Nguyễn Huy Tưởng nối dài vẻ đẹp Thăng Long
Cuộc tọa đàm Nguyễn Huy Tưởng với Hà Nội sáng 24/9 tại trụ sở Hội Nhà văn VN (phối hợp tổ chức cùng NXB Kim Đồng, Viện Văn học) thu hút đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu. Có 24 tham luận gửi tới, 13 tác phẩm đã trình bày, khẳng định tầm vóc Nguyễn Huy Tưởng - một nhà văn lớn.
Đều lấy bối cảnh Thăng Long
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng |
Cuốn Hà Nội dấu xưa 640 trang mà NXB Hội Nhà văn xuất bản đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, hiển hiện văn tài hiếm có của Nguyễn Huy Tưởng khi viết mảng đề tài lịch sử. Các tác phẩm quan trọng nhất của ông: từ tùy bút, tiểu thuyết, kịch, truyện phim, cổ tích, truyện thiếu nhi đều lấy bối cảnh Thăng Long, ký thác tấm lòng thiết tha gắn bó, tình yêu lớn lao cho Thăng Long - Hà Nội. Người đọc hiểu về Thăng Long từ thời An Dương Vương, tới thời Trần, Lê sơ, Lê mạt, cuộc kháng chiến chống Pháp bảo vệ Thủ đô thế kỷ XX là nhờ các tác phẩm của một người Hà Nội kiệt xuất - Nguyễn Huy Tưởng.
Hà Nội dấu xưa là nhan đề cuốn sách sinh thời ông muốn viết, song bệnh ung thư gan mang ông đi ngày 25/7/1960. Sau 50 năm, nhan đề ấy là tập hợp tác phẩm ông in trên Tri Tân (tạp chí chuyên khảo cứu lịch sử). Đó là hai tiểu luận viết cuối năm 1941: Hội nghị Diên Hồng, Ý nghĩa việc thiên đô của Lý Thái Tổ trong lịch sử Việt Nam. Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì (1942), kịch Vũ Như Tô (năm hồi, 1943), An Tư (sau chuyển thể cải lương), Những người ở lại (kịch, 1948), Lũy hoa, Sống mãi với Thủ đô (tiểu thuyết mới viết được một tập thì ông qua đời, được in năm 1961 nhờ các bạn bè ông).
Bản tính hiền từ, khiêm nhã, Nguyễn Huy Tưởng không nói gì về mình. Chỉ khi con trai duy nhất của nhà văn - ông Nguyễn Huy Thắng công bố, thêm những bài viết của các đồng nghiệp cùng thời ông, chúng ta mới biết Nguyễn Huy Tưởng lớn bởi chính ý thức từ thời đầu đời văn nghiệp. Đây là cốt lõi, chìa khoá giải mã lý tưởng văn chương, lẽ sống của ông.
“Người viết lịch sử bằng văn chương”
Kiến văn uyên bác về lịch sử Thăng Long ngàn năm phô diễn sâu sắc và tầng lớp hàm ngôn, sinh động, lôi cuốn chúng ta hòa nhập vào không gian, bối cảnh của tác giả đến mức lưỡng phân: Không biết đâu là sáng tạo nhà văn, đâu là lịch sử. Tài năng bậc thầy, sự tinh tế và tấm lòng tha thiết qua từng câu thoại, từng chi tiết, mỗi nhân vật hiển thị chan chứa lòng yêu nước, nhân cách, phẩm tiết tốt đẹp. Cho dẫu loạn li, chiến tranh, hỗn cảnh nào vẫn toát lộ và ngời sáng. Công chúng không chỉ được cung cấp kiến thức, dữ liệu mà nhìn thấy lịch sử dân tộc qua trục Thăng Long ở các thời kỳ. Giá trị tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, càng qua thời gian càng vững chãi, một vị trí không thể thay thế.
