Múa rối 'Âm vang hồn quê' đón khách trong nước, quốc tế
(Thethaovanhoa.vn) - Nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19, các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã cho ra mắt chương trình nghệ thuật đặc sắc Âm vang đồng quê vào đêm 2/4, phục vụ khán giả yêu nghệ thuật múa rối trong nước và quốc tế.
Đây là chương trình mới, thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa các hoạt động du lịch từ 15/3/2022, kích cầu du lịch, mở lại các đường bay chào đón khách quốc tế đến Việt Nam.
Chương trình Âm vang hồn quê do NSND Nguyễn Tiến Dũng đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật. Tạo hình con rối: NSƯT Thế Khiển. Thiết kế mỹ thuật: Họa sĩ Ngô Thắng. Biên đạo: NSND Hồng Phong. Âm nhạc: NSƯT Duy Hòa, NS Mai Kiên, NSND Hạnh Nhân, NSƯT Đinh Linh. Biên tập: Minh Nhật.
Kết hợp rối cạn và rối nước
Háo hức, khát khao thưởng thức nghệ thuật trong điều kiện bình thường mới, khán giả Thủ đô đã đến rất đông. Tôi đưa các cháu đến khá sớm mà rạp hát đã kín chỗ. Nhân viên nhà hát phải bổ sung thêm rất nhiều ghế nhựa. Đêm diễn mang đến bao cảm xúc cho khán giả mọi lứa tuổi, nhất là các em nhỏ.
Nụ cười hồn nhiên vô tư của trẻ em thích thú, reo lên một cách sảng khoái, sung sướng với mỗi tiết mục hấp dẫn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi sau gần cả năm xa lớp, xa thầy cô, chỉ học trực tuyến. Tiếng vỗ tay không dứt.
Cả ê-kíp sáng tạo đã đưa công chúng trở về với hồn quê, chất quê đằm thắm vùng đồng bằng sông Hồng dung dị, thuần khiết bằng ngôn ngữ múa rối độc đáo, hấp dẫn. Ấn tượng nhất là sự kết hợp hài hòa giữa múa rối cạn và múa rối nước; cộng hưởng giữa âm nhạc, vũ đạo truyền thống với đương đại đầy chất thơ.
Khán giả mãn nhãn với là các tiết mục được dàn dựng công phu, tâm huyết, ấn tượng chỉ có ở ngôn ngữ múa rối, như Trống hội, Hát văn, Hầu đồng... cùng các trò cổ, tinh túy nhất của múa rối nước vốn được khán giả yêu thích, như Đánh đu, Chọi gà, Múa rồng, Cày cấy, Đánh cáo bắt vịt… Khán giả nhỏ tuổi đặc biệt thích tiết mục dàn nhạc bát âm do các con rối ngồi trên chiếu hoa thể hiện sinh động. Những âm sắc độc đáo được minh họa tài tình qua những động tác khéo léo của các con rối, tạo không khí vui tươi của một dàn nhạc cổ truyền. Tiếng cười sảng khoái rộ lên mỗi khi “nghệ sĩ” trong dàn nhạc bát âm vươn dài cổ cùng điệu nhạc.
Bằng âm nhạc, vũ đạo và mảng miếng đặc sắc của nghệ thuật múa rối, các tiết mục rối nước kết hợp với rối cạn như Ngày mùa, Đánh cáo bắt vịt… đã thể hiện hoạt động đồng áng thường ngày. Bức tranh ngày mùa vất vả “một nắng, hai sương” với hình ảnh quen thuộc “con trâu đi trước, cái cày theo sau”… Nhưng vượt qua những nỗi nhọc nhằn đó, các nghệ sĩ múa rối đã sáng tạo nên bức tranh đa sắc màu mà ở đó khán giả chỉ thấy sự ngọt ngào của tình người hiện lên giữa miền quê trữ tình với thiên nhiên trong sáng.
