loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu năm 2021, câu chuyện về việc nhà văn Đỗ Bích Thúy bị “bỏ quên” tại phim trường Chuyện của Pao ở Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang) đã khiến nhiều độc giả bất bình.
Như con tằm ăn lá dâu nhả tơ làm kén với những trang văn mảnh, khéo và tinh, Đỗ Bích Thúy đã chỉn chu thêu thùa qua hàng chục tác phẩm hấp dẫn về vùng cao của mình.
Với rất nhiều người, Đỗ Bích Thúy chính là người đã mở ra một cánh cửa đặc biệt, để vùng cao nguyên đá Hà Giang trở nên gần gũi và thơ mộng trước khán giả miền xuôi.
Từ sự cố ở “nhà Pao”
Cần nhắc lại, sau thành công của phim Chuyện của Pao (chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy) năm 2005, phim trường tại Sủng Là được quy hoạch, nhanh chóng trở thành điểm đến du lịch hút khách. Thế nhưng, điểm tham quan này chỉ giới thiệu về bộ phim trên biển chú thích, trong khi tác giả và tác phẩm văn học chuyển thể thì đã vô tình bị lãng quên. Thậm chí, theo nhiều người, hướng dẫn viên còn tùy tiện đưa thông tin sai khi giới thiệu Chuyện của Pao được chuyển thể từ tác phẩm của... Tô Hoài.
Khi thông tin này được chia sẻ trên mạng, rất nhiều độc giả và nhà báo đã tỏ ra bất bình và phản ứng. Để rồi, chỉ ít ngày sau đó, thông tin về tác giả Đỗ Bích Thúy và tác phẩm đã lập tức được bổ sung trên biển giới thiệu trước cổng vào “nhà Pao” (xem ảnh). Khi ấy, dư luận mới giảm nhiệt và ghi nhận tinh thần cầu thị của các cán bộ văn hóa du lịch huyện Đồng Văn, Hà Giang về việc sửa sai kịp thời.
Khách quan nhìn nhận, nếu không có Tiếng đàn môi sau bờ rào đá cũng sẽ không có một Chuyện của Pao thành công rực rỡ với nhiều giải thưởng danh giá và chưa chắc nhà của Pao đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Đó không phải là truyện ngắn đầu tiên của nhà văn Đỗ Bích Thúy viết về đề tài miền núi, nhưng truyện ngắn này giống như một “tấm chứng minh thư” giúp nữ nhà văn định danh rõ nét hơn ở mảng văn học viết về miền núi sau giải Nhất tại Cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1998 - 1999. Để rồi, khi sau khi đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể truyện ngắn, dựng Chuyện của Pao và giành nhiều giải thưởng danh giá trong cũng như ngoài nước, cái tên Đỗ Bích Thúy càng được khẳng định trong lòng công chúng.
.... Tới ám ảnh về những phụ nữ vùng cao
Trong Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã lựa chọn những nguyên mẫu có thật, những chi tiết có thật từ sự quan sát trong ký ức thuở sống ở vùng cao Hà Giang. Nguyên mẫu nhân vật May (trong truyện) và Pao (trong phim) là Giàng Thị Thương - một người bạn thân thiết của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Trong khi, nguyên mẫu nhân vật mẹ Già (trong truyện) là bà Mua Thị May - người mẹ dân tộc Mông không sinh ra Thương.
“Tôi chơi với Thương từ lúc nhỏ. Nhà Thương và nhà tôi ở trong cùng một xóm có cả người Kinh, người Tày, người Mông. Thương là chị cả trong gia đình có 1 ông bố, 2 bà mẹ và 5 người con 2 gái, 3 trai lần lượt: Thương - Anh - Nhớ - Bằng - Thắng. Bố Thương là ông Chú và mẹ Già (bà May) lấy nhau nhiều năm nhưng mẹ Già không có khả năng sinh con” - Thúy kể - “Rồi có một ngày ông Chú dẫn bà Hoa về nhà. Bà Hoa là người Kinh, là mẹ đẻ của Thương và 4 đứa em. Mỗi lần sang chơi, tôi chỉ thấy bà May còn bà Hoa đi vắng suốt, chắc là bận đi buôn bán. Dẫu là con của bà Hoa nhưng 5 chị em Thương đều một tay bà May chăm bẵm hệt như những đứa con đẻ của mình. Sau này cả ông Chú và bà Hoa đều mất sớm, cuối cùng vẫn chỉ có bà May cam chịu, gồng gánh, nuôi nấng từng ấy đứa con của chồng...”.
