loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 27/5 vừa qua, Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn. Nhiều nghệ sĩ trong giới văn hóa nghệ thuật đã đến tham dự, trong đó có nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Bốn năm liền, kể từ năm 2009, nhà thơ gần gũi với trẻ em Việt Nam - Trần Đăng Khoa nhận lời ngồi “ghế nóng” cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ.
Ông đã có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa chung quanh những vấn đề sáng tạo văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi.
* Ông đánh giá như thế nào về hoạt động sáng tạo dành cho trẻ em ở lĩnh vực Văn học nghệ thuật hiện nay?
- Trước hết, tôi đánh giá cao báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có sân chơi dành cho các em và tôi tin rằng đây sẽ là sân chơi thú vị. Chúng ta có một đội ngũ sáng tác cho thiếu gồm có những nhà văn có tên tuổi như Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Phạm Hổ, Lê Phương Liên, Định Hải, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Quang Thiều, Cao Duy Sơn… và rất nhiều, tôi không nào kể hết được.
Ngoài ra, đội ngũ viết cho các em, có cả các em viết cho lứa tuổi của mình, có những em viết cho người lớn đọc, như trường hợp Khánh Chi. Cho nên khi có sân chơi dành cho các em và cho những người yêu mến các em thì tôi tin là sẽ có kết quả rất tốt.
* Theo ông, hoạt động sáng tạo dành cho trẻ em ở lĩnh vực văn học nghệ thuật thời gian gần đây diễn ra như thế nào?
- Hoạt động sáng tác cho thiếu nhi hiện nay rất sôi động, nhiều cây bút viết cho trẻ em rất có thành tựu như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đó là một hiện tượng và các em rất yêu thích. Tất nhiên, đánh giá về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhiều người rất khác nhau, quan niệm khác nhau, nhưng viết cho các em thì phải cho chính các em đánh giá thì mới đúng được, chứ người lớn lấy tâm lý của người lớn, khát vọng của người lớn mà áp vào trẻ con thì lại không phải.
Các em rất mê Nguyễn Nhật Ánh. Đấy chỉ là một tác giả thôi, còn nhiều nhiều tác giả khác nữa, mỗi người một giọng, một cách tiếp cận thế giới của các em, rất sôi động.
* Là người cho ra đời rất nhiều ấn phẩm cho trẻ em, theo ông trách nhiệm của người làm sáng tạo trong việc tạo ra những sản phẩm chất lượng dành cho thiếu nhi là gì?
- Tôi nghĩ là phải làm sao viết cho hay, viết cho các em yêu thích. Nếu các em không yêu thích thì khỏi phải bàn.
Ví dụ, tại sao trẻ con thích Nguyễn Nhật Ánh? Vì ông ấy nắm bắt được tâm lý của trẻ con, hòa nhập vào được vào tâm hồn con trẻ. Không phải ai cũng viết được cho trẻ con. Như tôi, tôi hoàn toàn không phải là người viết cho trẻ con. Tôi chỉ viết cho tôi. Thuở bé tôi là một cậu bé, vì thế tôi gặp tất cả các em thiếu nhi và người ta cứ tưởng tôi là nhà văn viết cho thiếu nhi.
Sau này, chị Lê Phương Liên đặt tôi viết một cuốn sách cho trẻ con là cuốn Đảo chìm và tôi có ý thức viết cho trẻ con thật. Tôi viết thành những mẩu ngắn như mẩu chuyện, gộp lại thành cuốn tiểu thuyết, rất độc đáo. Nhưng đến nửa chừng, tôi lại nhận ra rằng hình như không phải mình viết cho trẻ con, mặc dù cuốn sách đã in đến lần thứ 37 rồi, số lượng in rất lớn, ở nhiều nhà xuất bản khác nhau… Theo tôi, viết cho trẻ con rất khó.
* Để viết cho trẻ em thì phong cách phải như thế nào thì mới phù hợp với lứa tuổi?
