Nhạc sĩ Quốc Trung: Vun đắp cho 'Thành phố sáng tạo' bằng Monsoon
(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Quốc Trung từng nói rằng anh dị ứng với sự cũ kỹ và “rêu mốc” trong nghệ thuật vì sứ mệnh của người làm nghệ thuật phải là sáng tạo, tìm tòi cái mới, cái đẹp. Người nghệ sĩ cần phải đi trước khán giả, dẫn khán giả đi theo, chứ không phải là chiều chuộng và đi theo khán giả.
Nhạc sĩ Quốc Trung đã có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về việc các cơ quan văn hóa đang lên kế hoạch xây dựng Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon) trở thành một thương hiệu văn hóa, như là một “không gian sáng tạo, một thương hiệu âm nhạc riêng biệt”, vun đắp cho danh hiệu “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội.
* Các không gian sáng tạo không thể cứ đơn thương độc mã tồn tại mà cần có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ để đi đường dài. Từ thực tế tổ chức không gian âm nhạc Moonson, anh thấy có đúng không?
- Tôi nghĩ việc phát triển các không gian sáng tạo của chúng ta từ trước đến giờ vẫn thường quen theo suy nghĩ là nhà nước bao cấp.
Với điều kiện kinh tế như chúng ta, sự bao cấp của nhà nước nếu như chỉ có mức độ thì nó sẽ không có được các tác phẩm, các không gian sáng tạo nghệ thuật có chất lượng cao. Rồi ngành văn hóa trước giờ thường tạo ra không gian nghệ thuật mang màu sắc bao cấp như tổ chức các cuộc thi ca hát hay các hội diễn. Tất cả những việc ấy vẫn theo một lối mòn, cũ. Vì vậy chúng ta phải học tập những nước tiên tiến về việc tổ chức các không gian sáng tạo.
Các thành phố lớn trên thế giới có rất nhiều các lễ hội âm nhạc. Ví như ở Anh, mỗi một lễ hội thì Hội đồng Anh lại ứng xử một cách khác nhau. Họ dành sự hỗ trợ cho nghệ thuật hay các nghệ sỹ trẻ như thế nào chứ họ không dành sự hỗ trợ cho những không gian mang tính thương mại. Rồi ở những nước phát triển, dù ngân sách của họ khổng lồ như thế nào đi nữa thì họ cũng phải chọn lọc những mục tiêu.
Mục tiêu mà họ hướng tới đó là tạo ra những kích thích, những sự sáng tạo cho cái mới thay vì những cái cũ hoặc đưa vào những cái mang tính chất thương mại.
Chính vì vậy, khi trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo, chúng ta vẫn cần phải có những nhìn nhận hoặc tư vấn mới hơn của các nhà sáng tạo nghệ thuật, có sự giao lưu nhiều với nước ngoài vì họ sẽ có tư vấn cởi mở hơn với chính sách của nhà nước.
* Anh đã từng được tham dự rất nhiều các không gian sáng tạo, đặc biệt là các lễ hội âm nhạc kiểu như Monsoon trên thế giới. Anh thấy chúng ta cần phải học hỏi điều gì để phát triển hơn nữa các không gian sáng tạo ở Việt Nam?
- Ở các nước phát triển như Anh, Đức, Đan Mạch thì một năm họ có đến cả trăm cái lễ hội chỉ riêng về âm nhạc. Tất cả những lễ hội như vậy việc đầu tiên phải là sản phẩm của cộng đồng thành phố hay một địa phương nào đó và họ cảm thấy đó là niềm tự hào. Khi họ cảm thấy chính mình đang xây dựng thương hiệu cho địa phương của mình thì họ sẽ xây dựng được rất nhiều không gian đặc biệt mang tính địa phương.
Như festival âm nhạc lớn nhất ở Đức, giới thiệu từ 500-700 nghệ sỹ trẻ hoặc ban nhạc nhưng lại được họ tổ chức ở một địa điểm mà thoạt nghe rất phản cảm đó là “phố đèn đỏ”.
