loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 29/1, Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra tại khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội trong không gian ngập tràn sắc màu văn hóa truyền thống.
Ngày 25/1, tại buổi thông tin về Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định, những trường hợp "ông đồ" vi phạm quy định của Ban tổ chức sẽ bị đình chỉ tại chỗ và đình chỉ vĩnh viễn, không còn cơ hội tham gia sự kiện văn hóa này.
60 người viết thư pháp Hán – Nôm và Quốc ngữ cùng tụ hội về Hội chữ Xuân thỏa sức thể hiện nghệ thuật viết thư pháp, mang đến cho công chúng những bức thư pháp đẹp, chứa đựng nhiều ước nguyện tốt lành để đón năm mới Kỷ Hợi. Những “ông đồ”, “đại lão” thư pháp, hoặc người đã trải qua các vòng khảo tuyển của Ban tổ chức, đảm bảo trình độ viết đẹp, viết đúng. Sức hấp dẫn của Hội chữ Xuân Hà Nội không chỉ dừng lại ở Hà Nội mà còn lan tỏa đến nhiều tỉnh thành khác. Không ít “ông đồ” ở các tỉnh xa cũng khăn gói về Hà Nội để viết chữ, cho chữ phục vụ nhân dân Thủ đô và du khách. Nhưng hơn cả, các “ông đồ” mong muốn thể hiện tài năng trong một sân chơi giàu ý nghĩa, góp phần giới thiệu di sản thư pháp đến đông đảo nhân dân.
“Ông đồ” Lại Thế Hùng, Câu lạc bộ Hán Nôm Quần Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định chia sẻ: Ông cha thời xưa thường dùng chữ Hán ghi chép lại những sự kiện lịch sử nên sách lịch sử, bia ký, văn tự, thần phả và tên tuổi cũng bằng chữ Hán. Sau này người Việt Nam sử dụng chữ Quốc ngữ nhưng chữ Hán, Nôm đã in rất sâu vào tâm thức của các thế hệ người Việt. Nhiều người vẫn coi trọng chữ Hán - Nôm và thấy cần phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy vốn cổ. “Ông đồ” Lại Thế Hùng cũng cho rằng, người dân thường có thói quen đầu năm đi lễ chùa, xin chữ cầu may để công việc được thuận lợi, học hành tiến bộ, đó là nét văn hóa đẹp.
Chữ Quốc ngữ cũng đang được nhiều người nâng tầm thành nghệ thuật thư pháp, nhất là người trẻ. “Ông đồ” Vũ Thành Như, Câu lạc bộ Bút nam hồn Việt cho rằng, anh sinh ở thời kỳ chữ Quốc ngữ là phổ biến nên anh chỉ cần chuyển thể bình thường sang thể thư pháp. Theo anh, thời xưa các cụ viết chữ Hán – Nôm, ngày nay chúng ta sử dụng chữ Quốc ngữ nên cũng cần trân trọng chữ Quốc ngữ. Với người có tới 17 năm cầm bút lông như anh, khi học viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ anh chỉ cần 2 năm là có thể viết được bức thư pháp đẹp.
Nhiều người đánh giá, Hội chữ Xuân là hoạt động văn hóa mang lại nhiều cảm xúc những ngày đầu năm mới. Hội chữ được tổ chức trong một không gian được bài trí, sắp đặt tinh tế, đẹp mắt, tạo sức hấp dẫn lớn. Không chỉ có các gian hàng của “ông đồ” viết chữ mà Hội chữ Xuân còn có triển lãm thư pháp, khu vực trưng bày sản phẩm nghề thủ công truyền thống, trò chơi dân gian cùng nhiều hoạt động khác. Ngay trong lễ khai mạc Hội chữ Xuân, rất đông người đến tham quan, thưởng lãm thư pháp và xin chữ.
Cùng con gái đến Hội chữ Xuân, anh Kiều Việt Đức, trú tại đường Trương Định, phường Giáp Bát, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội mong muốn con mình giữ được nếp sống cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Anh cũng mong muốn Hội chữ Xuân có thể truyền bá văn hóa thư pháp đến thế hệ trẻ, bởi thư pháp không chỉ là hoạt động thư giãn mà có thể nâng cao trí tuệ và đó cũng là cách gìn giữ văn hóa dân tộc hiệu quả.
Hội chữ Xuân Kỷ Hợp 2019 diễn ra đến hết ngày 17/2 (tức 13 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) dự kiến sẽ thu hút hàng vạn du khách.
TTXVN/Đinh Thuận
loading...