A+ A A- Kiểu đọc sách

Năm Ngọ nói chuyện vẽ ngựa

07:44 31/01/2014
loading...


(Thethaovanhoa.vn) - Tết Giáp Ngọ này, sẽ là một thú chơi tao nhã nếu như ai đó treo trong nhà một bức tranh vẽ về con ngựa. Còn họa sĩ Đỗ Đức dù có những người chơi mang tranh vẽ ngựa của ông về treo để đón năm mới, nhưng ông vẫn dành cho mình một không gian tại nhà riêng treo tranh ngựa, cho những ai yêu ngựa có thể lui tới thưởng tranh.

Tết năm Ngọ, xông đất “Phòng tranh” ngựa của họa sĩ Đỗ Đức cũng sẽ là một thú vui không kém phần tao nhã. Phòng tranh tư gia này nằm khiêm nhường tại số 15B, ngõ 654 đường Lạc Long Quân, Quận Tây Hồ, Hà Nội. Đến đây khách xem tranh mà chủ yếu là bạn bè, những người yêu mến họa sĩ, yêu những nét vẽ về ngựa của ông sẽ được mãn nhãn với thú vẽ tranh, thưởng tranh ngựa trong tiết trời xuân mưa bụi lắc rắc.

Ở Việt Nam, nói đến người vẽ tranh về con ngựa phải nhắc đến danh họa đương thời Nguyễn Tư Nghiêm với tranh ngựa Thánh Gióng và ngựa trong bộ 12 con giáp. Bên cạnh đó còn có họa sĩ Lê Trí Dũng với những nét vẽ tượng trưng, hình ảnh con ngựa lúc nào cũng trong tư thế tung bờm, bung vó đầy khát vọng mạnh mẽ. Còn ở đất nước Trung Hoa lại nổi tiếng với ngựa của Từ Bi Hồng hùng dũng, khí thế hay ngựa của Hàn Cán đĩnh đạc, quyền quý.

Đỗ Đức không dám mạo muội so tài với bậc tiền nhân, càng không muốn lẫn mình với người khác mà bằng sự trải nghiệm của mình, ông vẽ thân phận của ngựa, rất gần gũi, dung dị. Bằng việc chọn màu tương quan như màu lam, trắng và gam vàng… họa sĩ đã tạo nên không gian thực sự yên tĩnh, bộc lộ thần thái của núi rừng Tây Bắc. Không quá nổi bật, ngựa của ông có lẽ không chỉ để ngắm mà còn hiển hiện hồn sống của cả núi rừng.

Ngựa của họa sĩ Đỗ Đức là con ngựa gắn với người, cho dù bức tranh chỉ có ngựa, không có người, mà vẫn thấy con người hiện ra sau hình dáng ngựa. Ngựa trên núi của ông là con ngựa nhẩn nha thồ hàng, chú ngựa đơn độc, đôi ngựa sóng đôi, con ngựa trầm lắng hay đàn ngựa trên bãi chợ…


Tranh của họa sĩ Đỗ Đức

Trong không gian rất riêng của mình, họa sĩ Đỗ Đức hồi tưởng: Năm 1973, khi cô con gái đầu lòng được 6 tháng, ông đi chuyến công tác Hà Giang lần đầu tiên. Ngày ấy ông làm báo ở Thái Nguyên, 6 năm sau ông về Hà Nội, công tác tại Nhà Xuất bản Dân tộc. Thời gian làm xuất bản, ông vẽ tranh để kiếm sống và chỉ vẽ vào ban đêm. Khởi đầu là những tranh cổ động, sau đó vẽ cả bưu thiếp…

Họa sĩ Đỗ Đức sinh năm 1945, tại xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, Thái Nguyên; tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội năm 1980. Những năm 90 của thế kỷ trước, những bức tranh miền núi của ông được người phương Tây rất ưa chuộng. Ông đã đạt Giải B triển lãm toàn quốc 10 năm ngành đồ họa; có gần 30 tác phẩm trong sưu tập Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam. Tác phẩm của ông cũng có trong sưu tập của bảo tàng Châu Á - Thái Bình Dương, Ba Lan và một số sưu tập mỹ thuật cá nhân ở nước ngoài.

Nếu có cơ hội làm bạn với ông, ta sẽ thấy bên cạnh Đỗ Đức họa sĩ là một Đỗ Đức nhà văn, nhà thơ với tấm lòng rộng mở, một Đỗ Đức luôn quan tâm, chia sẻ với khó khăn của mọi người, đầy thành ý khi dùng số tiền bán tranh dành tặng đồng bào nghèo xây nhà.

Họa sĩ Đỗ Đức vẽ rất nhiều tranh, chủ yếu bằng giấy dó, ông cũng từng có cả tranh khắc gỗ. Vài năm gần đây lại thể nghiệm với loại hình mới-tranh sơn dầu. Tuy vậy, ông vẫn luôn trung thành với chất liệu giấy dó bởi nó gần như người bạn đồng cam cộng khổ khi ông còn hàn vi.