- Hãy nghe chia sẻ của nhà thơ Huy Cận. Ông từng bảo, để viết cho trẻ con, người lớn phải hiểu rất nhiều thứ, hiểu được cả người lớn, hiểu được cả trẻ con. Bởi bất cứ đứa trẻ con nào cũng là một người lớn đang trưởng thành và trong bất cứ một người lớn nào cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi cả. Một tác phẩm mà trẻ con đọc cũng thích và người lớn đọc cũng thích. Đấy mới đúng là tác phẩm viết cho trẻ con. Có những tác giả mà thuở bé, người ta đọc đã thích rồi, càng già, đọc lại càng thích, ví dụ như Andersen. Đấy là ông ấy viết cho trẻ con đấy chứ. Nhưng ngay cả nhiều nhà văn cũng nghĩ rằng viết với trẻ con là bước tập dượt để đến với người lớn thôi, ngay cả nhà văn Lev Tolstoy vĩ đại mà còn phê phán Andersen cơ mà. Ông bảo truyện Andersen thật tuyệt vời nhưng có một sai lầm là đã mang tất cả những điều sâu sắc ra bàn với trẻ con, mà trẻ con nó chẳng biết cái gì cả.
Thế trẻ con có thật không biết không? Biết chứ. Ngay từ thời tôi còn bé tí tôi cũng có trẻ con tí nào đâu, tôi biết hết đấy. Ở nước ngoài, người ta đánh giá rất cao trẻ con, thậm chí nhìn trẻ con đầy kính trọng. Còn chính chúng ta đang ngô nghê hóa trẻ con. Cứ tưởng ngô nghê là viết cho trẻ con - thế là hoàn toàn sai. Trẻ con có ngô nghê thế đâu.
Nhiều năm tôi là giám khảo UPU, đề của họ thế này: Hãy thử tưởng tượng em là trợ lý của Tổng thư ký Liên hợp quốc, vậy trong muôn vàn việc bây giờ, em thấy việc nào mà em cho là quan trọng nhất cần phải gợi ý để Tổng thư ký Liên hợp quốc cần phải giải quyết ngay. Đề tài thế như thế chẳng hạn và hàng triệu em thiếu nhi VN ở các lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở xuống đường giúp Tổng thư ký Liên hợp quốc. Nhiều bài viết rất sâu sắc.
Có lần trao đổi với cá em ở một trường. Khi bàn về đời sống cho thiếu nhi, có em bảo là: Người ta toàn nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” - câu này nổi tiếng khắp, nhưng theo cháu, nói thế thì chỉ quan tâm đến cái ngày mai chứ không để ý đến hiện tại? Thế ngày mai có thể nó đến hoặc có thể nó không đến, hoặc cũng có khi nó đến thì khi đó chúng cháu đã già mất rồi, thì làm sao chúng cháu hưởng được. Còn hiện tại chúng cháu có gì? Đến một chỗ rất đơn giản là sân chơi thôi mà tại sao người lớn nghĩ ra nhiều cái diều đẹp như thế, đủ các chủng loại diều để kinh doanh với trẻ con nhưng lại không cho trẻ con một chỗ chơi diều. Có bạn phải nhảy lên tầng thượng để chơi diều để rồi ngã xuống chết. Có bạn lại đá bóng ngay trên đường phố lại bị xe cán què chân. Vậy tại sao lại cứ vì tương lai trẻ con mà lại không vì hiện tại. Chúng cháu chỉ cần hiện tại thôi, chứ tương lai là những cái tự chúng cháu sẽ làm ra.
Ví dụ như thế chẳng hạn. Đấy trẻ con nghĩ thế đấy.
* Vậy theo ông, trong bối cảnh bùng nổ phát triển của rất nhiều sáng tạo dành cho trẻ em hiện nay thì sự ra đời của một giải thưởng nghệ thuật dành cho trẻ con như giải Dế Mèn mang ý nghĩa như thế nào?
- Tôi cho rằng rất thú vị, rất cần thiết để khuyến khích những người sáng tác. Chị Lê Phương Liên là Phó chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi nhiều lần kêu với chúng tôi tại sao những tác giả viết cho trẻ con ít được quan tâm. Vừa rồi, Hội Nhà văn Việt Nam phải đặc cách cho những tác giả viết cho trẻ con. Báo Văn nghệ trước có trang thơ văn cho thiếu nhi, nhưng giờ không còn. Tôi nghĩ rằng có được giải thưởng này là cách tốt nhất khuyến khích phong trào sáng tác cho các em và tôi tin từ đây sẽ xuất hiện rất nhiều những Nguyễn Nhật Ánh, những Nguyễn Hoàng Sơn, những Đặng Hấn, những Vương Trọng và nhiều tác giả khác nữa.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Yên Khương (thực hiện)
loading...