Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: 'Đốt lên một que diêm để xua tan sự thờ ơ'
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 1 - 2020, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn. Đây là giải thưởng do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức, hướng đến các sáng tạo “của thiếu nhi” và “vì thiếu nhi”.
Hướng ngòi bút chủ yếu đến thiếu nhi - tuổi mới mới, Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn được yêu thích bậc nhất. Trong cương vị đương kim Hiệp sĩ Dế Mèn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ những suy nghĩ của mình về các mùa giải tiếp theo.
* Thưa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, anh nghĩ giải thưởng Dế Mèn có ý nghĩa thế nào đối với đời sống sáng tạo, trình diễn, văn nghệ và giải trí của thiếu nhi hiện nay?
- Trong khung cảnh sinh hoạt nghệ thuật cho trẻ em đang trầm lắng như hiện nay, giải thưởng Dế Mèn giống như một tiếng trống được gióng lên. Hồi tôi còn học tiểu học, mỗi khi nghe tiếng trống trường vẳng vào tai thì dù đang mê chơi cách mấy cũng vội vã chạy về nhà xách cặp đến lớp. Hy vọng giải Dế Mèn cũng gây được hiệu ứng tương tự: Dù đang bận bịu chuyện gì, hễ nghe… tiếng Dế Mèn gáy lên, mọi người sẽ lập tức nhớ ra có một sân chơi bổ ích và hấp dẫn đang mời gọi.
* Riêng với khía cạnh văn học, anh nghĩ vì sao mảng tác phẩm dành cho thiếu nhi vẫn còn khá ít?
- Không chỉ ở mảng văn học, trong các linh vực nghệ thuật khác cũng vậy, những tác phẩm dành cho trẻ em thường không nhiều bằng tác phẩm dành cho đối tượng người lớn. Vì đó là công việc không chỉ đòi hỏi cảm hứng nhất thời mà còn cần sự chuyên tâm, mê đắm. Bởi người lớn viết cho mình, đề cập đến cái mình đang quan tâm, giãi bày tâm tư của mình là thao tác thuận chiều, hợp với tình cảm và nếp tư duy của chính mình. Còn viết về trẻ em, tức là viết về cái đã trượt khỏi tâm thế của mình, người cầm bút trưởng thành sẽ thấy khó khăn hơn.
* Anh nghĩ có thể và có nên đặt hàng, hoặc khuyến khích các tác giả viết về mảng này được không? Tại sao?
- Đặt hàng để có nhiều hơn tác phẩm viết về trẻ em thì chắc chắn được. Nhưng đặt hàng để có ngay những tác phẩm xuất sắc thì điều đó lại tùy thuộc vào cơ duyên. Bởi thành tựu văn chương xưa nay thường nằm ngoài ý chí của con người, không phải cố mà được. Nó chỉ xuất hiện khi hội đủ những yếu tố cần thiết, đôi khi bằng những cách rất tình cờ.
Thật ra việc báo Thể thao và Văn hóa lập ra giải thưởng Dế Mèn, lôi kéo sự chú ý của cộng đồng, tạo ra độ rung xã hội nhất định, khêu gợi cảm hứng sáng tạo cho trẻ em và kích thích trẻ em sáng tạo, đó cũng là một cách đặt hàng rồi, hiểu theo nghĩa bao quát nhất của từ này.
- Chủ nhân giải Dế Mèn 2020: Dế Mèn như tiếng trống trường gióng lên
- Lễ trao giải Dế Mèn chỉ tổ chức tại Hà Nội, dừng tại TP.HCM
- Sẽ công bố Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn năm 2021 đúng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6
* Tạm quên tư cách Hiệp sĩ Dế Mèn, mà chỉ như một người quan sát khách quan, anh mong muốn những điều gì nên có thêm ở giải thưởng Dế Mèn trong mùa này và các mùa sắp tới?
- Sự ra đời của giải Dế Mèn, bản thân nó đã là một giá trị. Khối lượng công việc hiện nay dành cho ban tổ chức, ban sơ khảo và ban giám khảo cũng đã quá nhiều, khi các bạn phải theo dõi và xem xét gần như tất cả các loại hình nghệ thuật, sáng tạo, trình diễn. Chúng ta có quyền kỳ vọng, nhưng cũng đừng tự gây áp lực cho chính mình. Đốt lên một que diêm để xua tan sự thờ ơ, đó là điều giải Dế Mèn đã làm được. Điểm xuất phát này là một cách tạo đà, một cách gieo hạt. Tôi tin chúng ta sẽ có nhiều gặt hái ở những mùa sau.
* Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này. Chúc anh sức khỏe và có được những tác phẩm ưng ý.
Kỷ lục phát hành của Hiệp sĩ Dế Mèn lần thứ nhất Trong sự nghiệp của mình, Nguyễn Nhật Ánh đã có rất nhiều đầu sách vượt ngưỡng 100.000 bản in như Chú bé rắc rối, Những chàng trai xấu tính, Còn chút gì để nhớ, Thiên thần nhỏ của tôi, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Tôi là Bêtô, Cô gái đến từ hôm qua, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Mắt biếc, Chúc một ngày tốt lành, Ngồi khóc trên cây, Ngày xưa có một chuyện tình, Chuyện cổ tích dành cho người lớn, Cảm ơn người lớn, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Con chim xanh biếc bay về, Làm bạn với bầu trời… Truyện dài Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã tái bản 67 lần, bán hơn 500.000 bản. Tác phẩm được trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn là Làm bạn với bầu trời ngay lần đầu ra mắt đã in 120.000 bản bìa mềm và bìa cứng. |
Văn Bảy (thực hiện)