'Love Story' - tuyệt phẩm từ một cơn giận dữ
(Thethaovanhoa.vn) - Đến giờ này, có đến hàng triệu người thuộc nhiều thế hệ đã nằm lòng những giai điệu của bài hát (Where Do I Begin) Love Story mà thậm chí chẳng cần phải xem qua bộ phim kinh điển này. Đây là một trong những bài hát nhạc dành cho phim mà số phận của nó lại không cần phụ thuộc vào bộ phim nó thuộc về.
>>> Nghe những nhạc phẩm bất hủ tại đây
Mùa Đông năm 1970, khi bộ phim Love Story được phát hành thì nó lập tức trở thành một chứng cuồng, một quả bom tấn làm nổ tung mọi kỷ lục trước đó về doanh thu.
Một trong những nguyên nhân khiến bộ phim tình cảm ướt át này được yêu mến đến vậy là nhờ phần nhạc của bộ phim đã xâm chiếm hết cảm xúc của công chúng.
“Không cần lời, chỉ cần giai điệu”
Đó là tuyên bố của ông chủ hãng phim Paramount khi giao đề bài cho nhạc sĩ người Pháp, Francis Lai, người có trách nhiệm soạn nhạc cho bộ phim chuẩn bị công chiếu, Love Story.
Lúc ấy là năm 1970 và Francis Lai đang là một trong những nhà soạn nhạc phim hàng đầu thế giới với rất nhiều bài hát trong những bộ phim hoa tình như Bilitis, Emmanuelle rất được yêu thích.
Oliver và Jenny, hai nhân vật làm nên thiên tình sử Love Story
Francis Lai được mệnh danh là ông vua sướt mướt. Nghe nhạc ông, không bùi ngùi thì cũng thơ thẩn, rất dễ bị ám bởi những giai điệu quẩn quanh. Stanley Jaffe, Chủ tịch hãng Paramount tuyên bố với mọi người rằng ông chỉ cần những giai điệu không lời của Francis Lai cùng với hình ảnh diễm lệ của bộ phim nói về một cuộc tình đẹp và đau đớn là đủ.
“Tôi muốn ám vào đầu công chúng giai điệu bài hát và hình ảnh bộ phim chứ không cần bất cứ một lời hát nào làm trôi tuột đi tất cả” - Jaffe tuyên bố và mọi việc được thi hành như mệnh lệnh.
Nhạc sĩ Francis Lai sớm giao bài và quả thật, ông không làm thất vọng những mong chờ. Bài nhạc chủ đề Love Story được cả hãng Paramount vỗ tay chúc mừng vì có giai điệu quá đẹp với dòng giai điệu như tuôn chảy từ trái tim, như cửa sổ mùa Thu đón chào nắng mới, có một nỗi buồn xen lấn nhưng lại dịu ngọt và tan chảy chậm rãi. Trên nền nhạc ấy, cuộc tình của hai nhân vật chính, Oliver và Jenny, bỗng lung linh như cổ tích, như thể cái chết không xóa nhòa được sự tận hiến, đúng với tinh thần “Yêu là không bao giờ nói lời hối hận”.
Và đúng như dự đoán của mọi người, ngày 16/12/1970, khi bộ phim Love Story chính thức phát hành thì nó đã xô đổ mọi kỷ lục và trở thành bom tấn của năm. Cùng với đó, bài nhạc trong phim được yêu thích một cách đặc biệt. Tất cả các đài phát thanh đều được yêu cầu phát đi phát lại phần biểu diễn của dàn nhạc Henry Mancini.
Và một chuyện đã xảy ra, một loạt ông chủ của các hãng đĩa gọi điện về cho Paramount yêu cầu được biến bài nhạc này thành một ca khúc có lời. Họ nói rằng đang có một loạt các ca sĩ gạo cội yêu cầu được hát bài hát trong phim và nếu yêu cầu bị từ chối thì họ sẽ làm căng.
Ba ngày sau khi công chiếu, Marvin Cane, Tổng giám đốc của Famous Music, công ty phụ trách về phần âm nhạc của Paramout, hộc tốc gõ cửa phòng ông chủ tịch và chỉ cần nói đúng hai câu “Ông chủ, chúng ta cần cho bài hát này thêm phần lời. Bên ngoài căng quá, một loạt nghệ sỹ đang xếp hàng”.
Đăm chiêu suy nghĩ giây lát, ông trùm Stanley Jaffe gật đầu đồng ý với điều kiện, bài hát này chỉ được phát hành sau nhiều tuần nữa bởi ông vẫn không muốn bộ phim và phần nhạc tuyệt vời của Francis Lai bị ảnh hưởng.
Nghe xong “thánh chỉ”, Marvin Cane lập tức chạy ngay ra khỏi phòng. Lúc này trong đầu ông chỉ hiện lên 1 cái tên duy nhất, Carl Sigman, người khả dĩ nhất có thể cho ông một phần lời bất hủ.
Khó nhằn
Carl Sigman nhận lời ngay. Ông vốn là dân chuyên nghiệp. Sự nghiệp của ông gắn liền nhiều bài nhạc phim phổ lời rất nổi tiếng như Till, What Now My Love… nhưng mấy năm nay ông bị lãng quên và không có bài hát nào thành hit.
Marvin Cane đưa phần kịch bản của bộ phim cho Sigman và nói rằng đây là một bộ phim sướt mướt nên phần lời cũng phải như vậy, càng buồn càng tốt, còn “viết kiểu gì thì tùy ông”.
Trong vòng một ngày, Sigman đã viết xong lời bài hát.
