Nhà viết kịch Lê Quý Hiền: Sân khấu rất giống sân cỏ
(Thethaovanhoa.vn) - Là fan cuồng nhiệt của trái bóng tròn, nhà viết kịch Lê Quý Hiền đưa ra những so sánh và liên tưởng rất thú vị về sân khấu và sân cỏ trong cuộc trò chuyện với Thể thao &Văn hóa (TTXVN).
Anh nói:- Hơn bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, sân khấu là lĩnh vực có sự gần gũi và tương đồng lớn nhất với sân cỏ - nơi được mặc định là không gian dành riêng cho trái bóng tròn. Bởi trước hết, cả sân khấu và sân cỏ đều hấp dẫn người xem bởi sự tương tác trực tiếp từ những gì đang diễn ra, chứ không phụ thuộc vào kỹ xảo hay một yếu tố nào khác.
Và tất nhiên, xem sân khấu sướng nhất phải ngồi trong rạp diễn, còn xem “sân cỏ” thì lý tưởng nhất là phải ở khán đài. Cả 2 món ấy, chỉ những người… không có điều kiện mới đành lòng ngồi xem qua truyền hình thôi.
Và nữa, yếu tố bất ngờ luôn tiềm ẩn và dẫn dắt cảm xúc của người xem trên cả 2 lĩnh vực này. Trong một trận bóng đá, một đội bé hạt tiêu có thể làm người xem “phát điên” khi bất ngờ quật ngã một ông lớn với hàng loạt ngôi sao trong đội hình.
Còn với một vở diễn, bất ngờ là nút thắt làm nên tính kịch. Một cái kết bất ngờ ngoài sức tưởng tượng ở cuối vở diễn có thể khiến khán giả thẫn thờ như mất hồn, kể từ lúc tấm màn nhung kéo xuống cho đến suốt quãng đường về.
* Anh chưa nhắc tới một yếu tố: những “ngôi sao”, cả trên sân cỏ và sân khấu?
- Dù diễn kịch hay đá bóng, chúng ta hãy gọi chung họ bằng cụm từ “nghệ sĩ”. Bởi, khổ luyện đến mấy, cầu thủ và diễn viên cũng chỉ có thể tỏa sáng nếu sẵn có tài năng thiên bẩm. Và, trong khi cầu thủ là linh hồn của đội bóng trên sân cỏ, thì diễn viên tài năng cũng là “cây đinh”, có thể gần như gánh cả vở diễn trên đôi vai của mình.
Vé vào xem “sân cỏ” hay “sân khấu” bán được cũng là nhờ những cái tên ấy - giống như một vở hài kịch cần có Hoài Linh thì một trận cầu rất cần những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường vậy (cười).
Tôi tin, cầu thủ ngôi sao trước khi vào sân không thể hình dung mình sắp ghi bàn trong tình huống nào. Còn diễn viên xuất sắc, họ cũng không quá phụ thuộc vào kịch bản sẵn có. Trên sân khấu hoặc sân cỏ, khi cảm hứng tìm đến, tự họ sẽ có sự sáng tạo với tài năng của mình. Nói cách khác, cả 2 “món” đó là thứ nghệ thuật đến từ bản năng, và không có chỗ cho sự giả dối.
Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh tới sự giống nhau kỳ lạ giữa đạo diễn sân khấu và huấn luyện viên. Cả 2 là những người chịu trách nhiệm đầu tiên cho thành bại của một trận cầu hoặc vở diễn.
Cả 2 đều làm nhiệm vụ kết nối các ngôi sao – bởi dù toàn các ngôi sao thì một đội bóng hay một vở diễn cũng chưa thể thành công như mong đợi. Rồi cuối cùng, khi “tai nạn” xảy ra với vở diễn hoặc đội bóng, họ là những người đầu tiên chịu trận và vô cùng cô đơn…
* Dù sao, cuộc trao đổi của chúng ta đang diễn ra trong mùa EURO 2016. Vậy, anh hãy chia sẻ một chút về cách xem bóng đá của mình?
- Tôi xem bóng đá, nhưng lại vẫn hay có những liên tưởng xa hơn (cười). Nhìn cảnh các cổ động viên cuồng nhiệt trên sân cỏ quốc tế, tự dưng lại nghĩ về một vấn đề ở chính Việt Nam mình: trong khi các trận đấu trên sân cỏ luôn thu hút được tài trợ, và vẫn có các vị lãnh đạo tới thưởng lãm thì sân khấu lại rất ít khi gặp may mắn như thế.
Cho dù, cả 2 môn “nghệ thuật” ấy đều mang lại những cảm xúc đặc biệt, để khán giả thấy thêm hào hứng hơn với cuộc sống hàng ngày.
Nghĩa là sân khấu của chúng ta cũng đang rất cần những “ông bầu” như trong bóng đá. Bởi, nếu người ta gọi bóng đá là môn thể thao vua, thì tôi cũng muốn dẫn lại một lời nhận xét của Macxim Gorki, đại ý rằng sân khấu kịch là thể loại khó nhất trong các bộ môn nghệ thuật hàn lâm.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa