A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói về giải Dế Mèn: 'Thực đơn của tâm hồn' cho những đứa trẻ

07:11 27/05/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều nay, 27/5/2020, tại Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn. Đây là giải thưởng phi lợi nhuận được trao hằng năm cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ), bao gồm 1 Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight) và một số Tặng thưởng mang tên Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire).

Phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn: Khi tri thức, cảm xúc, nhu cầu của trẻ em đã chuyển dịch

Phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn: Khi tri thức, cảm xúc, nhu cầu của trẻ em đã chuyển dịch

Trong những năm gần đây, chúng ta vẫn thường nhắc tới sự thiếu vắng và nhạt nhòa của những sáng tác dành cho thiếu nhi. Có rất nhiều cách giải thích từng được đưa ra quanh câu chuyện ấy - nhưng chắc chắn, người ta không thể bỏ qua một câu hỏi: Những tác giả viết cho thiếu nhi đã thật sự hiểu, để song hành và đồng cảm với một thế hệ độc giả nhỏ tuổi bây giờ.

Hội đồng giám khảo của Giải thưởng có 7 người, gồm các văn nghệ sĩ, nhà báo uy tín, gắn bó với nghệ thuật thiếu nhi trên các lĩnh vực, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha; họa sĩ Thành Chương.

Trước thềm Lễ phát động, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Thiều:

* Với tư cách là nhà văn, ông nhận thấy đời sống văn chương nghệ thuật dành cho thiếu nhi hiện nay ra sao?

- Trước hết tôi có thể nói rằng, có tình trạng “cung” không đủ “cầu”. Cái nhu cầu của những đứa trẻ, của các bậc phụ huynh, của những người luôn luôn suy nghĩ về chiến lược giáo dục cho trẻ em là rất lớn. Trong khi đó, sách văn học cho thiếu nhi của chúng ta rất mong manh. Hai, ba chục năm trước, ta có thể kể tên những nhà văn viết cho trẻ em. Nhưng bây giờ kể tên họ rất ít và khó. Văn học cho thiếu nhi có phải khó sáng tác không mà các nhà văn, nhà thơ không làm điều đó? Đương nhiên là khó và nói chung thì cái gì cũng khó. Nhưng mấu chốt là chúng ta chưa nhận ra văn học cho thiếu nhi cần thiết như thế nào trong văn học nghệ thuật.

Tôi đã từng đi rất nhiều nước trên thế giới và từng đến những khu vực dành cho sách thiếu nhi và đặc biệt là ở những hội chợ sách quốc tế. Ngay vừa rồi, đến Hội chợ sách quốc tế tại Cuba (mà Việt Nam tham dự với tư cách là một khách mời danh dự), tôi càng thấy rằng sách thiếu nhi ở Việt Nam quá ít ỏi. Chúng ta có thể dịch sách thiếu nhi nước ngoài. Nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn tạo dựng được những vẻ đẹp tâm hồn, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam và những giấc mơ khác của người Việt.

Cho nên sự khan hiếm của văn học thiếu nhi là một cảnh báo. Ngay ở Hội Nhà văn Việt Nam, lâu nay, giải thưởng cho văn học thiếu nhi hầu như không có. Không phải là chúng tôi không quan tâm đến thiếu nhi nhưng sách viết cho thiếu nhi mong manh và chất lượng không thực sự cao lắm.

Đã đến lúc phải khác đi. Có những lúc chúng ta đã viết những cuốn sách đầy tính đạo đức và khô cứng cho thiếu nhi. Trong khi ở đó ta phải tạo ra một thế giới khác của trí tưởng tượng, của một thiên sử nào đó hòa đồng với thiên nhiên, con người. Thì đấy chính là điều mà tôi nghĩ rằng những người viết hay những nhà quản lý, hay những nhà giáo dục, những nhà chiến lược phải nghĩ đến. Mà tôi biết rằng, tới đây có những cơ quan lớn của Nhà nước cũng đã đặt vấn đề đó và có thể có những giải thưởng quan trọng lớn cho những cuốn sách xuất sắc viết cho thiếu nhi.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

* Dường như chúng ta chưa thực sự coi mảng sáng tạo dành cho thiếu nhi là mảng thực sự quan trọng, là một thị trường có khả năng tiêu thụ rất tốt?

- Điều đó hoàn toàn chính xác, bởi vì không chỉ sách văn học mà nhiều phúc lợi khác dành cho thiếu nhi của chúng ta đều quá ít ỏi. Ngày xưa tôi ở Hà Đông, khi chưa được sáp nhập vào Hà Nội, liệu ta có thể tìm thấy một nơi chốn nào cho một đứa trẻ chơi vào ngày Chủ nhật? Một công viên nhỏ bé như một bàn tay và sơ sài với vài món đồ chơi. Tôi đã từng viết trong một bài thơ rằng, tôi đã từng dẫn con đến công viên bé nhỏ đó, khỉ, báo, hổ, ngựa gãy chân, gãy tay, gãy cổ… Nghĩa là chúng ta thực sự chưa tạo ra một không gian cho những đứa trẻ: Không gian văn hóa, không gian thiên nhiên... Và tôi đã từng viết trên báo chí với một cái tiêu đề hài hước nhưng đúng sự thật rằng: Siêu thị cho trẻ em, Hoa hậu cho người lớn. Bởi vì có rất nhiều bà mẹ, các phụ huynh nói với con rằng học giỏi đi, ngoan đi để Chủ nhật mẹ cho đi siêu thị. Họ đưa con đi siêu thị và lấy đó như một nơi duy nhất để cho con mình có thể giải trí.

Ở ngoài xã hội, chúng ta đã dành quá ít không gian cho những đứa trẻ, cho nên nó kéo theo tất cả những môn nghệ thuật khác: Điện ảnh, hội họa, âm nhạc hay đặc biệt là sách thiếu nhi. Chúng ta dành quá ít, chúng ta chưa nghĩ đến điều đó. Có thể nói rằng, bây giờ nếu con mình muốn ăn gì thì ai trong chúng ta cũng có thể lên thực đơn tuyệt vời như một chuyên gia về dinh dưỡng, nhưng không ai dựng lên một “thực đơn của tâm hồn”, rằng những đứa trẻ phải đọc cái gì, phải nghe cái gì, phải nhìn cái gì, phải giao tiếp với cái gì, và chính đấy là sai lầm của chúng ta. Và tôi nghĩ rằng chúng ta phải đổi thay.

Chú thích ảnh
Logo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn. Thiết kế: Nguyễn Đức Bình (dựa theo bức tranh Dế Mèn của Thành Chương)

* Vậy những người sáng tác ở đâu khi mà xã hội đang quá loay hoay tìm kiếm những sản phẩm tinh thần dành cho trẻ em như vậy?

- Họ bị một cái vô cảm nào đó của cuộc sống kéo đi. Khi chúng ta đặt vấn đề của tham nhũng, khi chúng ta đặt vấn đề của đạo đức, khi chúng ta đặt vấn đề của tội ác, chúng ta đặt vấn đề về bao nhiêu vấn đề khác, và văn học đã lao vào những vấn đề đó. Nhưng để ngăn chặn những điều đó, thì có một sự phòng vệ vô cùng xa nhưng lại vô cùng mạnh mẽ là tạo dựng tâm hồn cho đứa trẻ, tức là khi anh gieo vào tâm hồn những đứa trẻ những vẻ đẹp, những hạt giống của nhân tính thì lớn lên, tức khắc chúng sẽ tránh được tội ác.

Có một lần tôi nói với các phụ huynh và câu chuyện này tôi muốn nhắc lại mãi. Các phụ huynh hỏi tôi rằng xin các nhà văn hãy viết một cuốn cẩm nang để nói về những cái bẫy trong cuộc đời mà những đứa trẻ có thể mắc phải. Tôi nói, chúng tôi có thể viết một cuốn sách với 1.000 cẩm nang nhưng khi đứa bé bước ra cuộc đời, gặp cái cạm bẫy thứ 1.001 và bị sập bẫy thì nó sẽ gục ngã. Vậy thì phải trang bị cho chúng biết phân định đâu đúng, đâu sai bằng lý trí, bằng khoa học, bằng tâm hồn, bằng cảm xúc và bằng cả trực giác nào đó, tránh qua tất cả cạm bẫy.

* Từ tất cả những điều đó, ông nghĩ sao khi chúng ta sắp có một giải thưởng thiếu nhi mang tên Dế Mèn? Một giải thưởng xích lại tất cả những sáng tạo văn chương nghệ thuật cũng như tất cả những hoạt động giải trí khác dành cho thiếu nhi hoặc của thiếu nhi?

- Tôi nghĩ rằng nó cần thiết vô cùng. Đó là một hành động và một cử chỉ của chúng ta đối với tương lai của mình. Tôi rất thú vị với một giải thưởng mang tên Dế Mèn, bởi vì nó là một con vật đầy sinh động, và hơn nữa, nó gợi nhớ tới cuốn sách gắn liền với bao thế hệ và tôi, con tôi, cháu tôi vẫn tiếp tục đọc nó.

Việc xây dựng giải thưởng Dế Mèn bắt nguồn từ ý thức mang lại một đời sống tinh thần sâu thẳm nhất, trong sáng nhất, quyến rũ nhất cho những đứa trẻ. Đừng nghĩ rằng đây chỉ là một giải thưởng mà hãy nghĩ rằng đây là một ý thức, một thái độ, một hành động của chúng ta đối với tương lai của mình.

Họa sĩ Thành Chương: “Tinh thần hiệp sĩ”

“Xã hội của chúng ta hiện nay mở cửa rộng rãi, tự do… có những cái hay và cũng có những cái hạn chế. Cái tốt, xấu, đúng, sai nhiều khi thật khó phân biệt.

Thể thao và Văn hóa với giải Dế Mèn hướng trẻ em dám ước mơ, dám dấn thân thực hiện ước mơ đó là những giá trị cốt lõi nhân văn của con người, giá trị đó không bao giờ thay đổi, mãi bền vững, dù ở xã hội nào, hoàn cảnh nào.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Thành Chương

Trong thời điểm này, dù có muôn vàn thứ vui chơi, giải trí, muôn vàn thứ hấp dẫn lôi kéo con người... thì định hướng của Giải thưởng này vẫn rất tốt và hoàn toàn có cơ sở. Tôi tin là giải thưởng thành công bởi mục tiêu cuối cùng của con người luôn hướng đến những điều tốt đẹp nhất.

Con người sống, ước mơ, thực hiện ước mơ, sáng tạo văn học nghệ thuật để cống hiến. Con người sống với nhau hòa đồng, thân thiện, muôn loài cùng nhau kết anh em, tinh thần đó của Dế Mèn sẽ truyền lại cho giới trẻ.

Trong sáng tạo, điều này rất quan trọng: Dám nghĩ dám làm và có bản lĩnh, cá tính của mình. Tiếp thu tất cả những cái văn minh, nhân văn, tử tế của nhân loại nhưng vẫn có cá tính, bản lĩnh của riêng mình. Đó chính là tinh thần hiệp sĩ”.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Trên “cánh đồng hạn” có một “cơn mưa” là Dế Mèn

“Chương trình dành cho thiếu nhi hiện nay vẫn bắt các em “kiễng chân” lên như thi giọng hát nhí, hoa hậu nhí... người ta không tính đến tâm lý của thiếu nhi. Tâm lý thiếu nhi là cái gì đó chưa ổn định, đang phải rèn giũa nhưng lại làm những danh hiệu như của người lớn...

Tôi có cảm giác là bây giờ nhiều ông bố, bà mẹ “chơi con” nhiều hơn chứ không phải “nuôi con” - nghĩa là mang con ra để khoe mình.

Chú thích ảnh
Nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha

Tôi cho rằng việc giáo dục thiếu niên nhi đồng của chúng ta trong nhiều năm qua có vấn đề, không được như ngày xưa dù trước đây chúng tôi rất khổ, phải lao động kiếm sống nhưng tâm hồn rất trong sáng, đẹp đẽ. Hiện giờ thì khác, chúng ta có một ít vật chất, sung sướng hơn nhưng đừng nghĩ điều đó tốt. Nó làm bào mòn nhiều thứ khác, trong đó có thứ rất quan trọng - nhân cách.

Thách thức nữa đối với người sáng tác là thiếu nhi hiện nay không phải như ngày xưa, viết được cái gì thu phục chúng sẽ rất khó khăn.

Tôi rất mừng, trên “cánh đồng hạn” có một “cơn mưa” là Dế Mèn. Lâu nay, chúng ta quá tập trung vào các giải thưởng khác mà quên đi giải thưởng cho thế hệ của tương lai”.

Yên Khương (thực hiện)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...