Bài hát có tựa đề Jenny - A Love Story (Jenny – Một câu chuyện tình). Bao trùm bài hát là một nỗi buồn được tả qua sắc lá tháng 4 với những chiếc lá rơi buồn bã. Đó là tâm trạng của chàng trai Oliver ngồi chờ đợi Jenny khi nhớ lại những hơi thở ngọt ngào của Jenny đã bỏ lại phía sau. “Nàng đến và ra đi như những cơn mưa mùa Hè, như chiếc lá vô tình chạm vào tháng 4 buồn bã” và rồi “nàng chia sẻ cùng tôi thế giới đặc biệt của nàng, nàng trải dài nó ra với tất cả tình yêu của mình và rồi đột ngột biến mất. Tôi với tay nhưng vẫn không chạm vào được”...
Phiên bản "Love Story" qua giọng hát của Andy Williams
Cả Sigman và Cane đều rất vừa ý với lời bài hát. Nhưng khi mà nụ cười của họ còn chưa tắt thì bỗng cả 2 bị dội một gáo nước lạnh. Bob Evans, một sếp trong Paramount, sau khi xem xong phần lời đã nói rằng nó quá buồn bã và kéo cảm xúc bị trùng xuống. Ông này còn phán rằng chữ “Jenny đã đến” nghe rất gợi dục, không giống chút nào với không khí bộ phim. Xong xuôi, Evans yêu cầu Sigman viết lại.
Lúc ấy Evans đang là nhân vật có số má, bên cạnh đó, ông ta còn là bạn trai ngoài đời của Ali MacGraw, nhận vật Jenny trong Love Story.
Marvin Cane thì im lặng còn Carl Sigman thì tức điên. Ông tuyên bố sẽ không sửa một từ và liên tục đi đi lại lại trong phòng không ngớt nguyền rủa Bob Evans. Nhưng lúc ấy Evans đã ra ngoài, những lời tức giận của Sigman chỉ dội được vào tường.
Sau một hồi đi vòng vòng trong phòng, bỗng Sigman dừng lại, nhìn vào Cane và hỏi rằng “Where do I begin?” (Tôi bắt đầu từ đâu đây?). Nói xong, cả hai bỗng nhìn nhau và bật cười.
Ngay lập tức Sigman lấy tờ giấy, kéo ghế ngồi xuống bàn và tuôn chảy ca từ. Ngay dòng đầu tiên, tựa bài hát ông đã viết luôn: (Where Do I Begin) Love Story. Và từ lúc này mạch câu chuyện bắt đầu chuyển hướng và đó là giây phút lịch sử để tạo nên một bài hát huyền thoại.
Sigman đổi màu câu chuyện, bỏ tên các nhân vật trong phim, chuyển nội dung từ thể bi quan sang thể hồi tưởng với đầy ắp những lời tán dương tuyệt diệu “Tôi biết bắt đầu từ đâu, để kể một câu chuyện tình tuyệt diệu đến nhường nào, một chuyện tình ngọt ngào mà nàng đã mang đến cho tôi, lấp đầy cả một thế giới trống rỗng. Nàng đến và biến đời tôi thành đáng sống, với những bài ca thiên thần cùng mộng tưởng hoang dại, lấp trong tôi tình căng tràn”…
Viết xong xuôi, Sigman cảm giác như mình vừa bị hút hết hơi ra khỏi người. Nhưng ông khoan khoái tựa lưng vào ghế và nghĩ “Tay Evans đó đã đúng, phần lời trước quả thực quá tệ”.
Ngày hôm sau, phần lời của bài hát được chính thức mang tên (Where Do I Begin) Love Story. Bài hát được gửi đến các ông chủ nhiều hãng đĩa danh tiếng và chờ ngày phát hành.
Vô tiền khoáng hậu
Trong lịch sử ghi âm Mỹ, chưa có trường hợp nào mà cùng một bài hát lại có đến 3 phiên bản của 3 nghệ sỹ khác nhau cùng phát hành… một ngày.
Chuyện này đã xảy ra với (Where Do I Begin) Love Story khi hãng Columbia vì quá đau đầu với cuộc chiến cover bài (Where Do I Begin) Love Story giữa 3 ông hoàng Tony Bennett, Andy Williams và Johnny Mathis nên quyết định phát hành bài này vào cùng thời điểm, ngày 20/3/1971.
Cả 3 ca sỹ này đều là con cưng của Columbia và đều muốn mình là người hát đầu tiên nên cuối cùng ông chủ hãng đĩa thay vì giải quyết vấn đề trong phòng thu đã quyết định tung cả 3 bản ra thị trường để cả 3 ca sỹ ganh đua nhau.
Kết quả là Andy Williams thắng gần như tuyệt đối. Ông được mời lên kênh NBC (với hàng chục triệu khán giả theo dõi mỗi đêm) hát bài này 12 lần liên tục. Single thắng tuyệt đối với hàng triệu đĩa bán ra. Ở Nhật, bài này bán được 600 nghìn bản tiếng Anh trong 4 tuần và 600 nghìn bản tiếng Nhật trong 3 tuần.
Trong khi đó, phiên bản của Tony Bennett dù hát khá tình cảm nhưng nhịp điệu lại khá chậm và nó không thu hút bằng Andy Willlams. Johnny Mathis là người thua cuối cùng khi ông chỉ thắng nhờ bài hát nằm trong album mà không phát hành thành single.
Năm 1971, (Where Do I Begin) Love Story trở thành bài hát toàn cầu và được rất nhiều nghệ sỹ tên tuổi cover. Bài hát đã trở thành bài hit lớn nhất trong sự nghiệp của nhà viết lời Carl Sigman và rất nhiều ý kiến cho rằng, ông chính là người cha thứ 2 của Love Story, bên cạnh Francis Lai, đưa bài hát ra khỏi ánh hào quang của một bộ phim và độc lập trở thành một bài hát kinh điển.
Cùng nghe lại ca khúc Love Story:
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần