loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Truyện Kiều của Nguyễn Du một lần nữa được đem lên sân khấu, trở thành vở nhạc kịch Ngẫm Kiều do Lê Quốc Nam phóng tác và NSND Hồng Vân đạo diễn. Thật sự không ngờ khi bàn tay tài hoa của Hồng Vân đã vẽ nên một bức tranh mới với phong cách hiện đại, nhưng không làm mất đi cái cốt lõi truyền thống.
Kim Vân Kiều sẽ được giới thiệu tới khán giả Việt Nam vào tối 20 và 21/9 tại Trung tâm văn học nghệ thuật TP.HCM, Sân khấu kịch Idecaf (TP.HCM) và ngày 25/9 tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội).
1. Để khai trương sân khấu mới ở Chợ Lớn (TP.HCM), “bà bầu” Hồng Vân đã đem cả tim óc của mình tạo nên một diện mạo tử tế. Kiều của Nguyễn Du thì ai chẳng thuộc lòng, chính vì quá quen thuộc nên không khéo lại trở thành “cũ”. Mà làm mới nó đi thì không khéo lại bị ném đá vì “lạ” quá.
Hồng Vân phải bước đi trên cái ranh giới mong manh giữa cũ và mới như thế. Nỗi lo đó khán giả cũng mang theo khi bước vào khán phòng. Nhưng khi cánh màn nhung mở ra, thì khá bất ngờ…
Sân khấu Chợ Lớn tuy rất đẹp, thanh lịch, nhưng không phải là quá lớn. Vì vậy Ngẫm Kiều cũng không thể hoành tráng, mà nó lại là nhạc kịch, cho nên cựa quậy trong một trong không gian gọn ghẽ âu cũng là nỗ lực. Tuy nhiên nó vừa đủ đẹp để người ta quên đi sự hoành tráng. Đẹp thật, đẹp từ diễn viên cho tới trang phục, cảnh trí, cứ lung linh, lung linh như bước ra từ cổ tích, có những cảnh nếu cắt lớp đi sẽ thành bức tranh rất thơ mộng. Tất nhiên màn hình LED vẫn phải hỗ trợ cho cảnh trí, nhưng điều đó không làm mất đi không gian sân khấu, vẫn thấy bàn tay đạo diễn, ngôn ngữ đạo diễn rất rõ.
Hồng Vân đã bám sát nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du, bảo đảm ai khó tính mấy cũng không có cớ để khó chịu. Nhiều câu thoại và bài hát lấy thẳng từ những câu thơ tuyệt đẹp của đại thi hào, khiến người mê Kiều được thoả mãn. Cứ như một lần nữa được ngồi “ôn bài” cùng nghệ sĩ, thú vị vô cùng. Chính chỗ này mà tôi muốn gợi ý cho nhà trường nên dẫn các em học sinh đi xem, sẽ giúp các em nhớ bài học, yêu thích văn thơ.
Khán giả trẻ chắc chắn cũng thích những ca khúc trong vở. Hồng Vân đặt hàng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung soạn nhiều bài hát mới, nghe hơi hướng khá hiện đại nhưng cũng không chỏi với chất truyền thống của vở. Âm nhạc là cái thể hiện rất rõ tính chất hiện đại hay truyền thống, cho nên người nghệ sĩ phải bản lĩnh và tài năng. Nhạc kịch này rõ ràng “made in Vietnam”, xứng đáng được hoan nghênh.
2. Hồng Vân còn làm mới Kiều ở những lớp diễn tâm lý. Chị đào sâu nhân vật Hoạn Thư, bật lên được nỗi đau phụ nữ khi bị chồng ghẻ lạnh. Hoạn Thư ở đây xinh đẹp, mềm mỏng, chăm sóc chồng tận tụy, thế nhưng chồng vẫn bị tiếng sét ái tình bên ngoài. Hoạn Thư của Hồng Vân đáng thương hơn đáng trách, và cuối cùng nàng đã chinh phục được người chồng quay trở về yêu thương, thấu hiểu.
Lớp diễn Thúy Kiều xử án Hoạn Thư, rất tinh tế ở chỗ Kiều đã phải chạnh lòng khi thấy vợ chồng họ che chở cho nhau. Giờ thì Kiều có vẻ ghen ngược trở lại. Nhưng nàng đã tha thứ cho họ, âu cũng là chuyện phải đạo, xã hội dễ dàng chấp nhận. Hồng Vân bênh vực Hoạn Thư cũng đúng thôi, khi xã hội ủng hộ nữ quyền, ủng hộ một chồng một vợ.
3. Và thêm một nét mới của Hồng Vân, khi chị tô đậm nhân vật Đạm Tiên bằng thủ pháp kinh dị sở trường của Kịch Phú Nhuận. Nói để ăn khách cũng đúng, mà nói để làm điểm nhấn cho vở cũng đúng. Vì Đạm Tiên góp phần nhắc nhở Thúy Kiều về câu bạc mệnh, sau đó lại nhắc nhở Kiều về câu nhân quả, hãy buông bỏ, tha thứ để sống an lành hơn. Đừng lấy oán báo oán, bởi khi Kiều có quyền lực bên cạnh Từ Hải thì nàng sôi sục trả thù, mất đi sự hiền lành, điềm tĩnh.
Đúng là trải qua bao nhiêu bão tố, nàng căm hờn là đúng. Nhưng Đạm Tiên của Hồng Vân nhấn mạnh sự buông bỏ, thế mới khó cho Kiều, và cho tất cả chúng ta. Khó mà làm được thì mới xứng đáng, chứ dễ thì nói chi nữa. Hồng Vân đã cho Đạm Tiên xuất hiện trên màn hình LED khiến khán giả hết hồn. Rồi sau đó là con người bằng xương bằng thịt đối thoại với Kiều, cộng với vài thủ pháp quá giỏi như lấy cái đầu ra khỏi cổ. Khán giả ớn lạnh, khá là thú vị với chiêu trò của đạo diễn, nhưng cũng không đến nỗi khó chịu vì chiêu trò ấy cũng không làm mất đi mạch kịch.
Khán giả cũng thú vị vì đào kép toàn trai xinh gái đẹp, như My Trần (Thúy Kiều), Phạm Yến (Hoạn Thư), Như Thùy (Tú Bà), Tuấn Dũng (Sở Khanh), Trịnh Duy Anh (Thúc Sinh), Hoà Hiệp (Từ Hải), Lê Lộc (Đạm Tiên)... Hồng Vân rõ ràng có một lực lượng diễn viên hùng hậu. Chị nói sẽ tiếp tục đưa những tác phẩm văn học lên sân khấu.
Thật ra điều này chị đã làm từ mười mấy năm nay, với những vở Số đỏ, Chị Dậu, Kỹ nghệ lấy Tây, Bỉ vỏ… thành công rực rỡ. Hồng Vân có thế mạnh là kịch văn học, tiếc rằng có một thời gian chị lơ là, hy vọng chị sẽ hồi phục lại mảng kịch này.
Hoàng Kim
loading...