Trong ký ức, nhà văn Đỗ Bích Thúy luôn ám ảnh với “hình ảnh bà May phốp pháp trong chiếc váy Mông đồ sộ, khăn áo đầy mùi khói bếp, và địu trước cõng sau những đứa trẻ không phải do bà sinh ra”. Bắt đầu từ việc nghĩ về bà May, nghĩ về Thương, nhà văn Đỗ Bích Thúy viết Tiếng đàn môi sau bờ rào đá bằng sự ám ảnh về thân phận của những người phụ nữ Mông cam chịu và kiên cường.
Trong suy nghĩ của nữ nhà văn, có lẽ chưa bao giờ những người phụ nữ Mông như bà May nghĩ đến việc thay đổi cuộc đời. Một phần, điều này do phong tục, tập quán, nếp sống của người Mông đã in hằn qua nhiều thế hệ. Những người phụ nữ Mông lấy chồng tên cha sinh mẹ đẻ còn mất. Thậm chí chấp nhận chồng mình đưa người phụ nữ khác về sống chung, chưa bao giờ to tiếng một lời. Họ cam chịu và yêu thương cả những đứa con không do mình đẻ ra ngay từ khi ẵm ngửa.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng không ngờ rằng Tiếng đàn môi sau bờ rào đá là sự bắt đầu cho cả một quãng đường lao động chữ nghĩa rất lâu sau này của chị với những bị ám ảnh bởi thân phận người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ vùng cao, là người phụ nữ Mông.
Tôn trọng đối với sáng tạo của đạo diễn phim
Chuyện của Pao chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy từ khi khởi chiếu cho đến sau này là một bộ phim thành công lớn. Trong sự đối sánh giữa phim và truyện, tác giả văn học luôn dành một sự nhìn nhận khách quan và tôn trọng đối với sáng tạo của đạo diễn trên nền tác phẩm của mình.
“Ngay từ khi Chuyện của Pao được chiếu, tôi đã không nói đến việc bằng lòng hay không bằng lòng bởi tôi đặt mình vào tâm thế của một khán giả độc lập xem bộ phim ở trạng thái không liên quan đến tác phẩm văn học. Mỗi người có một công việc, đạo diễn và nhà văn nên dành sự tôn trọng cho nhau thay vì sự đánh giá” - nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ - “Chỉ có sự khác nhau giữa bối cảnh phim và truyện. Đạo diễn Chuyện của Pao đã mở rộng bối cảnh sang không gian của vùng Sapa thì Tiếng đàn môi sau bờ rào đá chỉ dừng lại ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Nếu truyện ngắn kéo dài không gian như phim thì đó không còn là một truyện ngắn nữa. Sự dừng lại ở không gian trong truyện là hợp lý, đủ sức gây ám ảnh với độc giả”.
Cũng theo tác giả, điện ảnh và văn học là hai thể loại khác nhau, là hai tác phẩm độc lập. Thường thì một độc giả có xu hướng khi đọc một tác phẩm văn học yêu thích luôn kỳ vọng ở bộ phim chuyển thể cũng sẽ mang đến sự hứng thú ít nhất phải tương đương với tác phẩm văn học nhưng thực tế thường ngược lại, khi ta dễ nghe thấy độc giả thất vọng nhiều hơn. Điều này cũng dễ hiểu, do đặc trưng tiếp nhận riêng của mỗi thể loại. Ví dụ, với tác phẩm văn học, độc giả chỉ đối diện duy nhất với văn bản và có thể hình dung đa dạng từ trang viết của nhà văn nhưng khi dựng phim, có những bối cảnh không thể thực hiện được như tác phẩm văn học đã đề ra.
Tuy nhiên, với nhà văn Đỗ Bích Thúy, Chuyện của Pao là một tác phẩm có ý nghĩa rất lớn đối với một tác giả văn học. Nhiều người vì xem bộ phim mà tìm đến truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá và có nhu cầu tìm hiểu về các tác phẩm khác của tác giả.
Việc nhà của Pao sau sự thành công của bộ phim trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, với nhà văn Đỗ Bích Thúy là niềm vui, khi góp được một phần giúp đồng bào người Mông vốn đã khổ sở nay có thể khá lên nhờ du lịch.
Ra mắt 4 cuốn sách trong năm 2021
Năm 2021, nhà văn Đỗ Bích Thúy sẽ ra mắt bạn đọc 4 cuốn sách cả viết mới và tái bản. Đáng chú ý những tập sách này được thiết kế đồng nhất một khổ với bìa tranh minh họa và có bản giới hạn. 4 cuốn sách gồm: tiểu thuyết Người yêu ơi, tản văn Thương nhau như người thân viết về những chuyến rong ruổi từ Bắc vào Nam, tập truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (tái bản) và tiểu thuyết Bóng của cây sồi (tái bản).
|
(Còn nữa)
Công Bắc
loading...