Nhà văn Sơn Tùng: Cây Thiện tỏa hương trong ngõ văn chương
(Thethaovanhoa.vn) - Thật bật ngờ, nhà văn thương binh, Anh hùng Lao động, tác giả của “Búp sen xanh”, trong những ngày giáp Tết này đã ra mắt tập thơ ở tuổi bát thập: Gửi em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ (NXB Hội Nhà văn, in tháng 12/2013). Tập thơ khá dày dặn với 283 trang in rất nhã... Xung quanh “chiếc nón bài thơ xứ Nghệ” là một câu chuyện dài...
Ít người biết rằng nhà văn Sơn Tùng làm thơ từ rất sớm, bài hát Gửi em chiếc nón bài thơ của nhạc sỹ Lê Việt Hòa phổ thơ Sơn Tùng, có câu hát đầu tiên ngọt đắm và da diết “Anh gửi cho em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ” được một cô gái Huế tên là Tôn Nữ Như Mây mang ra thắc mắc vì chỉ nghe nói “Nón bài thơ xứ Huế” hoặc “nón Huế” chứ chưa nghe ai nói “Nón bài thơ xứ Nghệ” cả.
Không biết là do tác giả đã nhầm lẫn hay vì tác giả là người “quê choa” nên muốn “nhận xằng” về chiếc nón bài thơ?
“Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ”
Để giải đáp câu hỏi này, nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã đến tận ngõ Văn Chương (Khâm Thiên, Hà Nội) để hỏi. Lúc đó, Sơn Tùng còn khỏe, ông cười khà khà nói rằng thuở xưa, nón Nghệ đẹp, nhẹ và có mùi thơm tinh khiết, quyến rũ rất đặc trưng, được xem là vật phẩm cung tiến cho triều đình. Huế là kinh đô khi đó nên nón bài thơ “xứ Nghệ” qua năm tháng “thương về Huế” đã dịch chuyển như là một biểu tượng phổ biến ở Huế. Lẽ dĩ nhiên, bây giờ người ta chỉ nhớ nón Huế, cũng như ở Thủ đô Hà Nội, rất nhiều “quà” từ những vùng quê khác đến, sau nghiễm nhiên trở thành “món ngon Hà Nội”.
Nhà văn Sơn Tùng tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động
Để chứng minh cho điều này, nhà văn Sơn Tùng đã đưa ra nhiều dẫn chứng rất thú vị, ví dụ như bài ca dao thách cưới có câu: “Ba trăm nón Nghệ đội đầu - Một người một cái quạt Tàu thật xinh”.
Sơn Tùng sáng tác bài thơ Gửi em chiếc nón bài thơ năm 1955, khi đó là một trong những thanh niên ưu tú đầu tiên của đất nước Việt Nam độc lập được vinh dự tham gia Đại hội Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới lần thứ 5 tại Ba Lan. Bài thơ in lần đầu tiên trong tờ báo Sinh viên, sau đó được in lại trên nhiều tờ báo khác.
Đúng 20 năm sau, năm 1975 khi giang sơn đã thu về một mối, tình cờ có được tập thơ Bàn tay yêu thương trong đó có bài thơ này, nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã phổ nhạc chắp cánh thành một bài hát đi cùng năm tháng, với ca từ và giai điệu đã in đậm trong tâm trí nhiều người: “Em đội nón bài thơ - đi đón ngày hội mới - Nước non liền một dải - Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ”.
Nhà văn, Anh hùng Lao động duy nhất... còn sống
Câu chuyện nhà báo Sáu Phong (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) cõng Sơn Tùng vượt qua mưa bom bão đạn tại căn cứ Tà Nốt chiến khu B, để đưa người đồng chí đi cấp cứu... mãi mãi như một mốc son văn học sử ghi dấu một hồi ức đẹp mà mỗi khi kể lại những người trong cuộc, lẫn người nghe đều không khỏi xúc động, ngân ngấn nước mắt về tình bạn, tình đồng đội.
Hôm đón nhận danh hiệu anh hùng, người đồng hương xứ Nghệ của ông là nhà văn, nhà báo Hồng Thái - Phó Tổng Biên tập báo Công an nhân dân, đã tự lái chiếc xe của mình đỗ tít tận ngoài ngõ để chở Sơn Tùng đi. Bà Hồng Mai, vợ ông cùng với nhiều bạn văn đã phải bế Sơn Tùng từ trên căn gác trên tầng hai xuống trước những ánh mắt trìu mến, khâm phục của bà con trong khu tập thể.
Cách đây hơn 3 năm, sau khi bị xuất huyết não phải vào cấp cứu ở A9 Bạch Mai, ông không còn trò chuyện được nhiều nữa. Những bạn văn, người quen đến thăm ông đều nhận ra và nắm tay từng người rất chặt. Có lẽ do phương pháp thiền quán của ông, mặc dù trong sọ não của ông vẫn còn ba mảnh đạn M79 chưa lấy ra được, nhưng trí nhớ của Sơn Tùng vẫn rất tốt.
Nhất tâm văn đạo
Bỗng dưng... chợt nhớ, chợt nghĩ đến con ngõ Văn Chương đầy những uyên ảo và kỳ diệu. Nơi đấy, ở trên tầng hai - nhà A1, ở đó phòng văn của nhà văn Sơn Tùng chỉ rộng chừng 2m, dài non 4m, hai mảng tường phủ kín sách in bằng nhiều thứ tiếng, các cuốn sách được bọc ny-lông “bảo vệ” một cách cẩn thận. Các bìa sách đã ngả màu vàng ố, xếp hàng đều tăm tắm như đang được điểm danh từ cõi xa lắc xa lơ nào đó, đầy những nuối tiếc, u uẩn, những hoài niệm vàng son. Giữa hai tủ sách, là chiếc phản nhà văn Sơn Tùng ngả lưng, đôi lúc ngồi thiền khi đang còn gọi là khỏe. Thật bất ngờ khi được biết đó là hai phiến gỗ dày và dài chừng 2m, rộng hơn nửa mét, do tỉnh ủy Nghệ An tặng, để ông dùng khi sống và cũng là cỗ hậu sự cho nhà văn Sơn Tùng sau này.
Có thể tin được không, trong cái khoảng trống “quờ tay” là chạm sách ấy, có ai ngờ một nhà văn tay trái co quắp, tay phải cụt còn 3 ngón, tai rách nổi sẹo, thị lực còn 1/10, 3 mảnh đạn còn găm trong đầu, bị xuất huyết não do vết thương tái phát, lại là người đã từng hai lần xin được không nhận nhà (khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng và chính quyền đề nghị vì biết ông bị thiệt thòi rất nhiều), chỉ với ý nghĩ nhường cho người khác khó khăn hơn.
Cũng trên cái không gian giản dị và mộc mạc đó, Sơn Tùng đã tiếp nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu sử học nổi tiếng từ nhiều quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Đức tới trò chuyện, đàm đạo. Biết bao 30 cuốn sách với hàng ngàn trang in đã ra đời từ cái khoảng trống chiếu văn “tun hun” ấy, tất cả đều nhuốm màu nguyên đạo của nhân sỹ - ẩn sỹ Sơn Tùng.
Khúc Link Hương
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