loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Gần 2 thập kỷ nay, nếu phải kể một “thương hiệu” văn chương Việt Nam vừa đẳng cấp vừa ăn khách thì không thể trượt được Nguyễn Nhật Ánh. Ông vừa ấn hành tập truyện dài Cây chuối non đi giày xanh với số lượng 15 vạn bản bìa mềm (110.000 đồng/cuốn) và 2 vạn bản bìa cứng (220.000 đồng/cuốn). Đây được xem là số lượng in lần đầu khổng lồ với một ấn phẩm văn học khi trung bình mỗi đầu sách chỉ dám in khoảng 1% số đó (2.000 bản).
Có thể nói trong nhiều năm qua, Nguyễn Nhật Ánh là hiện tượng văn học duy nhất tại Việt Nam có lượng sách in lần đầu lên đến cả trăm ngàn cuốn. Mỗi lần Nguyễn Nhật Ánh ra mắt tác phẩm mới đều trở thành một sự kiện được đón chờ không chỉ của người đọc mà còn của giới phát hành sách.
Tạo ra những “ngoại lệ” về phát hành
Được biết, trước khi sách của Nguyễn Nhật Ánh được đưa đến nhà in, NXB Trẻ đã nắm trước được số lượng cần in mà thị trường cần. Bởi NXB Trẻ đã chào hàng trước đó và luôn nhận được con số đặt hàng khủng từ các đơn vị phát hành.
Lâu nay, các cá nhân hay các đơn vị xuất bản thường ký gửi sách cho đơn vị phát hành. Sách bán được bao nhiêu thì nhà phát hành sẽ thanh toán lại sau, sách tồn kho thì trả lại. Điều này khiến các đơn vị xuất bản không dám in số lượng nhiều nếu tác giả ít có thương hiệu. Thường thì, các đơn vị xuất bản khi nhận thấy tác phẩm có giá trị ký hợp đồng với tác giả in thành sách, nhưng để thăm dò thị trường họ chỉ dám in số lượng nhỏ, nếu sách bán được mới in nối bản hoặc tái bản. Điều này đề phòng sách bán chậm bị chôn vốn dẫn đến thua lỗ.
Một nguồn tin riêng cho biết, với sách của Nguyễn Nhật Ánh, đơn vị xuất bản thường thu hồi vốn rất nhanh, thậm chí là thu tiền trước khi giao sách cho nhà phát hành. Lâu nay vẫn diễn ra hiện tượng: các nhà phát hành chiếm dụng vốn của các đơn vị xuất bản. Khi mà sách đã bán hết rồi nhưng các nhà phát hành vẫn không chịu trả tiền cho cá nhân, đơn vị xuất bản; còn các đơn vị xuất bản thì không dám đòi vì lệ thuộc quá nhiều vào nhà phát hành. Nói thế để thấy, sách của Nguyễn Nhật Ánh được đơn vị làm sách thu tiền trước khi giao sách cho nhà phát hành là một ngoại lệ mà không phải tác giả nào cũng đủ thương hiệu để tạo nên “vinh hạnh” này.
Thương hiệu Nguyễn Nhật Ánh còn nhận biết được khi sách của ông xuất khẩu ra nước ngoài qua các bản dịch tiếng Anh, Nga, Thái Lan, Nhật Bản… Tác phẩm của các nhà văn Việt Nam vẫn được dịch ra nhiều ngoại ngữ, song là để giao lưu văn hóa chứ ít vì mục đích thương mại. Với sách của Nguyễn Nhật Ánh, ngoài yếu tố giao lưu văn hóa còn có mục đích thương mại khi đọc giả một số quốc gia tìm mua để biết được nhà văn ăn khách nhất Việt Nam viết ra sao.
