loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà biên tập Phạm Ngọc Tiến từng thán phục tài nhà văn Kim Lân: “Không quá một chút nào, bằng vai Lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy, cụ Kim Lân xứng đáng là nhà văn đóng phim hay nhất mọi thời đại ở ta từ xưa đến nay. Vai Lão Hạc, cụ đóng cứ như không. Tài ơi là tài…”.
Ngoài sự nghiệp viết văn, Kim Lân còn đóng những vai diễn ấn tượng cho nền điện ảnh nước nhà. Nhưng ít ai biết ông còn là một diễn viên sân khấu.
Sau Nguyễn Tuân, Kim Lân là nhà văn Việt Nam nhiều cơ duyên với điện ảnh nhất. Không lạ về điều đó, bởi ông có năng khiếu nghệ thuật và yêu văn nghệ từ thời thanh niên. Truyền thống văn hóa của làng Phù Lưu là mảnh đất thiêng dung dưỡng những sở thích vẽ tranh, nặn tượng, diễn kịch… Vì thế, Kim Lân có khả năng đóng nhiều thể loại: Hài kịch (Cái tủ chè - Vũ Trọng Can), kịch thơ (Kiều Loan - Hoàng Cầm) và nhất là điện ảnh với những vai diễn để đời.
Từ Pụ Pạng, Lý Cựu, Lão Pẩu, đến Lão Hạc
Điện ảnh nước nhà ghi nhận những vai diễn của Kim Lân, như: Pụ Pạng trong phim Vợ chồng A Phủ (đạo diễn Mai Lộc), Lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy (đạo diễn Phạm Văn Khoa, kịch bản Đoàn Lê, 1982), Lão Pẩu trong phim Con Vá (biên kịch và đạo diễn: Đoàn Lê), Lý Cựu trong phim Chị Dậu (đạo diễn Phạm Văn Khoa, 1986), vai ông bố làm vàng mã trong phim Những giấc mơ bằng giấy (đạo diễn Khải Hưng, 1997), cụ lang Tâm trong phim Hà Nội 12 ngày đêm (đạo diễn Bùi Đình Hạc, khởi quay năm 1999, hoàn thành năm 2002).
Tôi ấn tượng nhà văn Kim Lân vào vai Pụ Pạng trong phim Vợ chồng A Phủ (đạo diễn Mai Lộc và Hoàng Thái). Đạo diễn quả có mắt xanh khi chọn ông vào vai Pụ Pạng vừa ma quái, vừa hèn đớn đầy ấn tượng. Khán giả thật khó quên với cảnh Pụ Pạng “phê phê”, mắt lim dim bên bàn đèn, thào thào: “Cứ hút đi, đứa chịu tiền phạt phải trả, đừng lo”.
Ấn tượng nhất là cảnh Pụ Pạng với dáng điệu khòm khòm đứng, bàn tay gầy guộc ôm ngực cất giọng khào khào, khè khè, kẻ cả kể tội A Phủ trong cảnh bị phạt vạ: "Thằng A Phủ kia! Mày phải nộp vạ cho người mày đánh là 20 đồng, nộp quan Thống lý 20 đồng, mỗi ông xéo phải được 2 đồng". Khi nói đến mình, Pụ Pạng xòe tay ôm mặt: “Ông Pụ Pạng là… tao đây thì ăn 1 đồng… Thằng A Phủ kia mày đáng tội chết”... “quan Thống lý cho mày vay để mày ở nợ…”.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể lại: “Khi xem phim, tôi không ngờ đấy là thầy mình. Thầy tôi có học điện ảnh ngày nào đâu mà nhập vai ngọt thế chứ. Bác Tô Hoài - tác giả kịch bản phim - liếc thầy tôi, nháy mắt cười mỉm có vẻ khoái chí lắm và nói, ông còn làm cái tay Pụ Pạng sống động hơn cả kịch bản của tôi nữa đấy”.
