"Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược" - Những bài báo hấp dẫn, bất chấp tính thời sự
(TT&VH) - LTS: Nhà phê bình Ngô Thảo - người vừa đoạt giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2012 - dù đã ngoài tuổi 70 và thường đi về giữa Việt Nam - Singapore để thăm khám, điều trị bệnh, nhưng ông vẫn luôn dành nhiều quan tâm sâu sát đến văn chương, nghệ thuật. Từ Singapore, ông gửi bài viết về bộ sách ký sự báo chí gồm hai tập Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược của tác giả Hoàng Thiên Nga.
TT&VH xin giới thiệu đến bạn đọc.
1. Mấy năm nay, riêng từ việc tuyển chọn các bài viết trên gần ngàn tờ báo và tạp chí, hàng năm đã có gần trăm cuốn sách được in. Đó là những bài báo thoát kiếp phù du, thường được xếp theo thể loại: phóng sự, bút ký, ký sự, tùy bút, tản văn, bình luận chính trị, văn hóa, xã hội…
Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược (NXB Hội Nhà văn, 2012) của Hoàng Thiên Nga, Trưởng ban Đại diện báo Tiền phong khu vực Tây Nguyên lại là tập hợp nhiều thể loại báo chí nhưng xuyên suốt một đề tài, đó là những gì đã và đang xảy ra ở vùng đất chị đang sống, vùng đất vô cùng hấp dẫn từ phong cảnh địa lý, lịch sử, bản sắc văn hóa đến chính trị, kinh tế, xã hội; bài toán khó giải giữa gìn giữ, bảo vệ và phát triển. Khai thác được hay không, nhìn thấy gì, thể hiện thế nào, bài viết có gợi được chú ý của dư luận hay không lại tùy thuộc khả năng phát hiện và diễn đạt, tình cảm và động cơ, là bản lĩnh của nhà báo.
Tác giả Hoàng Thiên Nga |
Đọc tập sách, có thể thấy, Hoàng Thiên Nga đã đạt được yêu cầu của một nhà báo mà cây bút phóng sự cự phách Nguyễn Đình Lạp từng đòi hỏi trong một bài giảng về báo chí từ những năm chống Pháp: Nhà phóng sự là phóng viên có biệt tài, có nhiều kinh nghiệm, có học vấn chắc chắn và hiểu nhiều vấn đề. Nhà phóng sự là người đào sâu vào vấn đề và đi tìm chân lý cho sự vật. Nhà phóng sự là một người có thể, bằng tác phẩm của mình, gây bão táp trong dư luận, góp phần cải tạo con người.
Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược gồm 60 bài ở tập 1 và 82 bài ở tập 2, gần 800 trang được chia làm 7 chương với nhiều cách tập hợp, nhưng đều là những câu chuyện cuốn hút của Tây Nguyên từ Người giữa muôn người, Tây Nguyên hùng vĩ với voi - rừng - đất - nước, Đại thụ trăm tuổi Ama Kông, Đi chơi với gió, Dưới chân Cư Yang Sin, Dòng sông chảy ngược… nơi con người từ ngàn đời sống dựa vào tự nhiên, tôn trọng và gìn giữ sự thiêng liêng của núi rừng, giờ vì tham vọng trước mắt mà khai thác cạn kiệt tài nguyên, tàn phá môi trường, cần cảnh báo về những hệ quả khó tránh…
Bìa bộ sách Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược |
2. Giữa những trang sách sôi động, độc giả vẫn dịu lòng với nhiều chân dung thú vị của những con người yêu quê hương nồng nhiệt, đem tài trí làm giàu, làm đẹp cho Tây Nguyên, những con người vượt lên số phận nghiệt ngã để mang niềm vui và hạnh phúc cho muôn người… Chính vì một Tây Nguyên đến nay vẫn còn ngổn ngang nhiều nghịch lý cần tháo gỡ, mà Hoàng Thiên Nga từng phải tự nhận rằng, tuy chống tham nhũng tiêu cực là chuyện chẳng thích thú gì, nhưng đó vẫn là một phần việc mà nhà báo trung thực không thể thoái thác.
Cuồn cuộn sức sống, sôi sục các vấn đề đang đặt ra trong dòng đời, xốc vác và quyết liệt khi cần thiết, tuyển tập bài báo vẫn nguyên vẹn sức hấp dẫn bạn đọc, bất chấp tính thời sự của nó. Tự bản thân bộ sách đã giới thiệu khá đầy đặn chân dung một nhà báo nữ thường trú ở vùng sâu vùng xa, bằng các bài viết của mình góp phần làm giàu đời sống báo chí cả nước. Hoàng Thiên Nga mặt khác còn là một nhà thơ có năng khiếu ca nhạc và giàu lòng từ thiện. Trung Thu vừa qua, giữa núi rừng Tây Nguyên, 1.700 trẻ em mồ côi, khuyết tật, nghèo khó đã được vui Tết Trung Thu và nhận quà, từ một trong chuỗi hoạt động thiện nguyện đã thành truyền thống mà hàng năm chị đều tổ chức và trực tiếp thực hiện. Toàn bộ nhuận bút và lợi nhuận từ hai tập sách Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược cũng được tác giả góp vào Quỹ học bổng Đọt Chuối Non dành cho học sinh và sinh viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khu vực. Tin vui là 1.000 bộ sách in đợt đầu đã được tiếp nhận hết và chuẩn bị tái bản.
Trong bài cuối tập sách, tác giả không giấu mơ ước như 600 năm trước Nguyễn Trãi từng ao ước: Làm sao để “trong thôn cùng, xóm vắng không có một tiếng hờn giận, oán sầu!”.
Nhà phê bình Ngô Thảo