ thuật… Anh đã được trao nhiều giải thưởng và danh hiệu trong nước, quốc tế. Khoảng 10 năm gần đây Nguyễn Á dành nhiều tâm huyết với sách ảnh nghệ thuật theo chủ đề, gây ấn tượng với các sách cùng triển lãm như Tâm và tài - Họ là ai? (năm 2012), Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam (2014), Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương (2015), 11 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh (2016), Hầu đồng Việt Nam (2018)…

VIDEO: Tuyệt vời hầu đồng qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Mỹ

VIDEO: Tuyệt vời hầu đồng qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Mỹ

2 năm lăn lộn theo các giá Đồng ở khắp nơi, nhiếp ảnh gia người Mỹ Tewfic El Sawy - người sáng lập trang The Travel Photographer đã xuất bản cuốn sách “Hầu Đồng: The spirit mediums of Viet Nam”.

Như Hà (thực hiện)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...