loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Không chiếm số nhiều, nhưng một vài vở diễn tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ IV đã nhận được sự đánh giá rất tích cực của khán giả, bạn nghề và Hội đồng nghệ thuật, đặc biệt là vở Cậu Vanya do Nhà hát Tuổi trẻ và đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng.
Ngày 25/1, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động năm 2019 và tôn vinh các nghệ sĩ lão thành, nghệ sĩ tiêu biểu có nhiều hoạt động vì sự nghiệp sân khấu năm 2018.
Tính tới hiện tại, khoảng già nửa trong số 21 vở diễn tại Liên hoan đã được biểu diễn.
Từ “Tây”...
Rất nhiều trông đợi đã được đặt lên 8 vở diễn quốc tế trong LH lần này. Và, chỉ sang ngày thứ hai, vở Bpolar của đoàn nghệ thuật Ayit (Israel) đã phần nào khiến người xem không thất vọng.
Phát triển từ truyện ngắn nổi tiếng Nhật kí người điên của nhà văn Nga Gogol, Bpolar gắn với câu chuyện của một nhân viên bán hàng lớn tuổi – người thầm yêu con gái của chủ nhân. Vở diễn không có phụ đề, bởi gần như hoàn toàn không có lời thoại. Thay vào đó, trong hơn 60 phút đồng hồ, bằng diễn xuất cộng cùng sự phối hợp với âm nhạc, ánh sáng, múa rối và các màn chiếu video, mọi cung bậc cảm xúc của anh - từ thích, yêu, si dại... cho tới khi phát triển thành căn bệnh tâm thần đầy u uẩn - được dẫn dắt rất khéo để đẩy tới cao trào.
“Chọn kịch bản về thế giới nội tâm của một người điên, lại không cần lời thoại, vậy mà cái sự “điên” ấy lại được lột tả đến tận cùng và cuốn người xem vào cảm xúc của nhân vật” - đó là đánh giá được nhiều chuyên gia đưa ra tại cuộc hội thảo thứ nhất của Liên hoan.
Để rồi, chỉ hai ngày sau, bước sang cuộc hội thảo thứ 2, những lời khen được lặp lại, với tần suất còn cao hơn khi nói về vở Cánh đồng đẫm máu của Nhà hát Thessaly (Hy Lạp)
Dựa trên bộ phim cùng tên nổi tiếng của Hy Lạp (từng được đề cử giải Oscar năm 1966) Cánh đồng đẫm máu kể về cuộc xung đột tàn nhẫn diễn ra tại vùng Thessaly vào đầu thế kỷ 20. Ở đó, sống như nô lệ thời Trung cổ, những người nông dân nghèo khó đã nhiều lần đứng lên chống lại các chủ đồn điền để đòi quyền sở hữu một mảnh đất cho mình.
Cánh đồng đẫm máu cũng sử dụng rất ít lời thoại. Thay vào đó, vở diễn lại mang đậm tính ước lệ của sân khấu phương Đông, với cách xử lý rất đặc biệt. Trên tay các diễn viên luôn là những cây gậy - để rồi tùy theo từng lớp diễn, có lúc chúng trở thành công cụ lao động, thành vũ khí chiến đấu, hoặc thành những vật dụng để nhân vật biểu lộ cảm xúc của mình.
Rồi, phông nền sân khấu cũng được “gói” bằng những tấm vải lớn - khi là tấm bản đồ đất, khi là cánh đồng của những người nông dân, nơi cuộc nổi loạn diễn ra. Đặc biệt, ở những lớp diễn cần “tua nhanh” về diễn biến thời gian, kỹ thuật đèn chiếu được sử dụng, biến phần phông nền ấy thành màn ảnh với những hình ảnh lướt qua như những chiếc đèn kéo quân của người Việt...
… đến “ta”
Nhưng, đặt bên cạnh 2 vở diễn này, Cậu Vanya của Việt Nam cũng được đánh giá không hề kém cạnh. Thậm chí, với nhiều ý kiến, vở diễn do Nhà hát Tuổi trẻ và đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng chính là trường hợp xuất sắc nhất trong nửa đầu Liên hoan.
Thực tế, trước khi tham dự Liên hoan, Cậu Vanya cũng đã nhận được khá nhiều lời khen từ giới sân khấu. Và để có được vở diễn này, Nhà hát Tuổi trẻ và đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama đã phải trải qua 3 tháng tập luyện rất công phu, chưa kể khoảng thời gian gần... 3 năm trao đổi và casting theo một dự án hợp tác.
Cần nhắc lại, việc dựng kịch Chekhov với những lớp nghĩa rất sâu ẩn sau lời thoại u ám, đều đều luôn là một thách thức lớn với người làm sân khấu. Và, đó cũng là lý do khiến cách xử lý và “giải mã” của đạo diễn Nhật Bản này khiến người xem đặc biệt hào hứng: Bớt đi màu sắc u ám nặng nề trong kịch bản, gia tăng những diễn biến sôi động và chọn một thông điệp rất gần với cuộc sống hiện đại - sự bạc nhược, an phận và quanh quẩn của mỗi con người.
Trong bản dựng Chekhov của Việt Nam, màu sắc Nga trong kịch bản gốc dường như chỉ gắn ở các tên riêng nhân vật. Còn lại, phối cảnh, trang phục, âm nhạc... của vở diễn đều mang màu sắc trung tính - nghĩa là có thể diễn ra ở bất cứ đâu trong cuộc sống này.
Sân khấu của vở diễn xuất hiện hai không gian ngăn cách bằng tấm màn: Phía ngoài là cuộc đời thật, nơi các nhân vật giao tiếp với nhau, và phía trong là không gian ảo, nơi các nhân vật muốn tìm đến để thoát ra khỏi những chật chội tù túng thường nhật. Ở sân khấu ấy, với bộ bàn ghế khổng lồ, người xem lần lượt được chứng kiến cuộc sống của cậu Vanya và cô cháu gái Sonya. Họ sống một cuộc sống vất vả, cống hiến cho những con người giả dối - để rồi khi phát hiện ra sự thật, những nhân vật đáng thương ấy cũng không đủ sức bước ra khỏi thân phận của mình mà chỉ biết luẩn quẩn với niềm tin vào một ngày mai không bao giờ đến…
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhận xét: “Tôi chỉ có một từ về cách dựng của đạo diễn: Quá bợm! Đã là thử nghiệm thì phải có cả thành công lẫn thất bại, nhưng cả Liên hoan chỉ cần có vài vở như Cậu Vanya là thành công rồi.”
Sơn Tùng
loading...