Nhà viết kịch Phạm Văn Quý: “Khép lại” 10 vở diễn về Hà Nội
Ông kể:
- Mỗi người có một lối nghĩ và cách làm riêng. Có thể, cách nghĩ của tôi may mắn phù hợp với nhu cầu của các đoàn sân khấu bây giờ. Tôi hay viết kịch lịch sử và dân gian. Tưởng là “dễ ăn”, vậy nhưng hai thể loại này không phải muốn viết thế nào cũng được. Sân khấu bây giờ không cần tới những vở kịch lịch sử theo tính minh họa, khô cứng nữa. Người viết luôn cần cố gắng suy nghĩ để tìm ra những cách nhìn riêng, cho câu chuyện cũ hiện lên với một màu sắc tươi mới hơn. Kịch dân gian cũng vậy, cũng cần có câu chuyện dài hơi về số phận, tính cách con người chứ không chỉ là chuyện cổ tích theo kiểu “ngày xửa ngày xưa”.
* Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Chẳng hạn như vở Gươm thiêng trao trả hồ thần vừa được đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng. Kịch bản là câu chuyện cũ về vua Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng, tôi không định kể lại những chiến công của người anh hùng ấy mà muốn dựng nên một Lê Lợi khác, một, một người anh hùng những đau đớn, giằng xé, suy tư rất đời thường. Cổ sử và các truyền thuyết đã ghi lại khá đầy đủ việc vua Lê gần như mất hết gia đình và người thân vì nghiệp lớn. Vậy nhưng, sân khấu từ trước tới nay ít khai thác những câu chuyện ấy.
Đơn cử, mất vợ cả và con gái vào tay giặc Minh, Lê Lợi vẫn đau đớn vì thu phục nhân tâm mà cắn răng đồng ý hiến mạng sống người vợ lẽ của mình cho lễ tế thần phổ hộ. Rồi, khi vây thành Đông Quan, ông đành lòng đưa con trai mình vào làm con tin cho giặc Minh. Vì lẽ tồn vong lâu dài, người anh hùng ấy đành chấp nhận giảng hòa, cho những kẻ giết hại người thân mình rút về nước với lời than: Tàn cuộc chiến này, ta còn lại gì?... Đau lắm chứ!
* Việc tìm được những góc nhìn riêng ấy có thường xuyên đến khi ông viết kịch bản không?
- Tôi thường nghiền ngẫm kỹ trước khi viết. Nhiều khi, trong đầu mình tồn tại chồng chéo vài ba kịch bản liền. Tới lúc tìm được ý tưởng và kết cấu hợp lý rồi, tôi mới đặt bút viết. Cũng có nhiều kịch bản chịu cảnh “dở dang” mãi mà không hoàn thành được (cười).
Một năm tôi viết khoảng 4, 5 kịch bản sân khấu dài hơi và khoảng chục kịch bản cho những tiểu phẩm ngắn. Nói thật, khoảng 70 % trong số đó là do tôi chủ động viết thôi, 30% còn lại là viết theo yêu cầu của những đơn vị “đặt hàng”. Nhận “đặt hàng”, có chủ đề và ý tưởng sẵn rồi thì dễ viết hơn, tất nhiên vẫn phải đảm bảo chất lượng một cách tương đối.
* Xin hỏi thật, việc được nhiều đoàn dàn dựng kịch bản có phụ thuộc vào những mối quan hệ cá nhân của ông không?
- Nhiều người đã hỏi về việc này và tôi xin khẳng định lại: nếu theo nghĩa ăn chia về nhuận bút thì không thể có. Có chuyện thế này: biết tôi thỉnh thoảng có kịch bản được dựng trên truyền hình, một người bạn đưa kịch bản nhờ tôi “giới thiệu” giúp. Đọc xong, bên thẩm định lắc đầu: thú thật, là bạn anh, nếu cần tiền chúng em có thể cho mượn giúp. Còn dựng kịch bản này, nếu đổ hoặc bị phê bình thì chết chúng em, anh thông cảm. Sân khấu bây giờ khó khăn, việc chọn kịch bản khắt khe lắm...
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Chùm 10 kịch bản về Thăng Long - Hà Nội của tác giả Phạm Văn Quý đoạt giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội bao gồm: Trọn đời trung hiếu với Thăng Long, Gươm thiêng trao trả hồ thần (cùng dựng tại Nhà hát Cải lương Việt Nam) Thái úy Lý Thường Kiệt (chèo Hà Nội), Thái Tổ Lý Công Uẩn (tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), Đám cưới người anh hùng (Cải lương Nam Định), và 5 vở khác dựng trên sóng truyền hình VTV. |