'Mọt' Tam quốc (kỳ 6) - Phong vũ Kinh châu: Cột chống trời ngã ở Kinh Sở
(Thethaovanhoa.vn) - “Ngô dùng mẹo quỷ quyệt, Kinh Châu đổ mất, sao tướng tinh sa ở phận Ngu Đẩu, cột chống trời ngã ở xứ Kinh Sở” - đó là những lời chua chát của Khổng Minh, được ghi lại trong Tam quốc chí khi nói về kết cục của chiến dịch Tương - Phàn.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
Bước ngoặt để dẫn tới thảm cảnh ấy trước hết là sự trở mặt từ phía Đông Ngô với một loạt diễn biến dồn dập.
Bạch y độ giang
Nhận đề xuất từ phía Ngụy, Tôn Quyền quả nhiên đồng ý xuất binh đánh úp Giang Lăng và Công An trong thời điểm Quan Vũ tập trung tấn công Tương - Phàn, đồng thời yêu cầu Tào Tháo giữ kín tin này.
Tuy nhiên, Quan Vũ không hề ngồi yên ở Kinh Châu 10 năm qua. Để chuẩn bị Bắc phạt, ông đã xây dựng Giang Lăng thành một tòa thành kiên cố và lưu lại rất nhiều binh lực. Không đủ tự tin đánh hạ Giang Lăng trong một thời gian ngắn, đô đốc Lã Mông nghĩ ra kế xưng bệnh, lại để Tôn Quyền triệu mình về Kiến Nghiệp.
Chính ở thời điểm này, theo kế của Đổng Chiêu, Tào quân có một nước cờ rất khéo khi cố tình để lộ tin tức về ý định đánh úp Kinh Châu của Tôn Quyền. Theo tính toán ấy, nếu giữ bí mật như đề nghị của Tôn Quyền, tướng sĩ tại Tương - Phàn không biết tin tức vàrất dễ sinh biến. Hơn nữa,nếu Quan Vũ phải quay về giữ Giang Lăng, Phàn Thành sẽ tự nhiên được giải vây.
Thực tế, bắt được thông tin này Quan Vũ có tâm lý bán tín bán nghi. Trước mắt, chỉ thêm một bước nữa, quân Thục có thể lấy được Tương - Phàn, cơ hội không biết bao giờ mới quay lại nếu họ rút lui. Bởi vậy, để thăm dò phản ứng từ Giang Đông, Quan Vũ nghĩ ra kế lấy cớ vừa bắt được 3 vạn quân Tào, không đủ quân lương, nên sai người mở kho thóc ở Tương quan.
Tương quan là ải thông thương buôn bán do Ngô đặt trên ranh giới sông Tương giữa Ngô - Thục theo ước định năm đó.Tỏ ra mình vẫn hồn nhiên tin tưởng vào liên minh Tôn - Lưu, Quan Vũ không ngại ngần “lấy ít thóc” của đồng minh. Kỳ thực, đây là hành động khiêu khích và thăm dò phản ứng của Giang Đông.Nhưng, phía Đông Ngô vẫn rất khéo “sắm vai” trong màn kịch này.
Chẳng những không trách móc Vũ, Tôn Quyền còn để Lục Tốn lên thay Lã Mông. Việc lâm trận đổi tướng là đại kỵ của binh gia,thêm vào đó Lục Tốn trong mắt Quan Vũ vốn là người chưa hề có công trạng nổi bật và dễ gây tâm lý bất phục cho tướng sĩ. Chưa hết, vừa nhận chức đại đô đốc, Lục Tốn liền viết ngay thư gửi cho Quan Vũ với lời lẽ tâng bốc, đồng thời nhắc ông cẩn trọng trước việc Tào Tháo tăng cường viện binh cho Phàn Thành.
