Khánh thành viện Giacometti tại Pháp: Tái hiện chân dung 'thiên tài điêu khắc' của thế kỷ XX
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 30 tác phẩm nghệ thuật và nhiều sáng tác chưa hề được công bố của nhà điêu khắc, họa sĩ Alberto Giacometti sẽ xuất hiện trong cuộc triển lãm nhân dịp khánh thành Viện Giacometti tại Paris vào 20/6 tới.
1. Giacometti vẫn được biết đến là một thiên tài của điêu khắc. Ông qua đời hồi năm 1966, ở tuổi 64. Những tác phẩm điêu khắc của tác giả người Thụy Sĩ này nằm trong số những kiệt tác nghệ thuật vĩ đại nhất thế kỷ 20.
Viện Giacometti tọa lạc tại Quận Montparnasse, gần studio nơi nghệ sĩ này từng sống và làm việc trong suốt cuộc đời mình. Viện này có chức năng như một trung tâm triển lãm, giáo dục và nghiên cứu, được Tổ chức quản lý di sản Giacometti thành lập.
Tổ chức quản lý di sản Giacometti hiện lưu giữ hơn 300 tác phẩm điêu khắc, 90 bức tranh và gần 5.000 bức vẽ, in thạch bản và sổ ghi chép của ông. Bộ sưu tập này được bà Annette, vợ góa của Giacometti, để lại bằng chúc thư sau khi bà qua đời hồi năm 1993.
Giacometti kết hôn hồi năm 1949 và Annette từng là một trong những người mẫu yêu thích nhất của nghệ sĩ. Bà Annette lưu giữ cẩn thận từng kỷ vật trong studio của chồng, thậm chí còn tìm cách chuyển đi cả những bức tường trong xưởng vẽ do chồng bà sơn, khi khi chủ nhà nhất quyết không bán lại cho bà ngôi nhà ấy.
Trong khuôn viên Viện Giacometti còn có cả một studio hết sức “lộn xộn” của nghệ sĩ, được tái tạo lại. Simone de Beauvoir, từng mô tả về studio của Giacometti “ngập trong thạch cao” và kể “bất cứ khi nào Giacometti ra ngoài, quần áo, tay chân và mái tóc dày của ông thường bám thạch cao... Giacometti chẳng để ý, ông làm việc”.
Nhờ những bức ảnh chụp Giacometti khi đang làm việc, studio này sẽ được tái xây dựng một cách chính xác nhất, đúng như thời điểm nghệ sĩ qua đời hồi năm 1966. Nó được mô tả là ngôi nhà ổ chuột chật ních các tác phẩm nghệ thuật bằng đồng, thạch cao và đất sét. Tất cả các cọ vẽ và đồ nội thất của Giacometti sẽ được đặt trong studio này.
2. Giacometti sinh năm 1901 tại một thung lũng hẻo lánh ở Thụy Sĩ. Ông là con trai của một họa sĩ thành công. Giacometti có tác phẩm điêu khắc đầu tiên, mô tả anh trai, ở tuổi 13 và sau đó ông nhanh chóng theo đuổi đam mê nghệ thuật.
Năm 1922, Giacometti chuyển tới Paris, nơi ông đã phát hiện ra chủ nghĩa siêu hiện thực, trở thành bạn của Andre Breton, nhà văn, nhà thơ Pháp khai sinh ra nghệ thuật siêu thực.
Sau đó, Giacometti đã ngừng lấy những hình mẫu từ cuộc sống thực tế và dành hết tâm trí cho những ảo cảnh để sáng tác. Trong những năm 1930 chủ đề sáng tác của ông là cái chết và chuyện sinh lý, song ông cũng quan tâm tới những hiện tượng hàng ngày.
Trong Thế chiến II, Giacometti trở về Thụy Sĩ và gặp Annette Arm. Cô gái đầy tự tin và đáng yêu đã quyết định gần như ngay lập tức rằng cô sẽ sống chung với ông và kiên nhẫn chờ đợi ông chấp thuận. Sống trong một khách sạn cùng Annette ở Geneva, Giacometti cho ra đời những tác phẩm điêu khắc nhỏ, phần lớn trong số đó chỉ có kích cỡ bằng ngón tay.
Năm 1945, Giacometti trở lại Paris. Sự đổi mới về nhãn quan giúp ông thoát được kiểu làm tượng thu nhỏ để có thể làm tượng to hơn. Nhờ những bức tượng có khổ thon dài, Giacometti đã nổi danh. Ông kiếm được tiền nhưng vẫn nhất quyết sống trong studio của mình, từ chối mong muốn sống trong một ngôi nhà bình thường của Annette.
Có danh tiếng, Giacometti kết bạn với hầu hết nhà văn và nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở Paris thời điểm đó. Ông uống cà phê cùng nhà văn Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir, tản bộ vào đêm muộn cùng nhà văn, nhà soạn kịch Samuel Beckett và là vị khách thường xuyên tới studio của danh họa Tây Ban Nha Picasso.
Nhiều người bạn trong số đó đã viết về Giacometti và thậm chí còn làm mẫu cho ông. Dù vậy, các người mẫu thường xuyên nhất của ông là hai người phụ nữ chịu nhiều đau khổ Diego và Annette. Ngoài ra, có nhiều người phụ nữ khác đã tới và đi sau một thời gian là “nàng thơ”, người tình của ông.
Hồi năm ngoái, điện ảnh Anh đã làm phim điện ảnh Final Portrait kể về cuộc đời ông. Trong phim, chân dung Giacometti được lột tả qua màn diễn xuất của nam diễn viên từng đoạt giải Oscar Geoffrey Rush. Phim còn mô tả cuộc hôn nhân đầy rắc rối của nghệ sĩ. Được biết, Giacometti nhiều lần thúc giục vợ có quan hệ với những người đàn ông khác khi ông theo đuổi một gái bán hoa và biến cô thành “nàng thơ” của mình.
3. Trong những năm cuối đời, Giacometti tập trung vẽ, tung ra một loạt chân dung về “nàng thơ” cuối cùng của mình, một cô gái trẻ tuổi tên là Caroline, và các bức tượng bán thân có tỷ lệ hợp lý.
Hiện có khoảng 10 bức tượng bán thân mang chân dung Annette được Giacometti sáng tạo từ giữa những năm 1960 và một tác phẩm đầy ám ảnh mô tả Caroline được nghệ sĩ làm vào năm 1965. Trong những tác phẩm điêu khác này, nhìn Caroline và Annette đều có vẻ hiếu kỳ giống nhau. Dù chênh nhau tới 20 tuổi nhưng trông hai người phụ nữ này như cùng độ tuổi khi Giacometti mô tả họ trong trạng thái mệt mỏi.
Giacometti nặn tượng Annette vào ban ngày trong khi ban đêm làm tượng Caroline. Tháng 1/1966, ông qua đời do những căn bệnh mà bác sĩ cho rằng chúng phát sinh sau nhiều năm Giacometti sống trong mệt mỏi.
Hình ảnh Alberto Giacometti và tác phẩm điêu khắc Three Men Walking xuất hiện trên đồng tiền mệnh giá 100 franc của Thụy Sĩ hiện nay. |
Việt Lâm (tổng hợp)