A+ A A- Kiểu đọc sách

Khi âm nhạc Beethoven chiến đấu với bệnh dịch

19:00 22/12/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Toàn thế giới đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 250 của Beethoven (1770-1827) trong năm nay, với hàng loạt buổi hòa nhạc được lên kế hoạch biểu diễn. Thế nhưng, không ai nghĩ rằng “Năm Beethoven 2020” đã gặp một trở ngại cực lớn: Đại dịch Covid-19.

250 năm ngày sinh Beethoven: Những điều ít biết về 'Napoleon của âm nhạc'

250 năm ngày sinh Beethoven: Những điều ít biết về 'Napoleon của âm nhạc'

Ở thời điểm cả thế giới cùng kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhà soạn nhạc thiên tài Đức Ludwig van Beethoven (1770-1827), Laura Tunbridge - giáo sư âm nhạc nổi tiếng thuộc trường Đại học Oxford (Anh) - đã phát hành cuốn sách tiểu sử kiêm phê bình âm nhạc A Life In Nine Pieces vào hôm 16/7. 

Suốt 1 năm qua, các phòng hòa nhạc phải đóng cửa, trong khi các buổi hòa nhạc về Beethoven bị hủy, hoãn vô thời hạn hoặc chuyển sang trình diễn trên “sân khấu ảo”. Dù vậy, tại quê hương của thiên tài người Đức này, các buổi hòa nhạc và biểu diễn ngoài trời dành cho lượng khán giả nhỏ vẫn có thể diễn ra cho đến cuối mùa Hè.

Vẫn tràn ngập cảm hứng

Đây cũng là cách nghệ sĩ dương cầm Susanne Kessel tổ chức một số buổi hòa nhạc như một phần trong dự án quốc tế của cô, mang tên 250 Piano Pieces for Beethoven.

Kessel đã yêu cầu một số nhà soạn nhạc từ nhiều thể loại khác nhau soạn một bản nhạc chúc mừng sinh nhật Beethoven. Nhưng sau đó nghệ sĩ dương cầm này đã tự mình biểu diễn từng bản nhạc và mời các nhà soạn nhạc đến xem. Kessel chia sẻ với tờ DW: “Hơn 150 nhà soạn nhạc từ 47 quốc gia đã tham dự hơn 200 buổi hòa nhạc của tôi. Beethoven có thể tự hào rằng ông vẫn truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà soạn nhạc ngày nay”.

Chú thích ảnh
Nhà soạn nhạc Beethoven

Nhiều dàn nhạc và nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng cũng muốn tôn vinh nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven bằng cách biểu diễn các tác phẩm piano, nhạc thính phòng hoặc các bản giao hưởng tuyệt vời của ông.

Ngôi sao vĩ cầm Anne Sophie Mutter từng tổ chức chuyến lưu diễn thế giới, trong đó cô chơi những bản sonata soạn cho vĩ cầm nổi tiếng nhất của Beethoven. Sau buổi biểu diễn ở Nhật Bản, cô đã phải cắt ngắn chuyến lưu diễn của mình do bị nhiễm Covid-19 vào tháng 3 và phải cách ly trong 2 tuần. Sự cố này khiến Sophie Mutter phải nghỉ dài và đến tháng 9 mới bắt đầu trình diễn trở lại.

Nhiều nhạc sĩ khác cũng chịu chung cảnh ngộ. Nhạc trưởng ngôi sao người Estonia, Paavo Jarvi, cũng không thể tổ chức chương trình Beethoven Symphony Cycle theo kế hoạch của mình với Dàn nhạc giao hưởng thính phòng của Bremen.

Chú thích ảnh
“Dự án đồng quê Beethoven” kèm theo tuyên bố toàn cầu về việc bảo tồn thiên nhiên

“Chuyện này xảy ra khá bất ngờ. Chúng tôi đã hy vọng rằng vẫn có thể biểu diễn các bản giao hưởng vào một ngày nào sau đó nhưng vẫn chưa thực hiện được” - Jarvi nói với DW. "Có lẽ, nhân thời điểm này, chúng ta cũng nên nghĩ đến việc đầu tư để trình diễn các tác phẩm hiếm được khán giả biết tới của Beethoven”.

10 năm trước, Dàn nhạc giao hưởng thính phòng Đức đã nghiên cứu tỉ mỉ và thu âm lại tất cả 9 bản giao hưởng cho Beethoven Project (Dự án Beethoven). Để vượt qua những hạn chế liên quan đến Covid-19, dàn nhạc đã phát hành cả 9 bản giao hưởng cùng với các khúc dạo đầu của Beethoven trong bộ đĩa CD kỷ niệm của mình. Có điều, hiện Dàn nhạc vẫn chưa biết làm thế nào và khi nào để tổ chức Beethoven Cycle vào năm 2021.

