Một 'hội quán' ấm áp cho cải lương
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu có một hôm bất chợt người ta muốn thưởng thức cải lương… Không phải rạp nào cũng có suất hát. Vậy thì có một địa chỉ để người ta tìm đến. Nhỏ gọn nhưng ấm áp, xinh xắn, thân thiện, đó là Hội quán Sân khấu Sen Việt tại lầu 1 số 5B Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM, do đạo diễn Nguyên Đạt đầu tư, và khai trương từ đêm 16/3/2021.
1. Giấc mộng cải lương chưa bao giờ dứt trong lòng Nguyên Đạt, nên anh cứ làm vở thể nghiệm, rồi đầu tư sân khấu mini Sen Việt. Vào cuối tuần, đêm thứ Bảy và Chủ nhật, Sen Việt có những vở dài mang đậm chất thể nghiệm như Truyền tích Cổ Loa xưa, Nhật thực, Án tình, Ngôi hoàng hậu… Nhưng từ thứ Hai đến thứ Sáu, hầu như cải lương mọi nơi đều đóng cửa, Nguyên Đạt chợt nghĩ tại sao không tận dụng sân khấu mini này để biến nó thành một “phòng trà” để người ta giao lưu cùng cải lương. Hoặc có thể gọi theo tên khác là cải lương cà phê. Đã có kịch cà phê, thì thêm cải lương cà phê, có sao đâu.
Thế là anh sắp xếp lại không gian, từ 100 ghế theo sân khấu truyền thống, chỉ còn lại khoảng 70 ghế nằm xen lẫn với những chiếc bàn nhỏ nhắn, xinh xinh do anh tự thiết kế, và mỗi chiếc ghế có vị trí thú vị để người ta có thể vừa ngồi uống nước và trò chuyện, vừa nhìn lên sàn diễn. Rõ ràng không gian đẹp và ấm cúng hơn. Với cự ly gần như thế có thể nhìn rõ từng diễn xuất của diễn viên, nghe rõ từng hơi ca, rất chân thật. Không bán vé, khách vào chỉ cần uống ly nước 50.000đ, và thưởng thức nghệ thuật. Thực tế, đó là cái giá quá rẻ so với thị trường.
Thật ra mô hình “cải lương phòng trà” đã từng được nhà báo Trần Anh Khoa thực hiện cách đây cả chục năm tại Tiếng Xưa, Nam Quang, WE, với toàn ngôi sao cải lương nhiều thế hệ. Nhưng ở đây, Nguyên Đạt làm theo cách khác. Anh muốn khán giả cùng được hát và giao lưu với nghệ sĩ, vì vậy anh mới gọi là Hội quán. Một sân chơi cho cả đôi bên.
Anh nói: “Khán giả cũng có nhu cầu hát cải lương, và có nhiều người hát rất hay, tôi muốn tạo đất cho họ. Bởi nếu người ta hát được thì người ta càng yêu cải lương, và sẽ giữ gìn cải lương trong mạch ngầm của dân tộc. Và nơi đây cũng là đất cho diễn viên trẻ rèn nghề, đào tạo đội ngũ kế thừa. Các em chưa nổi tiếng, chưa tìm được sàn diễn cho mình, thì tôi tặng các em mảnh đất này. Nếu không quan tâm đến thế hệ kế thừa thì cải lương lấy ai biểu diễn? Và không có những ngày chập chững thì lấy đâu trở thành ngôi sao? Mình chịu khó trồng cây thì mới có ngày hái quả, chứ đừng đòi hái quả ngay mà không muốn trồng và chăm sóc cực khổ”.
2. Nguyên Đạt còn là người thầy tại Trường Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM nên anh có rất nhiều học trò, chính vì vậy anh nâng niu từng gương mặt trẻ, gởi gắm bao kỳ vọng vào các em.
Có thể thấy cô đào Lệ Trinh xinh xắn được thầy đưa vào đêm diễn, hát vọng cổ, dân ca, cải lương đều được. Lệ Trinh còn được đóng vai chính trong nhiều vở của Sen Việt.
Khán giả bất ngờ với Ngọc Gấm 19 tuổi, sinh viên năm 1 của trường, vừa đoạt giải Triển vọng của cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc 2020. Cô diễn trích đoạn Thị Mầu bỏ con với tâm lý phức tạp của người mẹ, cho thấy một Thị Mầu đáng thương hơn là đáng trách, một Thị Mầu biết suy nghĩ cho tương lai của con trong bối cảnh phong kiến chứ không phải người hời hợt quăng con vu oan cho chú tiểu Kỉnh Tâm…
Cứ mỗi ngày, anh chọn vài gương mặt trẻ xen lẫn với các nghệ sĩ đã thành danh như Bình Tinh, Hải Yến, Thanh Thảo, Điền Trung, Hoàng Quốc Thanh…nhưng vẫn là lớp trẻ, để khán giả hài lòng.
- Nghệ thuật cải lương cần đổi mới để tồn tại và phát triển
- Vở diễn 'Cây gậy thần': Ngỡ ngàng cải lương lồng xiếc!
- Giải thưởng Trần Hữu Trang: Gian nan tìm lại thương hiệu cải lương!
Điểm thú vị ở đây là khán giả có thể cùng hát, thi thố khả năng. Trong đêm 16/3 có những kỹ sư, bác sĩ lên hát. Đêm 17/3, có anh Bảy là một doanh nhân với chất giọng trầm ấm tương tự nghệ sĩ Tuấn An, hát bài vọng cổ do chính anh sáng tác. Một gia đình 4 người ở tận Bình Chánh cùng bước lên sân khấu. Bà mẹ 70 tuổi hát liền tù tì 12 câu Phượng hoàng và 4 câu vọng cổ Huyền Trân công chúa làm khán giả xuýt xoa.Con gái Phương Linh thì hát trích đoạn trong vở Ánh sáng phù du với chất giọng chuyên nghiệp bất ngờ. Thú vị nhất là có 3 khán giả trẻ bay từ Quy Nhơn vô xem liên tiếp 2 đêm. Một đêm mà khán giả và diễn viên hòa vào nhau, nhận ra mình đang có dòng chảy ngầm trong máu không dễ gì quên bỏ.
Đạo diễn Nguyên Đạt cũng không quên dành một chút đất cho khán giả trẻ. Nếu ai muốn sinh động thì cũng có bolero và nhạc trẻ xen vào. Thôi thì, Hội quán vẫn là của cải lương, vẫn đem đến một không gian khác biệt. Người ta thích mô hình này bởi tuy có phần giống các quán “Hát với nhau”, nhưng nó không xô bồ, vì không có ăn nhậu, suồng sã, nó vẫn giữ được sự thanh lịch cần thiết cho nghệ thuật. Ngay cả âm thanh, ánh sáng, màn hình LED được “ông bầu” Nguyên Đạt chăm chút rất đắt tiền, công phu, như một sân khấu thực sự chứ không phải cái “quán”. Anh thực tâm muốn dành nó cho những người yêu văn hóa, khi thèm cải lương họ có nơi để bước vào.
Hoàng Kim