Trong phim Chị Dậu, Kim Lân vào vai Lý Cựu - người tính toán sổ sách - tạo hình toát lên vẻ hài hước. Đạo diễn Phạm Văn Khoa chọn ông bạn thân Kim Lân vào vai diễn này không phải vì tình bạn hữu mà vì bạn xứng đáng. Người có hiểu biết sâu sắc xã hội thời kỳ này không ai ngoài tác giả Vợ nhặt. Vì thế, đạo diễn đã dành vai Lý Cựu cho Kim Lân và đạo diễn rất hài lòng khi ông bạn đã lột tả thành công nhân vật Lý Cựu với bản chất nhỏ nhen, ti tiện, ích kỷ, luồn trên, nạt dưới vô cùng đáng ghét.
Nhà biên kịch Đoàn Lê đã từng kể lại những kỷ niệm phim Con vá do chị viết kịch bản và đạo diễn, nhà văn Kim Lân tham gia một vai… Bộ phim đã đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam.
Phim Con vá có 2 nhân vật chính là 1 gã câm với con chó vá. Đọc kịch bản, nhà văn Kim Lân thích vai ông bố gã câm, nhưng đạo diễn lại muốn ông đóng lão già Tàu, không có con nối dõi, mua ép 1 cô gái trẻ mới lớn về làm vợ hai. Kết cục bi thảm khiến lão chết vật ra khi biết đứa con trai chậm nói của mình thực ra là con của gã câm với cô gái bị ép uổng kia…
Đoàn làm phim ái ngại cảnh giường chiếu của cụ cố với cô gái trẻ trong đêm tân hôn tại nhà lão Pẩu. Đạo diễn kể: “Xem ra bác Kim Lân cũng chưa khi nào căng thẳng như thế. Cuối đêm quay, có lẽ do thấm mệt, do phải tập trung diễn xuất, bàn tay cầm chén thuốc "kích hoạt" đưa cho cô vợ trẻ" của bác cứ run rẩy. Điều này ngoài dự kiến của đạo diễn. Tôi ghé tai quay phim dặn: Quay tới đi, không sao cả. Càng tốt. Rõ ràng bên cạnh một thân thể non tơ thế kia, lão già bị xúc động mạnh chứ gì nữa. Không phải quay lại đâu. Sau tôi mới biết là bác diễn đấy thôi. Cách diễn nghiêm túc, sáng tạo của bác đã cuốn theo diễn viên đóng cùng. Tôi không thấy cô bé ngượng nghịu và những dòng nước mắt chứa chan trên gương mặt cô trong đêm tân hôn đau khổ đã thực sự làm khán giả xúc động” (theo Nhà văn Kim Lân và những vai diễn để đời - báo Văn nghệ Công an).
Có lẽ, với ngoại hình, gương mặt khắc khổ, cùng diễn xuất chân thực, diễn mà tưng tửng như không, nên sau phim Chị Dậu, đạo diễn Phạm Văn Khoa tiếp tục mời nhà văn Kim Lân vào vai Lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy.
Vai diễn này khó, một thách thức không nhỏ, vì diễn cùng con chó làm sao tuân theo ý đồ kịch bản. Nhà biên kịch Đoàn Lê nhớ lại trước khi quay cảnh này, đoàn làm phim hết sức lo lắng vì con chó đoàn thuê về chưa quen "chủ". Thêm nữa, chỉ sợ nó không chịu sự “chỉ đạo”, phá bĩnh, làm khó cho bác Kim Lân.
Biết nỗi lo của đoàn, nhà văn Kim Lân nói với chủ nhiệm phim: “Anh để tôi chăm nom con chó, cho nó ăn uống, vuốt ve nó mới dễ làm thân. Giờ nó đang sợ, đừng ai lại gần, cũng không được dọa nạt, bắt nó vào vai như người được đâu”.