Nhiều sự kiện hơn mong đợi

Các buổi hòa nhạc được tổ chức ở các nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp, như Thái Lan, hầu như chỉ do các nhạc sĩ bản địa tổ chức. Một lễ hội Beethoven quốc tế đã được tổ hồi tháng 11 tại Yekaterinburg (Nga) nhưng được áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn phòng dịch.

Chú thích ảnh
Nhạc trưởng Mỹ Marin Alsop

Trong khi đó tại Bonn, nơi sinh của Beethoven, Lễ hội Beethoven đã bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những trở ngại, đã có nhiều sự kiện đã diễn ra hơn những gì mà ban tổ chức dự kiến ban đầu.

Hội Kỷ niệm Beethoven đã ca ngợi Pastoral Project (Dự án đồng quê) toàn cầu là một thành công lớn trong tháng 6, mặc dù không có khán giả trực tiếp. Được lên ý tưởng là một dự án kỹ thuật số ngay từ đầu, chương trình này được tổ chức dựa theo Bản giao hưởng số 6 của Beethoven, còn được gọi là bản giao hưởng Đồng quê, trong đó ca ngợi thiên nhiên và nông thôn.

Với dự án này, các nghệ sĩ trình diễn từ khắp nơi trên thế giới đã được mời chia sẻ suy nghĩ của họ về môi trường và tải video của họ lên một nền tảng mạng xã hội. Cho đến nay, chỉ có 20% số dự án của Hội Kỷ niệm Beethoven bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. Cụ thể, phải đến năm 2021 công chúng mới được thưởng thức một phiên bản của Bản giao hưởng số 10 - bản nhạc chưa được hoàn thành của Beethoven - với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.

Chú thích ảnh
Susanne Kessel trình diễn tại Beethovenhaus (Bảo tàng Beethoven) ở Bonn – nơi sinh của nhà soạn nhạc

Các Viện Goethe trên toàn thế giới cũng tưởng nhớ nhà soạn nhạc thiên tài thông qua dự án The Other Beethoven. Nhiều màn hòa nhạc và triển lãm đã được lên kế hoạch ở nhiều nước Ả Rập, châu Phi và châu Á.

Ở Iraq, Egmont Overture của Beethoven là một phần màn diễn của dàn nhạc quốc gia. Các nghệ sĩ Đức và Iraq muốn tạo ra một bản nhạc chống bạo lực nhưng dự án hiện đang bị tạm dừng.

Trong khi đó, nhạc trưởng người Mỹ Marin Alsop - Giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Baltimore và Dàn nhạc Giao hưởng Sao Paulo - đã lên kế hoạch cầm gậy chỉ huy Bản giao hưởng số 9 của Beethoven trên khắp 5 châu lục với các dàn nhạc ở New Zealand, Mỹ, Brazil, Anh, Áo, Australia và Nam Phi. Đáng nói, Alshop muốn phần điệp khúc cuối cùng với bài hát Ode To Joy phổ thơ của Schiller trong Bản giao hưởng số 9 được hát bằng thổ ngữ của các dân tộc bản địa, qua đó thể hiện tình anh em giữa các nền văn hóa khác nhau.

Chú thích ảnh
Nhà soạn nhạc Beethoven

Tuy nhiên, kế hoạch của bà đã bị “đổ bể” và chỉ có buổi hòa nhạc khai mạc là được tổ chức suôn sẻ ở Sao Paulo (Brazil) còn tất cả các màn diễn khác đều bị hoãn. “Chúng tôi nghĩ dự án này chỉ có thể thực hiện theo hình thức kỹ thuật số” - Alshop giải thích. Và thực tế, nhờ đó sự kiện toàn cầu Ode To Joy đã hình thành.

Dự án Ode To Joy do Dàn nhạc Giao hưởng Đài phát thanh Áo biểu diễn với sự tham gia của 1.000 ca sĩ và video được giới thiệu tại chương trình kỹ thuật số đặc biệt mừng sinh nhật Beethoven của BTHVN, được truyền trực tuyến từ Bonn ra thế giới hôm 17/12 vừa qua.

“Dù nhiều nơi trên thế giới vẫn bị phong tỏa vì bệnh dịch, nhưng chúng ta không thiếu những người hướng về” - Alsop nói. “Tôi nghĩ Beethoven sẽ rất vui, khi Ode To Joy trở thành thông điệp đưa chúng ta vượt qua thời điểm khó khăn này”.

“Năm Beethoven”, dưới sự bảo trợ của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, sẽ được kéo dài ở Đức cho đến tháng 9/2021.

Việt Lâm

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...