Không nghi ngờ nữa, Quan Vũ lập tức điều thêm một phần binh lực từ Giang Lăng đến chi viện cho vòng vây Phàn Thành. Thực tế, nơi đây vẫn lưu lại 3 vạn hàng binh của Tào quân, do đó lực lượng trấn thủ còn lại của Quan Vũ trên lý thuyết vẫn phải khá đông để đủ khống chế số quân này - thay vì dốc gần hết quân số cho “canh bạc” Phàn Thành như Tam quốc diễn nghĩa viết.
Nhưng Đông Ngô không thể mong cơ hội nào tốt hơn thế, Lã Mông lập tức từ Kiến Nghiệp quay về Tầm Dương, “giấu hết tinh binh của mình trong khoang thuyền, sai quân mặc áo trắng chèo thuyền, lính mặc y phục thương nhân, hành quân cấp tốc đêm ngày, đến đồ binh do thám mà Vũ đặt ven sông, bắt trói hết bọn họ”. Đây chính là nguồn gốc điển tích Bạch y độ giang (áo trắng sang sông) nổi tiếng.
Thật ra, kế Bạch y độ giang của Lã Mông mới chỉ giúp Đông Ngô không chế được lưu vực sông Tương để chuyển quân thuận lợi. Nhưng, đòn đau giáng xuống Quan Vũ, khi hai tướng trấn thủ của ông tại Công An và Giang Lăng là Phó Sĩ Nhân, My Phương lập tức đầu hàng.
Liền đó, Lục Tốn nhanh chóng dẫn quân bình định các huyện xung quanh. Quan quân của Thục lớp bị giết, lớp bỏ chạy, lớp ra hàng. Toàn bộ phần đất Kinh Châu của Thục gồm một nửa Nam quận và hai quận Linh Lăng, Vũ Lăng nhanh chóng rơi vào tay Đông Ngô.
Quan Vũ tuyệt mệnh
Mặc dù viện binh Tào Ngụy không ngừng đổ về, quân Tào cũng không thực sự đánh bại và cũng không chiếm được quá nhiều ưu thế trước Quan Vũ như mô tả trong Tam quốc diễn nghĩa.
Trước tiên, theo kế của Triệu Nghiễm, Từ Hoảng không lập tức giao chiến với Quan Vũ mà chỉ tiến đến sát vòng vây, bắn tin để khích lệ sĩ khí cho binh mã Phàn Thành, đồng thời vừa chờ nước rút, vừa chờ thêm viện quân.
Để đối phó với cánh quân Kinh Châu được Quan Vũ phái tới Yển Thành chặn đường, Từ Hoảng dùng kế vờ đào hào vây thành, dọa cắt đứt hậu quân khiến cánh quân này phải rút lui. Lấy được Yển thành, quân Tào tiến dần về trước, đối mặt với doanh trại của Quan Vũ.
Trong thời điểm đó, Tào Tháo liên tục tăng viện cho quân của Từ Hoảng, trước sau cả thảy 20 doanh. Khi binh lực đầy đủ, Từ Hoảng mới quyết định tấn công. Đó cũng là thời điểm nước lũ bắt đầu rút bớt, kỵ binh phương Bắc rốt cuộc có thể phát huy được ưu thế của mình.
Quân Thục chia làm 2 trại ở Vi Đầu và Tứ Trủng. Thoạt đầu, Từ Hoảng vờ đánh trại Vi Đầu khiến Quan Vũ phải tự mình tọa trấn ở đây, sau đó Hoảng ngầm đem chủ lực tấn công trại Tứ Trủng.
Vũ thấy đồn Tứ Trủng sắp vỡ, tự mình đem 5 nghìn quân bộ kỵ xuất chiến. Nhưng Tứ Trủng cũng vẫn là một hư chiêu khác, mục đích thật sự của Hoảng là mai phục, chặn đánh đội quân cứu viện của Quan Vũ. Lúc này Tào Nhân ở trong thành cũng chớp lấy thời cơ, phối hợp với Từ Hoảng phá vòng vây.