Những tiết mục tạo dấu ấn
Tiết mục Đánh cáo bắt vịt đã được dàn dựng lại một cách mới mẻ, thành tiết mục độc đáo, kết hợp cả rối nước và rối cạn, cộng hưởng ăn ý giữa con người với con rối đan xen diễn xuất tấu hài của nghệ sĩ múa rối. Hai ông bà yêu đàn vịt như yêu những đứa con của mình. Cuộc sống vốn yên bình ở chốn thôn quê, nhưng rồi con cáo gian ngoan xuất hiện luôn rình bắt vịt. Cảnh rượt đuổi của hai lão nông với cáo; cảnh con cáo bơi đuổi vịt, lúc chui vào bụi, lúc leo nhanh lên cây, vồ được vịt tha từ dưới nước lên cây... cho đến khi lão nông bắt được cáo đã khiến khán giả dõi theo sát sao cuộc đuổi bắt.
Phiên bản mới pha tấu hài tạo nên tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Khi hai nghệ sĩ ngâm mình trong nước diễn cùng đàn vịt và bắt cáo, cháu tôi cứ thương mãi: “Trời rét thế này hai cô chú ấy ngâm mình xuống nước như thế lạnh lắm bà ạ”. Câu hỏi của cháu làm tôi xúc động. Cháu không chỉ quan tâm trò diễn mà đã biết đồng cảm chính từ tính nhân văn từ nghệ thuật múa rối mang đến.
- Múa rối nước kết hợp múa rối cạn để kéo khán giả đến rạp
- Khán giả sẽ có những trải nghiệm mới về nghệ thuật múa rối
- Nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư, Bắc Ninh: Nghìn năm Kinh Bắc
Tiết mục Múa nón cũng khá đặc sắc, sáng tạo. Hình ảnh những chiếc nón quai thao tươi tắn, gần gũi được thể hiện từ trên cạn xuống nước đầy bất ngờ thành chiếc thuyền lung linh huyền ảo. Qua đó, hình ảnh các cô thôn nữ Việt Nam được các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam nhấn mạnh từ vẻ đẹp ngoại hình duyên dáng, rất đỗi dịu dàng đến phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó khiến tôi nhớ tới ca khúc Bài ca phụ nữ Việt Nam của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Như cánh lúa hiến cho đời bao sức sống”, “Yêu biết mấy những đôi bàn tay khéo léo/ Đã thêu gấm hoa vào nền non nước Việt Nam”.
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: “Với chức năng bảo tồn và phát triển, nhà hát luôn tìm tòi sáng tạo để có nhiều chương trình đặc sắc thu hút được sự quan tâm của xã hội. Các nghệ sĩ đã nỗ lực vượt diễn biến phức tạp từ Covid-19 để dàn dựng chương trình Âm vang đồng quê một cách chất lượng nhất. Nhà hát đã chắt lọc các tiết mục biểu diễn đặc sắc từng được dàn dựng, sưu tầm những trò diễn cổ của các phường rối, kết nối lại thành một chương trình và nâng cấp tạo hình con rối, âm thanh, ánh sáng, trang trí sân khấu, phục trang… để tạo diện mạo mới. Nhà hát cũng đã giới thiệu nghệ thuật dân gian độc đáo, đặc sắc phục vụ quý khán giả trong nước và quốc tế. Đồng thời chúng tôi có chính sách ưu đãi với các tổ chức, đơn vị đến thưởng thức tại nhà hát nhằm góp phần chương trình kích cầu du lịch và sự trở lại với khán giả yêu thích nghệ thuật”.
Hứa hẹn thu hút du khách quốc tế Với nhiều kinh nghiệm về du lịch quốc tế, bà Thanh Hà (Giám đốc Easy Way Travel) mong muốn tăng thêm phần hoạt động biểu diễn của những con rối, có các giới thiệu ngắn gọn về nội dung để khán giả quốc tế dễ hiểu hơn. Bà Hà đánh giá cao chương trình này vì sự phối hợp nhuần nhuyễn của âm thanh, ánh sáng, rối cạn, rối nước…, hứa hẹn sẽ nhận được sự hưởng ứng và yêu thích của du khách quốc tế. |
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng