Nhạc sĩ Hoàng Vân - âm nhạc là cuộc đời!
Cuốn sách Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau… (NXB Kim Đồng) ra mắt cách đây 2 tháng và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Vậy nhưng, trong buổi giao lưu cùng độc giả về cuốn sách vào cuối tuần qua, những chia sẻ của tác giả Lê Y Linh, cũng như ý kiến của nhạc sĩ Quốc Trung, nhà báo Nguyễn Trương Quý, nhạc sĩ Tiến Mạnh vẫn khiến câu chuyện về cố nhạc sĩ Hoàng Vân trở nên cuốn hút.
Như chia sẻ của con gái nhạc sĩ Hoàng Vân, tiến sĩ về âm nhạc dân tộc Lê Y Linh, từ bé chị đã được bố luyện cho thói quen đọc sách. Và chính nhờ thói quen đọc như vậy mà Lê Y Linh mới “dấn thân” vào ý tưởng chắp bút cho cuốn sách
Kho tàng hơn 700 tác phẩm
“Tìm tư liệu của cha, tôi mới phát hiện ra con số hơn 700 tác phẩm mà ông đã viết, ở hầu hết các thể loại, từ khí nhạc, thanh nhạc, đến nhạc phim. Nhưng thời xưa, nhạc sĩ viết nhạc đơn giản lắm. Thậm chí, khi diễn thì nghệ sĩ đi tìm bản thảo để hát, hát xong là không có photo hay chép nhạc như bây giờ” - tiến sĩ Lê Y Linh kể - “Vậy nên, tôi đã phải tưởng tượng là mình đang phỏng vấn bố để chắp bút cho bố”.
Tuy nhiên, với một nhà soạn nhạc có đến 700 ca khúc và ở thể loại, hình thức nào, ông viết đều xuất sắc, thì sự lựa chọn các tác phẩm mang tính tiêu biểu vào trong cuốn sách tiểu sử này cũng là điều không dễ. Như lời Linh, chị muốn tránh tình trạng: “Bố hát con khen hay” nên rất thận trọng trong công việc này. Nhưng có một điều chị nhận thấy rất rõ: Nhạc sĩ Hoàng Vân dễ dàng viết mọi thể loại, khi ông luôn có nhiều tứ nhạc hay. Còn với chị, sự may mắn khi thực hiện cuốn sách đến từ những sự hậu thuẫn của tất cả bạn bè, đồng nghiệp của hai bố con.
Theo đó, cuốn sách tuy được giới thiệu là tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân nhưng Nhạc sĩ Hoàng Vân - cho muôn đời sau thực sự là một bộ sưu tập sống động về cuộc đời của nhạc sĩ, người đã gắn liền cuộc đời mình với một chặng đường dài trong lịch sử đất nước.
Với những tư liệu được chắt lọc từ lý lịch tự thuật, từ các bài phỏng vấn, chia sẻ quan điểm âm nhạc của nhạc sĩ đến những chia sẻ của những người thân trong gia đình hay bạn bè đồng nghiệp về nhạc sĩ, cuốn sách đem đến những góc nhìn đa chiều về đời và nghề của nhạc sĩ Hoàng Vân. Đặc biệt, những tác phẩm lớn cũng chính là những dấu mốc trong cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân đã được tiến sĩ Y Linh sắp xếp lại một cách khoa học theo trật tự thời gian trong cuốn tiểu sử này, như những đường nét trên khuôn mặt làm nên chân dung của ông.
Ở đó, người đọc không chỉ biết đến một Hoàng Vân của Hò kéo pháo, của ngành ca (những bài ca viết cho từng ngành, nghề) hay những tác phẩm khí nhạc đồ sộ mà còn biết về một cậu bé Lê Văn Ngọ (tên thật của nhạc sĩ Hoàng Vân) trong câu chuyện Con ngựa trắng của tuổi thơ, về một chàng thanh niên Hà Nội vừa ham mê hội họa, vừa yêu thơ ca nhưng không chọn đi du học ở trời Âu mà chọn lên chiến khu….