Chắc cũng phải kiên nhẫn, yêu thương, chăm sóc con chó thế nào để sau hơn 1 tuần, "cậu vàng của Lão Hạc" đã bị bác Kim Lân thu phục. Nó quấn quýt bên bác cả ngày lẫn đêm không rời một bước. Cảnh quay này rất khó, nhất là cảnh cậu Vàng chia tay chủ, bị tròng đầu lôi đi, chú vùng vẫy, hướng mặt về phía chủ kêu cứu... đã mang đến bao cảm xúc sâu sắc cho công chúng.
Có thể nói, nhân vật lão Hạc thành công chính là có sự phối hợp diễn ăn ý, nhuần nhuyễn giữa chủ và “cậu vàng”. Thành công của vai diễn lấy đi bao nước mắt của khán giả. Nhưng ông vẫn chưa thực hài lòng với vai diễn ấy vì “nó vẫn kịch quá, gượng ép quá”.
Diễn mà như thật và thật như diễn
Kim Lân bước vào nghệ thuật như một cuộc dạo chơi đầy hứng thú, đam mê. Những vai diễn của Kim Lân tung tẩy đã để lại cho khán giả bao cảm xúc về khả năng “tay ngang” ở độ chân thật, ngọt nhuyễn, không lạc điệu, không bị “phô”, mà cứ như chính cuộc đời nhân vật bước lên màn ảnh vậy. Ông diễn mà như thật và thật như diễn. Nhân vật do Kim Lân đảm nhận vì thế tạo nên những rung cảm sâu sắc trong khán giả và sự cảm phục của người trong nghề.
Nói như PGS-TS Đoàn Trọng Huy, Kim Lân nhập vai các nhân vật phim, kịch căn bản và trước hết vì có chiều sâu tâm lý, nhập thân với nhân vật. Nói cách khác là diễn xuất rất có hồn, thể hiện chân thật tâm hồn nhân vật. Đó là sự sâu lắng tinh tế, cố gắng để đi đến tận cùng những nỗi niềm tâm trạng của con người, phận người. Điều ấy đã góp phần làm nên một vị thế riêng của Kim Lân trong kịch trường và phim trường.
Ông hơn hẳn các diễn viên khác, kể cả trẻ và có tuổi nghề, chính là ở chỗ ấy. Họ thường phải đọc đi đọc lại tác phẩm nhiều lần, cũng như phải học đến mức “thuộc làu” kịch bản chuyển thể nhằm nhập tâm cũng là để hóa thân vào nhân vật…
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn kể lại một cuộc trò chuyện thú vị giữa nhà văn Nguyễn Minh Châu và Kim Lân. Khi tác giả Dấu chân người lính hỏi: “Ông Kim Lân ạ, có lẽ là ông cũng nên thôi đi, đừng đóng phim nữa. Dính vào cái công việc nặc nô ấy nó làm nhảm cái nghề văn của mình đi”, Kim Lân không nói lại. Vẫn cái vẻ lụi cụi, tui tủi như mọi khi, nhưng đôi mắt tác giả Vợ nhặt bỗng sáng rực như trong đầu đang “nhấp nhính những ý nghĩ”.
Sau khi nhà văn tên tuổi rời đi chỗ khác, Kim Lân mới quay sang nói với mấy anh em văn chương ngồi cạnh: “Nói vô phép chứ, người thế mà cổ bỏ mẹ! Tôi không viết được là tại tôi chứ có phải tại đi đóng phim đâu. Mà nghề văn của mình đã lấy gì để bảo đảm là đứng đắn hơn các nghề khác…”.
Kim Lân luôn xác tín nghề văn mà cả đời ông đeo đuổi và có nguyên tắc của riêng mình. Nhân cách văn nhân của ông thể hiện rất sâu sắc trong vẻ ngoài có vẻ xuềnh xoàng: “Tôi viết không chỉ vì nhuận bút. Viết được gì thì viết. Không viết được thì thôi. Những cái gượng viết đều giả, đều khô khan, đọc lại thấu xấu hổ lắm… Còn làm được việc gì có ích, tôi còn làm…”.
|
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
loading...