Nhạc sĩ Giáng Son bị 'gậy bản quyền': Không khó để chứng minh quyền sở hữu của nữ nhạc sĩ
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi đăng thông tin về việc mình "bị đánh bản quyền" với chính "con đẻ" Giấc mơ trưa trên Youtube, nhạc sĩ Giáng Son đã chính thức gửi văn bản đến Trung tâm bảo vệ quyền tác giả, đề nghị đơn vị này vào cuộc một cách rõ ràng.
Tối 14/10, nhạc sĩ Giáng Son chính thức thông báo sự việc chị bị đánh bản quyền với tác phẩm Giấc mơ trưa trên trang youtube của mình.
Được biết, nữ nhạc sĩ mới lập lập kênh Youtube của mình (Giáng Sol Offical) để đưa các tác phẩm của mình lên đây chia sẻ với mọi người. Bài Giấc mơ trưa mà chị đăng trên youtube lấy từ album Giáng Son năm 2007. Sản phẩm được thực hiện với bản phối, bản audio hoàn toàn thuộc về nhạc sĩ.
Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày đăng tải, nhạc sĩ Giáng Son bất ngờ nhận thông báo bài hát của mình vi phạm bản quyền từ một công ty tên BH Media.
Chị khá bất ngờ, thậm chí sốc và rất bức xúc. Nhưng cũng ngay sau chia sẻ này, nhạc sĩ Giáng Son đã thực hiện ngay một việc mà có lẽ bất cứ nhạc sĩ rơi vào tình huống của chị cũng đều nên làm. Đó là liên hệ ngay với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCMPC) - nơi mình đã ủy quyền để trao đổi và tìm hướng giải quyết.
"Tôi vừa viết đơn kiến nghị gửi trung tâm VCPMC. Tôi sẽ ủy quyền để đơn vị này giải quyết cho tôi mọi việc. Tôi đề nghị trung tâm làm việc rõ ràng về pháp luật và tin là họ sẽ bảo vệ quyền lợi cho tôi" - nhạc sĩ Giáng Son cho biết.
Cũng theo nhạc sĩ Giáng Son, chị thật sự không muốn vướng vào chuyện kiện tụng vì còn "thời gian đâu mà viết nhạc". Tuy nhiên, đây là việc chị không thể bỏ qua.
Khi sự việc được dư luận quan tâm cũng như trên nhiều trang thông tin đã đưa những phản hồi từ phía BH Media. Theo đó, nhạc sĩ cho rằng những gì mà chị được biết qua báo chí, đó là một sự lấp liếm và khó chấp nhận.
"Nói chính xác, tôi là chủ sở hữu toàn bộ, từ bài hát, đến các sản phẩm thuộc quyền của mình. Khi tôi không kí bản quyền với BH Media và tôi cũng không kí với Hồ Gươm Audio, vậy tại sao lại đánh bản quyền tôi?
Thứ hai, BH Media không kiện tôi nhưng lại ghi chủ sở hữu bản quyền thuộc họ và họ thay mặt cho Hồ Gươm Audio? Tại sao lại cho rằng nếu đánh bản quyền tôi mà tôi không đồng ý thì tôi "đánh lại" để gỡ ra? Tôi "đẻ" ra tác phẩm mà lại phải đi làm việc như vậy?
Và thông tin trên một trang báo nói hai đơn vị này làm việc với nhau để BH Media "nhả" sản phẩm của tôi ra - như vậy là "ăn không được thì nhả ra?"- nữ nhạc sĩ thắc mắc.
"Không chỉ vậy, việc Hồ Gươm Audio đem sản phẩm của Dương Thùy Anh đi bán mà không hề có thông báo, trao đổi gì với tác giả hay đơn vị sản xuất, trong khi họ chỉ là đơn vị phát hành, giúp chủ sở hữu bán sản phẩm, là họ đã sai rồi. BH Media lại còn đánh bản quyền sản phẩm như vậy không phải là quá sai sao?" - nữ nhạc sĩ tiếp tục đặt câu hỏi.