Rơi vào tình thế lưỡng đầu thọ địch, Quan Vũ buộc phải triệt thoái vòng vây ở Phàn Thành.Nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó, thủy quân Kinh Châu vừa triệt thoái nhanh chóng lập phòng tuyến trên Hán thủy, ngăn cản quân Tào.
Quân của bọn Tào Nhân, Từ Hoảng phần vì không có thuyền, phần vì không đủ sức cùng Vũ tranh phong trên sông nước nên đành lui về. Tương Dương vẫn chưa thể thoát khỏi vòng vây của quân Thục.
Chính ở thời điểm giằng co đó, những thông tin ban đầu về việc mất Kinh Châu đã đến tai Quan Vũ. Không chút do dự, Vũ lập tức triệt thoái binh mã quay về Giang Lăng với hy vọng có thể cướp lại nơi này. Đến lúc tận mắt thấy thành Giang Lăng bị Ngô chiếm mà không hề bị tổn hại gì, Quan Vũ hiểu rằngkhông thể làm nổi điều này với tình cảnh quân lương không còn đủ. Do vậy, ông ta đành chạy về Mạch Thành.
Được Tôn Quyền phái sứ giả đến chiêu hàng, Quan Vũ bày ra kế trá hàng, cắm cờ hiệu và tượng người trên thành rồi chạy về Phòng Lăng với hơn chục quân kỵ.Thực chất, vốn cạn lương thảo, trong khi từ Mạch Thành chạy về Phòng Lăng vốn là đường nhỏ, hành quân không thuận lợi, việc cần kíp trước mắt của Vũ là nhanh chóng rời khỏi vòng vây để bảo toàn tính mạng.
- 'Mọt' Tam quốc (kỳ 2) - Phong vũ Kinh châu: Hậu Xích Bích
- 'Mọt' Tam quốc - Phong vũ Kinh châu: Kinh châu về tay ai?
Nhưng địa thế Kinh Châu núi non bao bọc, dễ thủ khó công lúc này lại trở thành chiếc hũ lớn. Phía Bắc quân Tào đóng giữ Tương Dương, phía Đông là Giang Hạ của Ngô, phía Tây từ Giang Lăng đến Di Lăng đã bị Lã Mông khống chế, Tôn Quyền không khó để tính ra được Vũ chỉ còn một đường duy nhất có thể đi là men theo đường nhỏ lên Phòng Lăng, Thượng Dung ở Tây Bắc.
Rốt cuộc, bị Phan Chương, Chu Nhiên chặn đường, Quan Vũ bị bắt và giết chết, thân tại Kinh Châu mà đầu gửi Hứa Xương, di hận mãi ngàn năm.
Mượn dao giết người Theo Tam quốc chí, lúc Vũ rút khỏi Tương Dương, chư tướng bên Tào cùng bàn kế nhân lúc Vũ nguy cấp mà truy kích. Triệu Nghiễm lại một lần nữa đứng ra phân tích vấn đề. Ông ta nói Tôn Quyền sỡ dĩ nhún nhường là muốn để Quan Vũ cùng quân Tào tiêu hao lẫn nhau rồi mới ra tay đánh úp hậu phương của Vũ. Nay nếu truy kích Vũ, Quyền sẽ lại có cớ đổ lỗi cho quân Tào mà lại hòa với Thục, đó là kế mượn dao giết người, chi bằng để Vũ sống làm mối họa cho Quyền. Tào Nhân vì thế không truy kích Vũ, không bao lâu sau có sắc lệnh của Tào Tháo dặn không được đuổi bắt Vũ như lời Nghiễm đã nói. Thực tế, không thể áp dụng kế sách của mình, Tôn Quyền đành phải chiêu hàng Quan Vũ, rốt cuộc chọn cách xử tử ông, chuốc lấy mối thù lớn với nhà Thục. |
* Phong vũ Kinh Châu kỳ 7: Cờ sai một nước
Trần Tiến