Khi nhà hát opera Hoàng Gia bán tranh để 'trụ' lại trước Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kê, tính đến 22h ngày 5/10 giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 35,4 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 1.042.990 ca tử vong. Sự ảnh hưởng của nó tới các thành phần thuộc lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật như rạp hát, rạp chiếu, bảo tàng hay phòng trưng bày... là không hề nhỏ.
Sắp tới, ngày 22/10, Nhà hát opera Hoàng gia (ROH) ở London sẽ bán đấu giá một tác phẩm của danh họa David Hockney để huy động quỹ thiết yếu vượt qua đại dịch Covid-19. Đây được cho là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử của Nhà hát này.
Bức tranh đặc biệt
Bức tranh được bán đấu giá vào cuối tháng này có tên là Portrait Of Sir David Webster (tạm dịch: Chân dung ngài David Webster), được danh họa David Hockney hoàn thiện vào năm 1971. Đặc biệt, tác phẩm này đánh dấu mốc kết thúc 25 năm làm việc của David Webster với tư cách là Chủ tịch của Nhà hát Opera Hoàng gia (từ năm 1945 tới 1970). Bức chân dung được treo trong Nhà hát Opera từ đó tới nay đã nửa thế kỷ.
Theo báo cáo, Nhà hát Opera Hoàng gia đã mất khoảng 60% thu nhập kể từ khi đóng cửa do đợt dịch Covid-19 đầu tiên, hồi tháng 3 năm nay. “Đây quả thực là một quyết định khó khăn” - Alex Beard, Giám đốc điều hành của ROH, chia sẻ với báo Observer. “Nhưng chúng ta phải đối mặt với tình huống hiện tại. Nếu chúng ta có thể sống sót và vượt qua điều này, thì sẽ có thể quay trở lại phát triển trong tương lai”.
Cụ thể, bức chân dung sẽ được bán tại nhà đấu giá Christie’s (St. James, London). Nhà đấu giá này dự kiến tác phẩm sẽ được bán ở mức 11 triệu đến 18 triệu bảng Anh (khoảng 14 triệu đến 23 triệu USD). Quyết định bán bức tranh là một phần của kế hoạch nhằm giữ cho cơ sở này tiếp tục hoạt động trước diễn biến phức tạp của đại dịch. Ngoài ra, ROH cũng đang hy vọng sẽ sớm nhận được tin tức về khoản vay từ quỹ cứu trợ khẩn cấp của Bộ Tài chính Anh dành cho các viện văn hóa và nghệ thuật.
“Chúng tôi là đơn vị nghệ thuật lớn nhất cả nước và chúng tôi biết mình phải xem xét bất kỳ bài toán kinh tế nào mà chúng tôi có” - Alex nói thêm. “Thực sự chỉ có duy nhất một thứ có thế giải quyết vấn đề này, đó là bức chân dung do David Hockney vẽ”.
- Cơ hội vàng để mua các kiệt tác của Michelangelo, Rodin
- Giải mã kiệt tác Girl With A Pearl Earring - Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai
Ông cũng cho biết ROH đã thông báo trước cho danh họa về quyết định này. “Chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt với nhau, nhưng Hockney dường như không hài lòng về việc tác phẩm này được bán đấu giá”. Khi được báo The Guardian hỏi về quyết định này, David Hockney từ chối đưa ra cảm nghĩ mà chỉ trích dẫn câu nói của nhà văn nổi tiếng Oscar Wilde: “Chỉ có kẻ nông cạn mới không đánh giá bằng vẻ bề ngoài. Bí ẩn của thế giới nằm trong cái hữu hình chứ không phải cái vô hình”.
Quyết định đúng đắn?
Hồi tháng 7, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ đầu tư 1,57 tỷ bảng Anh (gần 2 tỷ USD) cho các viện văn hóa và nghệ thuật để giúp ngành này khắc phục những tác động của dịch Covid-19. Đây là khoản hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay của Chính phủ dành cho lĩnh vực văn hóa, cho thấy đây là một trong những ngành quan trọng của nước này.
Tuy nhiên, dường gói cứu trợ này là không đủ. ROH không phải là cơ sở đầu tiên phải bán những tác phẩm “độc quyền” để “cố trụ” trước tình hình “ngày càng căng thẳng” này.
Trước đó, Học viện Nghệ thuật Hoàng gia (RA) ở London cũng đã chọn “bước đi” tương tự. Cụ thể, RA đang đàm phán bán một tác phẩm phù điêu thời Phục hưng của danh họa Michelangelo với giá 100 triệu bảng Anh (129 triệu USD). Tác phẩm có tên Taddei Tondo, ra đời cách đây 514 năm và được trao tặng cho RA vào năm 1829. Được biết, số tiền bán được sẽ dùng để “bảo vệ” 150 việc làm, chiếm khoảng 40% lượng lao động của RA.
Doanh thu của RA chủ yếu dựa vào việc bán vé và phí đăng ký thành viên bảo tàng. Theo báo cáo, RA đã sụt giảm 75% và dự đoán lỗ tài chính tới 8 triệu bảng Anh (10,3 triệu USD) trong năm nay. “Việc bán Taddei Tondo đã được thảo luận” - một nghệ sĩ giấu tên tại RA chia sẻ với báo Observer. “Giá trị của tác phẩm này là rất lớn, nó có thể giữ việc làm và đưa RA thoát khỏi mớ hỗn độn tài chính trước mắt”.
Không chỉ tại Anh, mà ngay cả ở Mỹ cũng vướng vào “hoàn cảnh” này. Tháng trước, Bảo tàng Brooklyn đã thông báo rằng họ sẽ đem bán một loạt tác phẩm của các họa sĩ nổi danh như Lucas Cranach, Gustave Courbet, Jean-Baptiste-Camille Corot và Lorenzo Costa. Tất cả sẽ được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s vào ngày 15/10 tới.
Thông thường, việc bán các tác phẩm để trang trải chi phí hoạt động sẽ không được cấp phép bởi Hiệp hội Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật (AAMD) ở Mỹ. Nhưng các quy tắc đã được nới lỏng kể từ tháng 9 do cuộc khủng hoảng Covid-19 và nguồn tài trợ công gần như không có, khiến các bảo tàng xứ cờ hoa ngoài việc dựa vào lòng hảo tâm của các nhà tài trợ thì việc đưa các tác phẩm ra bán là một quyết định phù hợp và đúng đắn nhất.
Nhà hát là di sản hạng nhất tại Anh Nhà hát Opera Hoàng gia là một nhà hát opera và địa điểm tổ chức nghệ thuật biểu diễn quan trọng toạ lạc ở Covent Garden, trung tâm London. Nhà hát cũng được gọi là Covent Garden. Nhà hát có sức chứa tới 2.256 người, sân khấu rộng 12,2m và cao 14,8m. Thính phòng chính được xếp hạng di sản hạng nhất tại Anh. |
Thành Quách