Viết, làm phim, kịch về lịch sử VN rất khó. Nguyễn Huy Tưởng lao vào chỗ khó, mà viết tiểu thuyết, truyện lịch sử sống động vô cùng. Nhân vật của ông hóa thân thành hiện thực lịch sử, kịch tính, nghịch cảnh dẫn tới tâm trạng, hành động. “Văn sử bất phân” là biệt tài của nhà văn. May mà có “Nguyễn Huy Tưởng, người viết lịch sử bằng văn chương” (Đánh giá của nhà sử học Dương Trung Quốc). Đêm hội Long Trì làm phim, chuyển thể thành chèo, cải lương, đáng chú ý nhất là điện ảnh. Đạo diễn, NSND Hải Ninh cùng nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ năm 1989 đã viết kịch bản và đưa tiểu thuyết này lên màn bạc. Đây là một trong các tác phẩm xuất sắc nhất của ĐAVN.
Tuổi 18, khát khao lập nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng ghi trong nhật ký 19/12/1930: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi” và đến 16/6/1956: “Một nghề nghiệp cao quý biết bao là nghề viết văn. Đưa lại cho đời một bó đuốc không to thì nhỏ. Có nghề nào thú vị hơn nghề văn, nó lấy nguyên liệu chính là con người một cái gì đẹp nhất, toàn diện nhất, kỳ diệu nhất của sự sáng tạo?”
Nhà “Thăng Long học”
Nguyễn Huy Tưởng không chỉ viết về vẻ đẹp của kinh kỳ xa hoa, lộng lẫy, đầy ánh sáng, ông còn nhìn sâu vào những lầm than, cực nhọc của mảnh đất thông qua chính nó, qua những phận người. Ông là nhà “Thăng Long học”. Bao hoài niệm, hoài bão của chủ thể sáng tạo biểu thị gợi cảm, đa nghĩa, ấn tượng bằng cái tôi - thiên chức nghệ sĩ, biến Hà Nội và lịch sử đất này thành chất liệu thẩm mỹ. Hà Nội tự hào có một nhà văn như ông. Trân trọng và thân thương một con phố mang tên Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân từ năm 1995.
“Ông yêu Hà Nội, yêu những con người biết dám sống chết cho Hà Nội. Một con người, một nhà văn Hà Nội. Bất cứ cái gì đụng đến Hà Nội hôm qua, hôm nay và ngày mai, đều khiến ông xúc động và lo lắng. Cái đất khốn khổ này cần chúng ta hiểu thêm để yêu thêm, ông đã nói vậy” (Phạm Xuân Nguyên).
Nguyễn Huy Tưởng sống mãi với Thủ đô, bởi những trang viết tuyệt vời thấm tình máu thịt. Ông ra đi quá sớm. Nhưng những độc giả thế hệ sau sẽ còn đọc Nguyễn Huy Tưởng. Chuyện hơn 2.000 năm trước An Dương Vương xây thành ốc, Trần Quốc Toản 16 tuổi bóp nát quả cam, quyết Sát Thát diệt giặc Nguyên, nhờ mẹ thêu lá cờ 6 chữ vàng “Phá cường địch báo hoàng ân”, Kể truyện Quang Trung, hai anh em mồ côi Tìm mẹ, Con cóc là cậu ông giời ... tất cả còn in trí.
Mỗi lần qua Dục Tú, Đông Anh, tôi lại nhớ ông. Đây là quê hương Nguyễn Huy Tưởng, nơi xương cốt ông gửi lại từ 1989. Nghĩ về ông, ngậm ngùi cho cuộc đời ngắn mà đồ sộ của ông, một người viết văn đầy cốt cách chí sĩ.
Ai trong chúng ta đã đọc hết tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng: 4.200 trang kịch và văn xuôi, 1.700 trang nhật ký? GS Phong Lê nhận định: “Qua Nguyễn Huy Tưởng, hiện lên một hành trình của văn học VN hiện đại, tương ứng với lịch sử nhân dân, lịch sử dân tộc”. Không chỉ tương ứng, mà còn tái hiện lớp lớp quá khứ, dự cảm tương lai.