Lê Minh Sơn mải 'buôn chuyện' làm nhạt 'tiếng khóc trong hũ'
Suốt 3 năm không thấy anh làm show nhưng khi chương trình diễn ra, hơi buồn là trên sân khấu, Lê Minh Sơn nói nhiều, giải thích nhiều. Có thể hiểu là do chương trình không có MC và nhạc sĩ làm thay vai trò đó, nhưng vô hình trung lại khiến phần âm nhạc có vẻ “chìm”.
Còn ngoài sảnh tuyệt đẹp của Nhà hát, nhiều khán giả hạnh phúc với những bức hình “sang chảnh” trong khi các nghệ sĩ đang hát.
1. Ca khúc chủ đề Tiếng khóc kêu trong hũ viết về nỗi tức tưởi của nàng Cám cùng niềm kiêu hãnh của một người phụ nữ dám yêu được “chọn mặt gửi vàng” cho ca sĩ Khánh Linh – người từng thể hiện rất thành công ca khúc Cô Tấm ngày xưa.
Khánh Linh với "Tiếng khóc kêu trong hũ"
Sứt sựt sừn sưn – một ca khúc mang âm hưởng chèo với cái tên rất dân giã cũng gây thích thú với khán giả. Thích thú bởi được xem "chàng cao bồi" Lê Minh Sơn biến hóa thành hiền nhân với áo dài dân tộc màu lam hiền hòa, tóc dài buông xõa, ngồi trên chiếu ốm đàn hát, luyến láy những làn điệu chèo trong một ca khúc mới.
Có những chỗ nhạc sĩ xử lý kỹ thuật hát thật “ngọt” khiến khán giả tưởng như đang nghe Xuân Hinh hát trên chiếu chèo sân đình. Khán giả cũng thích thú bởi lời bài hát mang một cái nhìn phê phán vấn đề nhân cách, đạo đức trong xã hội ngày nay của người nhạc sĩ: “Ngày xưa các cụ nhà ta vẽ lên trên chiếu chèo cu sứt, sứt sựt sừn sưn.
Ngày nay trong chiếu đời, đầy rẫy, đầy rẫy, đầy rẫy... sứt mẻ về tâm hồn, sứt mẻ về trí tuệ… sứt sựt sừn sừn, sứt mẻ cả nhân cách... Chỉ là cõi tạm thôi mà. Ấy mà tham sân si… Ngày xưa ngày nay đều thế cả mà thôi”.
Ngoài ra, màn múa Chú Tễu của “quái kiệt” 9x Hà Tứ Thiên của biên đạo múa Trần Ly Ly cũng là một điểm sáng của đêm nhạc. Hà Tứ Thiên quả xứng với từ “quái kiệt” trong làng múa dân gian đương đại mà Lê Minh Sơn đã dành cho anh. Tứ Thiên đã thể hiện rất thành công một chú Tễu vừa hài hước gây cười cho khán giả vừa nhưng nhức nỗi đau đời.
"Quái kiệt" (theo cách gọi của Lê Minh Sơn) Hà Tứ Thiên trình diễn tác phẩm múa "Cu Tễu" của Trần Ly Ly
Phần trình diễn của Viết Nguyễn (vẫn được biết tới với tên Văn Viết) cũng rất ấn tượng với phong cách pop-rock trong các sáng tác mới của Lê Minh Sơn. Rất hài lòng với cộng sự, học trò mới, Lê Minh Sơn cho rằng Viết Nguyễn chắc chắn “sẽ là cái tên ở lại” (với khán giả).
2. Song, nếu nhìn tổng thể cả đêm nhạc thì…chương trình có vẻ đuối... Đuối so với những kỳ vọng của khán giả, và dường như đuối với chính Lê Minh Sơn. Đêm nhạc kết thúc khá sớm. Vậy mà không hiểu sao phần cuối lại là Lê Minh Sơn cùng hai nghệ sĩ chơi những bản nhạc hòa tấu quen thuộc nhưng không phải của Lê Minh Sơn và cũng chẳng liên quan gì với âm nhạc của anh, càng chẳng liên quan với đêm nhạc Tiếng khóc kêu trong hũ?
Phần trình diễn bản hòa tấu Tình ca du mục kết thúc đêm nhạc nhận được sự cổ vũ hào hứng nhất của khán giả. Có vẻ như, đó là bản nhạc “dễ gần” nhất với họ trong suốt đêm diễn. Nhưng bản nhạc ấy thì liên quan gì với Lê Minh Sơn, dù anh và bạn diễn đã rất “phiêu” trong phần trình diễn cuối cùng này?
Nhạc sĩ Nguyễn Cường lên chúc mừng nhạc sĩ Lê Minh Sơn sau phần trình diễn "Tình ca du mục"
Và vẫn là việc Lê Minh Sơn dường như đã nói quá nhiều. Anh ham nói, ham giải thích và ham đánh giá. Giữa mỗi phần trình diễn Sơn đều nói. Hết giới thiệu về bài hát của mình, về nỗi niềm, những trăn trở, về tình cảm để sáng tác lên ca khúc, lại đến giới thiệu về ca sĩ thể hiện, rồi đánh giá nghệ sĩ ấy tầm cỡ ra sao…
Với ca khúc chủ đề, trước khi ca sĩ hát, anh đã giải thích vì sao anh sáng tác ca khúc. Vì rằng anh yêu cô Cám, rồi vì sao anh yêu cô Cám. Vì trong mắt anh, Cám là cô gái dám yêu. Mà anh thì “yêu tất cả những người phụ nữ dám yêu”…
Ca sĩ hát xong thì anh lại tiếp tục thổ lộ về mong ước sẽ có thể tìm được nhà tài trợ để anh và ê kíp có thể đưa vở nhạc kịch pop – opera dân gian đầu tiên của Việt Nam – vở “Cám” của anh lên sân khấu phục vụ khán giả. Lê Minh Sơn thì vẫn nổi tiếng bạo miệng và hoạt ngôn. Nhưng trong một liveshow ca nhạc mà nói nhiều như vậy, dẫu có nói hay thì cũng vô tình làm nhạt mất đi phần âm nhạc.