Kết nối những “đứt gãy” giữa các thế hệ
Sự say mê âm nhạc tới hồn nhiên của cố nhạc sĩ Hoàng Vân còn có thể thấy rõ qua những câu chuyện của Lê Y Linh. “Tôi được nghe những câu chuyện kể về việc sáng tác của bố thời còn trẻ rất thú vị như ông từng đi họp và ngồi viết nhạc ngay trên chiếc quần mình đang mặc. Rồi hồi mới yêu mẹ, ông kiếm được 2 chiếc vé đi xem phim ở RạpTháng 8 nhưng vừa đến nơi, ông lại bảo bà: “Anh chợt nhớ ra là cần phải về nhà viết ra ngay nên không thể ngồi lại xem phim với em được” - chị kể - “Vì tình huống ấy mà mẹ tôi ngồi xem phim trong rạp một mình cứ như…một khúc gỗ còn chân thì đập ở dưới vì dỗi bố”.
Với tiến sĩ Y Linh, lựa chọn tựa đề cho cuốn sách là Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau cũng bao hàm nhiều ý nghĩa.
Chị nói, mình chỉ mượn tạm của bố câu hát “cho muôn đời sau” trong ca khúc Bài ca xây dựng để gửi gắm những tâm tư nguyện vọng khi viết sách. Thứ nhất, đó là mong muốn đưa hình thức nghệ thuật, kỹ thuật sáng tác trong âm nhạc của bố nói riêng và của nền âm nhạc nói chung đến gần với công chúng hơn. Thứ hai, khi công chúng đã thấy âm nhạc hay rồi thì giá trị nghệ thuật của âm nhạc càng cần phải được lan tỏa đến muôn đời sau.
- Hai cuốn sách về cuộc đời và âm nhạc của Nhạc sĩ Hoàng Vân
- Ra mắt 'thư viện số' về cố nhạc sĩ Hoàng Vân: 'Cha chúng tôi có một cuộc đời...'
- Xúc động trước những hình ảnh cuối cùng của nhạc sĩ Hoàng Vân
“Nếu chỉ thực hiện cuốn sách cho cá nhân gia đình thì còn nhiều thiếu sót nhưng nếu góp phần cho nền tảng âm nhạc Việt Nam thì tôi nghĩ đây là một sự đóng góp ý nghĩa” - tiến sĩ Y Linh cho hay.
Nhìn lại những sáng tác của nhà soạn nhạc Hoàng Vân, như nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định: “Nhạc sĩ Hoàng Vân có một tài năng phong phú khi biến tấu chủ đề các ca khúc.Ông viết ca khúc với tâm thế của một nhà soạn nhạc viết khí nhạc. Nên những ca khúc của ông chứa đựng đầy đủ những giá trị học thuật mà có thể đem vào các trường học để giảng dạy”.
Như lời anh, những cuốn sách như Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau đã mang sứ mệnh tạo ra cơ hội tiếp cận di sản âm nhạc, đồng thời phần nào đóng vai trò kết nối những “đứt gãy” giữa các thế hệ trong việc đón nhận và lưu giữ những giá trị văn hóa.
Hai bó hoa tặng người cha đã khuất Từ Macedonia, nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai cố nhạc sĩ Hoàng Vân, viết cho buổi giao lưu: “Song song với xuất bản cuốn Cho muôn đời sau, cùng với Viện Âm nhạc, gia đình chúng tôi cũng phát hành cuốn sách thứ hai với tên gọi Hoàng Vân - Nhạc và đời tập hợp gần 20 bài bài tiểu luận của các nhà lý luận âm nhạc, nhạc sĩ, chị Lê Y Linh… về âm nhạc, con người, cuộc đời của nhạc sĩ Hoàng Vân. Bằng hai cuốn sách về cha mình, chúng tôi muốn như hai bó hoa dâng tặng lên hương hồn của người cha đã khuất, với sự ngưỡng mộ và khâm phục tới con người ông, các tác phẩm, ngôn ngữ tính cách âm nhạc tuyệt vời của ông dưới góc độ đánh giá của hai người con như những nhà chuyên môn trong âm nhạc. Qua hai cuốn sách chúng tôi cũng muốn dâng hiến cho cuộc đời, cho những người hâm mộ âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân hiểu thêm về các tác phẩm bất hủ mà họ yêu thích và thuộc lòng, giới thiệu thêm về những tác phẩm mới và đặc biệt là con người và cuộc sống của Hoàng Vân thông qua các tác phẩm của mình. Lúc sinh thời cha chúng tôi không viết hồi ký về mình mặc dù chúng tôi đã giục ông rất nhiều lần… Ông nói “Cuộc đời của bố chính là âm nhạc của bố, đấy là những giá trị mà sẽ tồn tại vĩnh viễn cho muôn đời sau”. |
Lam Anh