“Giá trị gia tăng”
Thương hiệu của Nguyễn Nhật Ánh còn được cộng thêm thi các nhà làm phim trong nước tìm đến. Ngoài bộ phim dài tập Kính vạn hoa chuyển thể từ tác phẩm cùng tên được phát nhiều lần trên truyền hình, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua của Nguyễn Nhật Ánh cũng giúp nhà làm phim mang về doanh thu triệu đô la. Các truyện Mắt biếc, Thiên thần nhỏ của tôi, Bảy bước tới mùa Hè… cũng được các nhà làm phim đánh tiếng và thương thảo ký hợp đồng.
Để một tác phẩm văn học có thể chuyển thành phim với điều kiện làm phim ở xứ ta như hiện nay thì không phải cứ hay là dựng được. Ví dụ tác phẩm Bãi vàng, đá quý, trầm hương của tác giả Nguyễn Trí đã được một Việt Kiều mua bản quyền làm phim nhưng đến giờ này vẫn chưa khởi động. Nguyễn Trí cho biết: “Để làm phim này phải thực hiện nhiều cảnh quay rất tốn kém như trong truyện tôi viết mới mong chuyển tải được hồn cốt của câu chuyện. Có lẽ nhà làm phim ngại khi bỏ ra số tiền quá lớn nhưng chưa thấy được hiệu quả thu về nên họ ký hợp đồng với tôi xong im re. Đến giờ này thì hợp đồng đã hết hạn”.
Các truyện của Nguyễn Nhật Ánh đa phần viết về tuổi thơ, như trong Cây chuối non đi giày xanh cũng vậy, làng quê và các câu chuyện tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh rất quen thuộc với nhiều người và khá thuận lợi khi dựng thành phim vì ít cảnh quay tốn kém. Quê hương Quảng Nam và tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh đi vào các tác phẩm của ông với một tầm khái quát cho tất cả các làng quê miền Trung, đến độ khi phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được quay ở Phú Yên thì người xem vẫn không thấy khác gì. Một “giá trị cộng thêm” nữa khi tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được dựng thành phim, đó là đánh thức một vùng du lịch. Phú Yên vốn là vùng trũng về du lịch nhưng nhờ có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, du khách đổ về vùng đất này khiến nhiều hôm không thể tìm ra phòng khách sạn để lưu trú.
Có thể nói, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ giúp bản thân khi viết sách, ông còn giúp nhiều người khác kiếm được nhiều tiền thông qua tác phẩm của mình. Ông còn mang về danh tiếng cho đơn vị xuất bản.
Nhà văn không biết đến tiền
Nhưng lạ một điều, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại không quan tâm đến chuyện tiền dù ông là “thương hiệu triệu đô” và cũng là người giúp người khác kiếm được nhiều tiền như thế. Tất cả các tác phẩm của ông khi giao dịch với các đơn vị xuất bản ông đều giao hết cho chị Tiếng Thu – vợ ông, còn bản thân chỉ tập trung vào mỗi việc viết và viết. Ngay cả khi tác phẩm được dựng thành phim, ông không để ý đến tiền nong như thế nào. Nhà văn không quan tâm đến tiền tác quyền nhưng ông lại rất quan tâm đến người đọc sách và xem phim của mình.
Trong việc thương thảo hợp đồng với các nhà làm phim, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ủy thác cho NXB Trẻ làm việc với đối tác cho các tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc. Nhà văn cho biết, ông chỉ muốn tập trung cho việc viết, hơn là bị chi phối vào những con số bạc tiền; mà chuyện tính toán không phải là chuyên môn của ông.
Dù sách in trăm ngàn bản mỗi tác phẩm, được chuyển thể thành phim có doanh thu khủng… nhưng khi nói đến thu nhập của nhà văn, Nguyễn Nhật Ánh cười tươi: “Không phải vì hợp đồng kinh tế không được tiết lộ con số, nhưng nói thật lòng là mình không nhớ mình được bao nhiêu tiền khi in sách rồi sách được làm phim. Thậm chí, mình cũng không rõ trong túi mình có bao nhiêu tiền nữa”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng tâm sự rằng dường như có một đứa trẻ thơ tồn tại bên trong con người ông.
Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
loading...