Tuy nhiên, về ứng xử của xã hội cũng như của người dân Đức và ngay cả bản thân tôi khi đến đó thì cũng rất ngạc nhiên bởi vì nó không có một hình ảnh nào phản cảm cả. Đó là một trong những thứ mà chúng ta phải có cách làm sáng tạo một cách cởi mở hơn thay vì suy nghĩ quá gò bó, đôi khi bảo thủ, như vậy sẽ bị hạn chế trong việc xây dựng không gian sáng tạo.
* Không gian sáng tạo (như Monsoon) chính là nơi công chúng được tiếp cận với các nghệ sĩ thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Nó cũng chính là nơi có thể đong đếm được mức độ quan tâm của xã hội đến nghệ thuật. Nhưng có lẽ ít ở đâu người nghệ sĩ lại đơn độc trong cái không gian sáng tạo ấy như ở Việt Nam? Từ chính bản thân anh khi làm Monsoon nói riêng và nhìn ra các nghệ sĩ khác nói chung, anh có thấy thế không?
- Đúng là bản thân chúng tôi những người làm Monsoon cũng như là những dự án về không gian sáng tạo khác cũng cảm thấy rất đơn độc. Đơn độc cả ở phía người tổ chức, đơn độc ở người nghệ sỹ vì sự quan tâm của xã hội dành cho văn hóa nghệ thuật không chỉ ở phía cơ quan quản lý mà cả ở bản thân công chúng.
Khi chúng tôi dự đoán sự quan tâm của khán giả đối với Monsoon hay đối với một nghệ sỹ cụ thể thì luôn luôn không chính xác. Ví như việc chúng tôi đưa một ban nhạc nổi tiếng về thì thấy mọi người cũng quan tâm rất nhiều nhưng số lượng vé bán ra lại không được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, điều đó không thể đánh giá được là vì đời sống của chúng ta vẫn còn đang khó khăn hay là vì chúng tôi đưa ra một giá vé quá đắt. Bởi người dân của chúng ta, trung bình họ có thể bỏ vài tiếng để lướt facebook hay 5 tiếng cho một cuộc nhậu hoặc vài tiếng để hát karaoke với một số tiền không hề nhỏ, thế nhưng để đi xem một chương trình nghệ thuật, một show ca nhạc hay thậm chí là một triển lãm mới thì việc đánh đổi cái quỹ thời gian cũng như tiền bạc của họ lại chưa ở mức độ cao nhất.
Ở đây, điều quan trọng là chúng ta chưa xây dựng được cho người dân cũng như xã hội một thói quen để việc thưởng thức nghệ thuật trở thành một nhu cầu tất yếu và đòi hỏi họ phải tiêu tốn thời gian và tiền bạc vào. Điều đó giống như việc chúng ta phải có một khoản tiền để duy trì sinh hoạt hàng ngày như hàng tháng người ta cần phải bỏ ra ngần ấy tiền để đi xem phim, đi xem ca nhạc hay xem triển lãm. Cái nhu cầu ấy nó chưa trở thành một thói quen chứ không phải là người ta không có điều kiện để đáp ứng.
Chính vì vậy, chúng tôi những người sản xuất hay nghệ sỹ không phải đang trách móc khán giả, trách móc cơ quan quản lý hay trách móc xã hội đang chưa quan tâm đến những không gian sáng tạo nghệ thuật mà là chúng ta chưa cùng nhau xây dựng được điều đó.
* Xin cảm ơn anh!
“Đến bây giờ khán giả của Monsoon đã coi đấy như một “thương hiệu văn hóa” của thành phố Hà Nội, một sản phẩm của mình và coi đấy như một điểm, một hình ảnh thân quen của họ. Họ đến không chỉ để xem các nghệ sĩ mà họ đến để hòa mình vào không gian ấy. Và họ đã tự tạo nên một không gian lễ hội bằng cách chính họ đã tham gia vào không gian sáng tạo đó”. (Nhạc sĩ Quốc Trung). |
Hoa Mộc Lan - Phạm Huy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý