Lê Ngọc Văn: Cánh chim bằng vỗ cánh trời Tây
Tổ chức chuyên đề: PHẠM THỊ THU THỦY
Chuyên đề tuần này là 4 câu chuyện nhỏ của những nghệ sĩ Việt Nam đã và đang “lưu lạc” trên những khung trời bất tận của bầu trời nghệ thuật múa đương đại thế giới. Mỗi người là một câu chuyện riêng biệt: Lê Ngọc Văn - người Việt Nam duy nhất nằm trong nhóm nghệ sĩ đệ nhất (first artist) của Nhà hát Ballet Anh quốc; Bùi Ngọc Quân - nghệ sĩ biểu diễn của Les Ballets C de la B, công ty múa hàng đầu ở Bỉ và châu Âu; Quách Phương Hoàng - nghệ sĩ tự do, từng làm việc với nhiều đoàn múa nổi tiếng của Pháp như L’esquise, Broumachon, Montalvo, Carolyn Carson; và “câu chuyện của những chiếc giày” đang miệt mài học tập nơi xứ người - Phạm Bảo Trung, Lê Thanh Phong và Tạ Thùy Chi. Nhưng họ có chung một đam mê: Tôi múa, và có chung một niềm tự hào: Tôi là người Việt.
(TT&VH Cuối tuần) - Chỉ cần vào các website chuyên về ballet của thế giới, gõ cụm từ “choreographer Van Le Ngoc” thì sẽ biết biên đạo múa Lê Ngọc Văn được đánh giá như thế nào. Từ năm 2003, anh thuộc nhóm nghệ sĩ đệ nhất (first artist) của Nhà hát Ballet Anh quốc; trước đó, anh là nghệ sĩ của Nhà hát Ballet Marseille, Pháp. Những tác phẩm do anh biên đạo đã để lại dấu ấn sâu đậm, chu du đến nhiều nơi trên thế giới.
Con nhà tông
Lê Ngọc Văn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Bố anh, NSND Lê Ngọc Cường, là giáo viên, biên đạo múa, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL). Mẹ anh là NGND Nguyễn Kim An, giảng viên múa Trường CĐ Múa Việt Nam. Em gái Lê Minh Thu, thạc sĩ, giảng viên múa và là diễn viên múa trẻ tài năng. Lê Ngọc Văn từng theo học 7 năm tại Trường CĐ Múa Việt Nam, hai lần đạt danh hiệu diễn viên tài năng trẻ, được nhà trường và Bộ VH,TT&DL cử đi biểu diễn ở nhiều nước. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp, được Trung tâm Văn minh Pháp tuyển chọn đưa sang Pháp đào tạo tại Học viện Âm nhạc và Múa Lyon. Tại đây, anh học chuyên sâu về múa ballet cổ điển. Sau khóa học, được nhiều nhà hát ballet của Pháp, Anh, Hà Lan… mời về làm việc, nhưng anh đã chọn Pháp.
Cánh chim tự do
Sau 5 năm làm việc tại Pháp, Lê Ngọc Văn quyết định thử sức mình tại Nhà hát Ballet Anh quốc, đặt tại London. Nhà hát này vốn có nhiều nghệ sĩ tài danh đến từ các nước Nga, Mỹ, Pháp, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc… Tại đây, anh tham gia nhiều vai chính trong các vở kịch múa lớn của thế giới, được đi lưu diễn ở nhiều nước, với lịch diễn gần như khép kín cả năm.
“Tôi rất muốn mình trở thành một biên đạo múa toàn thời gian, tuy nhiên, tất cả điều này phụ thuộc vào phản ứng của khán giả, nếu họ muốn, thì tôi sẽ có các công trình trong tương lai. Tôi thấy biên đạo múa là nghề của tự do, nghệ sĩ chẳng bị ràng buộc bởi một phong cách hay định hướng nào. Ta được tự do tạo tác phong cách từ trí tưởng tượng của riêng mình. Cá nhân, tôi yêu và tận hưởng tất cả các loại múa, từ cổ điển đến hiện đại và đương đại”, Lê Ngọc Văn nói.
Dấu ấn cá nhân
Trong các môi trường quốc tế và đa văn hóa, dấu ấn cá nhân rất quan trọng. Vì Văn đã có 7 năm học múa ở Việt Nam, đã tham gia biểu diễn nhiều tác phẩm múa dân tộc, nên về cảm thụ và trình diễn, cách tư duy, sự biểu đạt về hình tượng, ít nhiều mang ngôn ngữ múa Việt Nam.
Múa Việt Nam coi trọng tính giai điệu (melody), luật động của tay phong phú hơn chân, ngược lại múa cổ điển châu Âu lại mạnh về tính tạo hình, tư thế, luật động của chân được sử dụng linh hoạt. Chính vì thế, khi sáng tác, Lê Ngọc Văn đã kết hợp được sức mạnh của hai đặc điểm này làm cho tác phẩm dễ xem, dễ cảm nhận, có nhiều nét mới.
Năm 2010, Văn được Hội đồng Anh mời sang Trung Quốc dựng tác phẩm The Weight Of Love, đại diện cho nước Anh tại Thượng Hải Expo, với sự kết hợp của diễn viên đoàn ballet Anh quốc và đoàn ballet Thượng Hải. Tháng 3/2011 vừa rồi, Thượng Hải lại mời anh dựng tác phẩm Vue De l’Autre, sau đó lưu diễn tại Đài Loan (tháng 4) và Hong Kong (tháng 5). Tháng 9/2011, tác phẩm này đến Hà Nội và TP.HCM, theo lời mời của Hội đồng Anh. Cuối năm 2011, đoàn ballet Thượng Hải lại tiếp tục mời Lê Ngọc Văn sang dàn dựng tác phẩm mới.
Với cấu trúc tổ hợp, kiểu triết lý của Á Đông, Lê Ngọc Văn đã tạo nên cái lạ trong thói quen cảm thụ nghệ thuật cổ điển. Vì vậy, khi lưu diễn ở Thượng Hải, người Trung Quốc cảm thấy gần gũi, còn diễn ở phương Tây, người châu Âu lại thấy cái lạ, cái mới trong sáng tạo.
Lê Ngọc Văn nói: “Tôi thực sự không thể nói thay các biên đạo múa khác, nhưng với tôi, biên đạo có nghĩa là tạo ra một cái gì đó độc đáo, cái gì đó thú vị cho tôi, cho vũ công và cho khán giả. Vì vậy, đó cũng là thách thức lớn nhất”.
Thách thức
15 năm sống ở Pháp và Anh, ngoài việc làm một nghệ sĩ biểu diễn, anh còn được mời sáng tác và dàn dựng cho nhà hát, đấy là một cơ hội mà không phải nghệ sĩ nào cũng có may mắn như thế. Ở một nơi mà toàn là diễn viên solist tài năng, nếu tác phẩm sáng tác ra không hay thì sẽ khó thuyết phục họ tham gia. Đó là chưa nói, vì danh tiếng của nhà hát quốc gia, họ khó chấp nhận một tác phẩm chất lượng không cao, nên luôn đòi hỏi những tìm tòi, sáng tạo độc đáo, mới lạ.
Ai cũng biết, để dựng một vở ballet có chất lượng, ngoài sự phối hợp, cộng tác của nhiều bộ phận, thì việc đầu tư tiền bạc là rất tốn kém tiền bạc và thời gian. Nếu không được Nhà nước đầu tư thì với mức lương của nghệ sĩ khó có ai đủ khả năng để làm được.
Lê Ngọc Văn và một số hình ảnh trình diễn của anh trên sân khấu quốc tế
Nếu vì một lý do nào đó, bạn dựng được một tác phẩm, thì đường ra được sân khấu chính thức hãy còn dài. Vì ở bên Anh và các nước phương Tây, việc thẩm định tác phẩm rất khắt khe, bỏ ra 3-4 tháng tập luyện ròng rã, nếu họ lắc đầu, thì phải làm lại. Bị ban thẩm định lắc đầu là chuyện khá thường gặp.
“Đã là nghệ sĩ ballet thì dù Việt Nam hay châu Âu đều vất vả như nhau, vì ballet là nghệ thuật kinh điển, bác học, cần tính chuẩn mực, có kỹ năng, kỹ xảo cao nên luôn đòi hỏi nghệ sĩ phải đam mê, khổ luyện. Cũng may, người Việt Nam với tố chất bẩm sinh là cơ thể mềm mại, linh hoạt, có độ dẻo, sức bật tốt nên khá thuận lợi cho việc học múa. Phần còn lại là 99% nước mắt và mồ hôi”, Văn phân tích.
Văn cũng cho biết, so với các mô hình nhà hát cổ điển ở phương Tây, Nhà hát Ballet Anh quốc tương đối linh hoạt. Ngoài việc biểu diễn ballet cổ điển với chất lượng cao, nhà hát vẫn duy trì, tìm tòi và mở rộng cho các sáng tạo kết hợp giữa ballet cổ điển và múa hiện đại, đương đại. “Vì nghệ thuật múa không phải là thứ đồ cổ bày trong tủ kính, nó phải luôn được sáng tạo, đổi mới và hấp dẫn”.
Tiền tài, danh vọng
Ngày 14/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và ngày 16/9 tại Nhà hát TP.HCM, đoàn ballet quốc gia Anh nổi tiếng thế giới trình diễn vở Vue De l’Autre do Lê Ngọc Văn biên đạo. Đây cũng là buổi ra mắt chính thức đầu tiên của nghệ sĩ - biên đạo múa quốc tế Lê Ngọc Văn.
“Tôi được biết ở Việt Nam, một số biên đạo trẻ có thu nhập rất cao vì họ có tài nên được nhiều đoàn mời. Ở bên Anh, mức lương có cao so với Việt Nam nhưng phải nộp rất nhiều loại thuế nên cũng sống như mọi công dân. Có việc làm thì có lương, không có việc được hưởng lương thất nghiệp; nếu có quốc tịch và có việc làm ổn định, Nhà nước cho vay trả dần để mua nhà, tôi cũng được ưu ái như vậy”, Lê Ngọc Văn nói về chuyện đời sống.
Riêng về chuyện danh vọng, Lê Ngọc Văn nói rằng khi đã chọn ballet, thì trong tâm tưởng phải dẹp bỏ hết mọi sự so đo thì mới thanh thản mà làm việc. “Nhiều khi thấy tác phẩm của mình được báo nào đó đưa tin, tôi rất vui, không phải vì nghĩ mình đã được nổi tiếng, mà biết thêm rằng vẫn còn những độc giả, những tờ báo quan tâm đến ballet. Danh vọng gần như duy nhất của bộ môn ballet là khán giả ở nhà hát, phải ngồi xem chung vài lần mới biết họ tinh tế thế nào. Chính sự tinh tế đó buộc những nghệ sĩ có ý thức phải luôn luôn cố gắng”.
Chọn một lối đi hẹp, lặng lẽ và nhiều thách thức, nhưng Lê Ngọc Văn vẫn khá thong dong khi nhìn về con đường thênh thang phía trước. Nhìn những động tác uyển chuyển của anh lướt trên sân khấu, chúng ta dễ có liên tưởng đến cánh chim đang xé gió lướt bay trên bầu trời xanh bất tận.
Bài 2 - Bùi Ngọc Quân: Tôi chỉ cần được múa
Văn Bảy