Khi nói về bản quyền trên youtube, nhạc sĩ Giáng Son cảm thấy hệ thống này đang "đánh bản quyền lung tung" và có những tiêu chí không chính xác. Ví dụ như ai đăng sản phẩm lên trước thì mặc định quyền sở hữu thuộc về người đó. Trong khi như chị, dù là nhạc sĩ có nhiều sản phẩm nhưng đến nay, mới sử dụng kênh công nghệ số này. Việc đăng tải sản phẩm của chính mình lên nhưng lại là "đi sau" như vậy là rất thiệt thòi.
- Nhạc sĩ Giáng Son làm giám khảo Liên hoan hát quốc ca sinh viên quốc tế
- Nhạc sĩ Giáng Son 'choáng ngợp' với Tài năng nhí
Ngay sau chia sẻ của nhạc sĩ Giáng Son, một số nghệ sĩ khác cũng lên tiếng đồng cảm khi gặp phải hoàn cảnh tương tự như chị.
Đại diện của VCPMC, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ với báo Thể thao & Văn hóa, hiện đơn vị đã và đang làm việc với tác giả ca khúc Giấc mơ trưa để triển khai xử lý sự việc trên dựa theo pháp luật về Luật bản quyền.
Theo tư vấn từ luật sư sở hữu trí tuệ Trần Thị Tám (Công ty IPCom Việt Nam), trường hợp của nhạc sĩ Giáng Son, nếu khởi kiện, phần thắng sẽ khả thi với tác giả Giấc mơ trưa vì đây là ca khúc rất phổ biến của chị và không có quá nhiều khó khăn trong việc chứng minh quyền sở hữu của nữ nhạc sĩ.
Nếu khiếu nại thành công với Youtube, nhạc sĩ Giáng Son cũng có nhiều lựa chọn cách thức giải quyết sự việc trên. Một là chặn nội dung vi phạm để không ai có thể xem được video mà BH Media đã đăng tải (trường hợp này chỉ có thể thực hiện được nếu nội dung được tạo ra một cách trái phép), hai là đồng ý cho bên BH Media tiếp tục khai thác sản phẩm trên của mình và yêu cầu chia sẻ doanh thu từ nội dung mà BH Media đã đăng tải kể từ thời điểm đưa ra yêu cầu.
Về bản chất Youtube là nền tảng chia sẻ video trực tuyến thuộc Google, không phải là một đơn vị có thẩm quyền tạo ra pháp luật và thực thi pháp luật nói chung. Tuy nhiên, để duy trì nền tảng Youtube có các nguyên tắc cộng đồng, và nguyên tắc đó tuân thủ luật bản quyền của Hoa Kỳ và nguyên tắc luật bản quyền nói chung theo tư pháp quốc tế.
Để quản lý đối tác kinh doanh nội dung trên nền tảng của mình, Youtube cấp Content ID cho họ, những đối tác được cấp Content ID có thể xác nhận nội dung gốc mà họ đưa lên kinh doanh thuộc quyền sở hữu của họ. Khi đã xác nhận quyền sở hữu nội dung gốc thì chủ sở hữu Content ID có quyền khiếu nại/ngăn chặn các nội dung trùng một phần hoặc trùng toàn bộ với nội dung gốc mà họ đã xác nhận bản quyền. Nhiều đơn vị kinh doanh nội dung đã lợi dụng Content ID được cấp “nhanh tay” đăng ký “biến” nội dung do người khác sáng tạo và sở hữu thành quyền sở hữu của mình.
Điều đáng buồn là đây lại là chuyện khá phổ biến xảy ra với nhiều nhạc sỹ, ca sĩ và các nhà sáng tạo nội dung trực tuyến.
Điều đó cho thấy, để quản lý chặt chẽ quyền sở hữu đối với “đứa con tinh thần” của mình, trước hết chính nghệ sĩ phải chủ động trong việc tìm hiểu về luật bản quyền và các cách thức khai thác giá trị từ nó.
"Tại những quốc gia có nền công nghiệp âm nhạc phát triển, các nghệ sĩ thường được hỗ trợ bởi ê-kip trong đó có quản lý, tư vấn và hỗ trợ giải quyết các vấn đề về pháp lý phát sinh, bao gồm các vấn đề về bản quyền. Nếu hoạt động chuyên nghiệp theo hình thức này, nghệ sĩ mới có thể toàn tâm toàn ý dành thời gian cho âm nhạc" - luật sư nhận định.
Lam Anh