Chia sẻ tâm sự của mình, họa sĩ Đỗ Đức cho biết: "Tôi vẽ khá nhiều về các con vật nhưng con vật thích vẽ nhất chính là con ngựa. Ngựa là con vật vô cùng đẹp, từ hình hài, màu sắc đến độ dẻo dai. Nó có đầy những tố chất mà con người luôn hướng tới".

Tranh ngựa của họa sĩ Đỗ Đức tạo được nét riêng biệt khiến ai đã từng xem tranh đều rất ấn tượng. Họa sĩ Lê Trí Dũng, người vẽ ngựa hơn 30 năm nay phải thốt lên rằng: "Hình tượng ngựa trong tranh Đỗ Đức rất mới và độc. Con ngựa trong tranh của Đỗ Đức không giống con ngựa béo tốt, quý tộc của Hàn Cán hay con ngựa chiến dũng mãnh, khí thế của Từ Bi Hồng ở Trung Quốc. Ngựa trong tranh Đỗ Đức là ngựa thồ chân ngắn, mình bé, bờm rộng. Nó mang sức mạnh dẻo dai, bền bỉ đậm chất ngựa Tây Bắc Việt Nam".

Họa sĩ Đỗ Đức “chào năm Ngọ” bằng triển lãm Ngựa trên núi diễn ra từ ngày 20/12/2013 đến 5/1/2014 tại Hà Nội. Triển lãm trưng bày 21 bức tranh vẽ ngựa ở vùng Tây Bắc này có thể coi là đã phô diễn hầu như toàn bộ cái tài vẽ ngựa của Đỗ Đức. Xem triển lãm, họa sĩ Bằng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trầm trồ: "Trong tranh Đỗ Đức, người với ngựa quện vào phong cảnh đá núi lạnh căm tạo cảm giác ngợp. Những bức tranh khiến người xem không những được thưởng ngoạn mà còn thấm cảnh, người và nỗi lòng của đồng bào vùng cao, nơi địa đầu Tổ quốc".

Họa sĩ Đỗ Đức vẽ ngựa đã hơn 30 năm, song hầu như không bức tranh nào giống bức nào. Mỗi con ngựa của Đỗ Đức dù là nhân vật trung tâm hay chỉ tô điểm cho bức vẽ đều mang những nỗi niềm. Chúng có khi đứng một mình lọt thỏm giữa mênh mang sắc xanh bàng bạc khắp sơn khê (bức Mùa Xuân), có khi lại cùng với người như những người bạn đồng hành, nương tựa vào nhau để khỏa lấp sự cô đơn. Người gùi măng, sắn nặng trĩu, ngựa thồ củi lún lưng. Cả hai cùng chúi đầu, lầm lũi bước đi trong chiều sâu hun hút của điệp trùng đá núi và hoa tam giác mạch (như trong bức Dặm trường, Chiều muộn). Hình tượng những con ngựa phiền não đứng giữa đám đông dân bản cười nói khiến nhiều người thấm thía (bức Chợ phiên) lại tạo nên thần thái riêng, như biểu đạt cảm xúc của con người.

Họa sĩ Đỗ Đức là người say nghề, cứ có cơ hội là ông lại xách ba lô lên đường. Mà điểm đến ông chọn thường là những vùng núi non, nơi có đồng bào dân tộc sinh sống. Mỗi lần đi miền núi ông đều cố gắng thu tất cả vào tầm mắt hoặc phác thảo lại, có đôi khi chụp lại ảnh để ghi nhớ sau đó về nhà vẽ.

Riêng việc vẽ về ngựa, ông đã dành nhiều thời gian ngồi quan sát những hình thái, hoạt động, tìm ra đặc tính của từng loài ngựa trong đời sống. Ông không tạo hình tượng ngựa theo cách nghĩ chủ quan của mình mà muốn thông qua những con ngựa gắn với sinh hoạt đời thường để người thưởng ngoạn tự cảm nhận lấy hình tượng ngựa cho riêng mỗi người theo cách lý giải riêng của mình. Bởi đơn giản theo ông, cuộc sống thật vốn đã là triết học. “Người ta rút ra từ cuộc sống những qui luật tinh túy rồi tổng kết thành nguyên lý. Vậy sao phải vội định vị con ngựa theo chủ quan của mình mà không để hình ảnh ngựa tự nói lên điều đó?”- họa sĩ chia sẻ.

Trong năm Giáp Ngọ này, người họa sĩ say mê vẽ ngựa ấy dự định xây dựng một phòng tranh ”hẳn hoi” tại phố Ngọc Khánh để trưng bày tranh, lưu giữ và giới thiệu với bạn bè những tác phẩm mình tâm đắc. Ông cũng đang ấp ủ mở một cuộc triển lãm về giấy dó và xuất bản một cuốn sách về tranh trên giấy dó mà theo ông đó sẽ là những tác phẩm lớn, có thể dành trưng bày tại bảo tàng và hơn hết “đó như một cách quảng bá loại giấy truyền thống đặc biệt chất lượng, bền đẹp của người Việt với bạn bè quốc tế”.

Mỹ Bình - TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...