A+ A A- Kiểu đọc sách

Khôi phục nhiều nghi lễ truyền thống tại lễ hội Tản Viên Sơn Thánh

22:31 08/01/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 8/1, ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (Hà Nội), cho biết, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm nay diễn ra từ ngày 31/1 đến ngày 2/2 (tức ngày 7 – 9 tháng Giêng) với nhiều nghi thức truyền thống được khôi phục, với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, thân thiện.

Chờ “nâng cấp” lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thành di sản thế giới

Chờ “nâng cấp” lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thành di sản thế giới

Theo kế hoạch, huyện Ba Vì (Hà Nội) sẽ từng bước mở rộng quy mô lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, tiếp đó lập hồ sơ trình UNESCO xét danh hiệu Di sản thế giới cho lễ hội này.

Tản Viên Sơn Thánh là lễ hội truyền thống tri ân công đức của Đức Thánh Tản Viên diễn ra trên địa bàn huyện Ba Vì và đang dần trở thành lễ hội cấp vùng. Sau nhiều thời gian nghiên cứu, năm nay, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh phục dựng lại những nghi thức truyền thống bị mai một như: nghi thức rước kiệu dâng Thánh Mẫu, khôi phục trang phục lễ hội truyền thống.

Lễ rước kiệu thực hiện từ đền Hạ sang đền Lăng Sương (nơi thờ Thánh Mẫu) qua cầu Đồng Quang (bắc qua sông Đà). Sau khi làm lễ, dâng hương Thánh Mẫu, đoàn rước sẽ rước trở lại đền Hạ. Lễ rước kéo dài từ 2 – 3 giờ do đền Lăng Sương giáp huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) với quãng đường khá xa. Lễ rước có đầy đủ nghi lễ như: Kiệu, đội múa lân, rồng, bát âm, chấp kích, bát bửu, chiêng, trống, đội tế nam, nữ…

Chú thích ảnh
(Ảnh minh họa: Nguyễn Lành/TTXVN)

Theo ông Đỗ Mạnh Hưng, nguyên gốc của nghi lễ là rước kiệu bằng thuyền qua sông nhưng do Ban tổ chức chưa chuẩn bị đủ điều kiện an toàn đường thủy nên phải rước bằng đường bộ. Khi nào các điều kiện an toàn được đảm bảo thì mới Ban tổ chức mới rước kiệu qua sông. Cùng với việc phục dựng các nghi lễ, việc phục dựng trang phục truyền thống cũng được Ban tổ chức thực hiện tại lễ hội hội năm nay.

Bên cạnh các nghi lễ được khôi phục, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2020 tiếp tục duy trì nghi lễ rước nước sông Đà về làm lễ mộc dục tại đền Hạ. Từ 0 giờ đến 4 giờ sáng 1/2, đoàn rước sẽ đi thuyền ra giữa sông Đà lấy nước về làm lễ. Đoàn rước gồm một nam, một nữ trẻ cùng các bô lão, nhân dân và đại diện chính quyền xã Minh Quang. Cùng với đó, lễ hội còn có nghi thức dâng hương tại di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ và các trò chơi dân gian.

Lễ hội thường tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng là ngày sinh Đức Thánh Tản Viên. Tuy nhiên, năm nay huyện Ba Vì tổ chức sớm một tuần để thuận lợi cho người dân và du khách về dự.

Tín ngưỡng phụng thờ Tản Viên Sơn Thánh bao trùm một vùng không gian văn hóa rộng lớn ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó đậm đặc nhất là vùng Xứ Đoài (vùng lõi là huyện Ba Vì). Chỉ tính riêng địa bàn huyện Ba Vì có 300 di tích thì trong đó có trên 100 di tích thờ Đức Thánh Tản Viên với rất nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và cấp thành phố. Với giá trị di sản văn hóa to lớn, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hiện nay, huyện Ba Vì đang tiến tới xây dựng lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vì vậy việc phục dựng các nét văn hóa thất truyền đang được huyện chú trọng.

TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...