Nhà văn Di Li công khai bảng điểm ‘dốt đều các môn’
(Thethaovanhoa.vn) – Nhà văn Di Li quyết định đăng toàn bộ bảng điểm ngày xưa đi học “dốt đều các môn” để chứng minh cho các em học sinh và các bậc phụ huynh rằng, điểm số trung bình của các môn học không phải điều tồi tệ, “không phải kim chỉ nam dẫn đến một cuộc đời bỏ đi”.
- Nhà văn Di Li: Ngày nào tôi cũng phải... gạ gẫm con đọc sách
- Di Li, người đẹp làng văn ngắm ‘tuyết đã rơi ngoài cửa sổ’
- Nhà văn Di Li: Tranh cướp nhau lộc phát là đều chưa hiểu đạo
Mở đầu “Câu chuyện điểm số học dốt của cô Di Li”, nữ nhà văn đặt vấn đề: “Chỉ mới thi học kỳ I mà thấy các cháu học thêm khổ quá và bố mẹ các cháu căng lên như dây đàn nên cô Di Li post toàn bộ sổ điểm của cô lên để khích lệ các bậc phụ huynh rằng ngày xưa đi học cô... dốt đều các môn”.
Khẳng định đây là bảng điểm thật, có bạn học làm chứng, nhà văn Di Li cho rằng: “Nếu bố mẹ các cháu vẫn khăng khăng rằng bài kiểm tra Vật lý của các cháu hôm nay điểm kém, điểm trung bình môn giáo dục công dân, văn, địa lý, hóa học... của các cháu thấp làm các cháu đứng cuối sổ, đồng nghĩa với việc sau này các cháu sẽ là đồ bỏ đi, là lũ vô tích sự, sẽ trượt đại học khiến cho bố mẹ cháu xấu hổ thì đấy là một kết luận hết sức sai lầm từ một giả định thức sai lầm”.
Nhà văn Di Li chứng minh: “Quan niệm điểm số thấp là đồng nghĩa sẽ trượt dài ở đại học cũng là một đáp số sai lệch. Hồi học lớp 9, thầy giáo ở lớp luyện thi nào cũng đồng lòng nhất trí cô sẽ trượt oạch ở cấp 3. Hồi học lớp 12, mọi thầy giáo đều không nghĩ ra phương án nào có thể khả dĩ hơn cho cô là trượt đại học. Sau đó cô chưa thất bại ở kỳ thi nào (3 trường ĐH đều đỗ cả)”.
Theo chị, điểm số thấp đồng đều ở phổ thông, đặc biệt là môn văn chỉ đơn giản vì một số môn chị không hề có năng khiếu như hóa học và vật lý, còn môn văn, lý do chủ quan hơn là chị không thể phân tích cho hay một tác phẩm được in trong SGK trong khi chị không thấy nó hay.
Di Li cũng không cố gắng học để có điểm 10, thay vào đó chị dành thời gian để học nghệ thuật, tập thể thao, đọc sách, du lịch, thêu thùa, đan lát và kết bạn… mà chị cho rằng, những điều này quan trọng không kém việc học toán hay học văn.
“Cái mà bố mẹ các cháu cần, là xây dựng cho các cháu những ước mơ, trí tưởng tượng, sự sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, lòng đam mê hiểu biết và tính mục tiêu cao để đạt đến đích, đó mới là những chỉ số cần phải cao, thay vì chỉ đánh giá năng lực các cháu qua điểm số, các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận và tần suất đi học thêm” - Di Li nhắn nhủ.
Không chỉ đề cập tới chuyện điểm thấp, nhà văn Di Li cho rằng, chuyện trượt đại học “cũng chẳng có gì là bi kịch”. Dẫn chứng là nhiều bạn bè của chị trượt đại học, giờ cũng vẫn thành đạt, giàu có, xuất hiện nhiều trên tivi, có một gia đình hạnh phúc và là niềm ngưỡng mộ của nhiều người.
Di Li khẳng định: “Cô hoàn toàn không có ý nói rằng hễ cứ học dốt thì sẽ nên người, còn thành tích học tập cao thì cuộc đời không như ý. Mà chỉ muốn nói: Không phải cứ điểm số thấp thì con người ta sẽ bỏ đi và điểm số cao thì sẽ thành đạt. Trong các cuộc thi maraton, người ta chỉ tính điểm về đích, và bố mẹ các cháu (những người bắt các cháu học ngày học đêm đến bạc nhược cả người, đêm thì ngủ vài tiếng còn ít hơn cụ già, cuối tuần bố mẹ được xem tivi, ngồi FB trong khi các cháu vẫn phải học như đang sắp bảo vệ luận án tiến sĩ) cần phải hiểu “đích” ở đây là gì.
Đức Phật nói rằng thứ quý giá nhất của con người là niềm vui. Niềm vui mới chính là đích đến của đời người. Và điều gì sẽ tạo nên niềm vui trên cõi trần gian vỏn vẹn có vài chục năm này?”.
Dẫn chứng nhiều người thành đạt, nổi tiếng nhưng tự kết thúc cuộc đời mình khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp và tuổi trẻ, nhà văn Di Li lý giải, nguyên do khiến họ tự tử là vì họ bế tắc, không có niềm vui, họ thấy cái chết có thể còn vui hơn sống.
Cuối cùng, nữ nhà văn kết luận: “Điểm số thấp chưa chắc đã trượt đại học, trượt đại học chưa chắc đã không thành đạt, và không thành đạt cũng chưa chắc đã là không hạnh phúc. Và người làm cha mẹ, liệu có phải chỉ cần con cái được hạnh phúc hay còn muốn điều gì cao hơn hạnh phúc nữa?
Hạnh phúc và niềm vui luôn được tạo ra bởi những ước mơ, đam mê cháy bỏng và con đường đi tới ước mơ đó. Hạnh phúc và niềm vui là tìm thấy cuộc sống phù hợp với mình và được chia sẻ mỗi ngày. Các cháu hãy cứ trả lời thật thà với cha mẹ nếu áp lực điểm số, học thêm túi bụi hoàn toàn không phải ước mơ của các cháu.
Và niềm tự hào của cô về con gái mình lại hoàn toàn không phải là điểm số, mà vì em ấy là người nhân hậu, chưa bao giờ biết nói dối, rất hài hước và luôn có khả năng bẻ gãy mọi luận điểm của mẹ trong hầu hết các cuộc tranh luận.
Là một người làm công tác giáo dục 18 năm, 16 năm ngồi trên ghế nhà trường, và làm luận văn thạc sĩ cũng ngành quản lý giáo dục, nhưng chưa một lần nào cô dùng từ “học bài đi con” với con gái, chủ yếu là “đi ngủ đi con, muộn rồi”. Và con gái cô đang sắp thi cấp 3, nhưng từ tiểu học đến giờ chưa một ngày nào đi học thêm, trừ học thêm múa bụng, piano, bơi, dancesport, mỹ thuật”.
Bài chia sẻ hiện đã nhận được hàng nghìn lượt thích, hàng trăm comment ủng hộ quan điểm của nhà văn Di Li.
Anh Tuấn. Ảnh: FBNV