1.“Chúng tôi đã mất vài chục năm để có được một lớp khán giả quen với việc thưởng thức rối bóng. Bởi vậy, các đồng nghiệp Việt Nam không nên bi quan và hãy kiên nhẫn xây dựng một lớp khán giả riêng cho mình” - đạo diễn Mazal Amir (Israel) chia sẻ tại Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 3.
Công chúa mặt trăng, vở rối bóng do Mazal Amir dàn dựng, đã khiến nhiều khán giả tấm tắc trong buổi diễn chiều qua 6/9. Sân khấu dàn dựng khá đơn giản với một phông màn nhỏ, đèn chiếu từ phía sau và những quân rối được thiết kế theo khuôn mẫu của phim hoạt hình. Để rồi, trong câu chuyện kể về một cô gái cả đời say mê và tìm kiếm mặt trăng, những quân rối vô hồn ấy bỗng trở nên sinh động và có số phận với đầy đủ những trạng thái tình cảm rất con người: suy tư, yêu thương, khát khao, giận dữ, vui mừng, cay đắng...
Một cảnh trong vở Công chúa mặt trăng
Tất cả “bộ phim hoạt hình” ấy đơn giản chỉ được thực hiện bằng hệ thống que điều khiển và kỹ thuật biểu diễn của các nghệ sĩ rối bóng Israel.
“Họ chỉ cần một ý tưởng nhỏ, để rồi tận dụng tối đa mọi phương tiện biểu diễn và khai thác câu chuyện đến tận cùng. Đó là điều đáng suy nghĩ, khi mà đạo diễn múa rối của ta đôi lúc vẫn nhầm lẫn giữa ý tưởng và hình thức, vẫn thích chọn một hình thức thật hoành tráng cho vở diễn mà ít nghĩ tới việc hình thức ấy có phù hợp với câu chuyện không...” - một nghệ sĩ múa rối chia sẻ với TT&VH.
Được biết, tại Israel, Công chúa mặt trăng đã được biểu diễn đều đặn 2 lần/tuần trong suốt 8 năm qua nhưng vẫn luôn thu hút khán giả.
2. Về các vở rối Việt Nam, bà Mazal Amir, giám đốc kiêm đạo diễn chính của The Far Theatre, một trong hai nhà hát đại diện cho Israel tham dự LH lần này cho biết: “Rất ấn tượng! Múa rối Việt Nam ít có những yếu tố hướng ngoại mà luôn rất trung thành với văn hóa truyền thống của mình. Bởi thế, các vở diễn này luôn nhuần nhuyễn, có kết cấu rất chặt từ nội dung đến hình thức và không thể lẫn với múa rối của bất cứ quốc gia nào. Tôi đặc biệt thích vở Giai điệu ký ức của đoàn rối Hải Phòng. Đó là một vở diễn khá xuất sắc từ nghệ thuật điều khiển quân rối, tư duy dàn dựng, cách bài trí sân khấu... cho tới nội dung. Câu chuyện vừa đậm cách triết lý phương Đông, vừa đầy màu sắc làng quê Việt Nam”.
Chiêu Minh