loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều dấu tích quan trọng trong quá trình khai quật khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2019 vừa được các cơ quan hữu quan công bố. Trong đó, nổi bật nhất là việc tìm thấy các kiến trúc được cho là thuộc điện Cần Chánh - nơi làm việc của Hoàng đế và triều đình Lê Trung hưng trong giai đoạn từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18.
Năm 2015, ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long đã được vinh danh tại giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Và với những gì đang diễn ra, giấc mơ phục dựng “trái tim” của Thăng Long cũ đang ngày một rõ nét hơn…
Đây là đợt khai quật thường niên, được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện.
Việc “giải mã” Hoàng Thành đã gần hơn
Đợt khai quật lần này có tổng diện tích gần 1.000m2, diễn ra ở khu vực phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên, bao gồm 1 hố khai quật và 3 hố thám sát. Về cơ bản, tại các hố thám sát, phía khai quật phát hiện các lớp văn hóa với đặc trưng của 1.300 năm lịch sử hiện diện khá đầy đủ từ thời Nguyễn (dày từ 0,8 m -1,25m), thời Lê Trung Hưng (dày 0,3m - 0,4m), thời Lê Sơ (dày 0,7 m - 1,8 m) thời Trần (dày khoảng 0,75 m), thời Lý (0,3 m) đến thời kỳ tiền Thăng Long .
Về cơ bản, hố khai quật cũng xuất hiện các lớp văn hóa tương tự, trong đó lớp văn hóa thời Đại La (tiền Thăng Long) có xuất hiện dấu tích một cống nước xây bằng gạch khá công phu chạy theo hướng Bắc Nam. Riêng ở thời Lê Trung hưng, khu vực này có mật độ xây dựng nhiều, với hệ thống kiến trúc có móng cột kích thước rất lớn và các sân vườn khá quy củ. Như những dấu vết để lại, vào cuối thời Lê Trung hưng, phần sân vườn bị bỏ để nhường chỗ cho hệ thống ao hồ lớn được xây dựng công phu với hai tường bằng gạch vồ, đường nét uốn lượn, khá cầu kỳ.
Ở góc độ di vật, lượng di vật xuất lộ trong đợt khai quật này cũng trải rộng trên khắp các niên đại từ thời tiền Thăng Long tới thời Nguyễn. Điển hình, đó là các gạch ngói có trang trí thời Tiền Thăng Long, các chân đá tảng đá và mảnh lá đề rồng cỡ lớn thời Lý, gạch in chữ “Vĩnh Ninh trường” thời Trần. Đặc biệt, phần di vật từ thời Lê Sơ trở đi khá phong phú với các mảnh ngói rồng tráng men vàng và men xanh, gạch vồ, đá tảng, các mảnh gốm hoa lam mang phong cách thời Lê - Mạc hay các gạch hộp rỗng trang trí hoa cúc và gốm men thời Lê Trung hưng...
Theo phân tích của các chuyên gia, cộng cùng kết quả khai quật trong những năm trước, các di tích và di vật xuất lộ lần này đã củng cố thêm những nhận định cơ bản: Khu vực trung tâm của Hoàng thành Thăng Long hiện tại cũng chính là khu vực trung tâm của thành Đại La (thời tiền Thăng Long), cũng như có tính chất trung tâm trong suốt các thời Đinh, tiền Lê, Lý, Trần.
Thêm vào đó, việc các kiến trúc thời Trần tại đây có quy mô nhỏ và dấu vết cháy rất nhiều (với các bụi than tro) tương đồng với các sử liệu cũ về việc các cuộc chiến tranh vào cuối thời Trần thế kỷ 14 đã khiến kinh thành nhiều lần bị cháy.
Dấu vết kiến trúc “cổng” của một khu cung điện?
Đặc biệt, nhiều giả thiết khoa học quan trọng đã được đặt ra quanh việc phát lộ cụm kiến trúc thời Lê Trung hưng trong đợt khai quật này. Đây là tổ hợp kiến trúc có móng cột lớn phía Tây và kiến trúc sân vườn phía Đông. Hệ thống móng cột mang dáng dấp 5 gian 2 chái nằm trên trục Ngự đạo thẳng tới Đoan Môn - Kính Thiên và gợi tới khả năng tồn tại về kiến trúc “cổng” của một khu cung điện khác trong khu vực Trung tâm.
Theo thư tịch cổ và bản đồ cổ thì sau khu Chính điện Kính Thiên là khu điện Cần Chánh, vốn là nơi làm việc của Hoàng đế và triều đình Lê Trung hưng. Từ đó, một số chuyên gia cho rằng, kiến trúc “cổng” được tìm thấy rất có thể là nơi bắt đầu của khu vực điện Cần Chánh.
“Nếu giả thuyết này là đúng, đây là phát hiện hết sức có ý nghĩa trong việc nghiên cứu trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê Trung hưng” - PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, nhận xét. Thực tế, từ nhiều năm qua, việc xác định phạm vi, quy mô phân bố của các loại hình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long - đặc biệt là thời Lê Sơ và Lê Trung hưng, luôn được xem là một trong những cái đích lớn nhất của giới khoa học để xác định diện mạo tổng quát của cụm di tích này.
Ở một góc độ khác, GS-TSKH Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) nhắc đến một chi tiết thú vị: Tại Việt Nam, kiến trúc điện Cần Chánh được biết đến nhiều nhất là thuộc khu vực Hoàng thành Huế. Cụm kiến trúc này được xây dựng từ năm 1802 tới 1804, nhưng hiện đã thành phế tích. Và sau nhiều năm nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Viện Di sản thế giới Đại học Waseda (Nhật Bản) đã hoàn thành báo cáo phục dựng điện Cần Chánh vào năm 2006, nhưng vẫn chưa thể triển khai vì nhiều lý do.
“Dù triều Nguyễn không định đô ở Thăng Long nhưng chắc chắn cũng đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm từ Hoàng thành Thăng Long trong quá trình xây dựng kinh đô Huế” - GS Lưu Trần Tiêu khẳng định. Như thế, việc tìm hiểu thêm về kiến trúc (được cho là) điện Cần Chánh tại Hoàng thành Thăng Long và dự án phục dựng điện Cần Chánh tại Huế có thể cùng được kết nối và tham chiếu với nhau để có những so sánh nhất định về tư liệu.
Để có thể hiểu rõ hơn về kiến trúc này, cũng như tổng thể kiến trúc của Hoàng thành, nhiều chuyên gia đã đề nghị triển khai mở rộng khu vực khai quật sang phía Tây Nam và phần vườn đào (sau nhà D67) để tìm hiểu thêm về giả thiết tồn tại nền móng của khu vực điện Cần Chánh. Ngoài ra, theo GS sử học Nguyễn Quang Ngọc, việc mở rộng hướng khai quật sang phía Tây cũng có thể sẽ chạm đến vị trí của các gác Long Đồ, Điện Trường Xuân, Điện Thiên Khánh, cầu Phượng Hoàng... đầu đời vua Lý Thái Tông.
Cần sớm phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu
Theo PGS-TS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam), song song với các đợt khai quật, phía Hoàng thành Thăng Long nên mạnh dạn triển khai đề án nghiên cứu phục dựng lễ hội Đèn Quảng Chiếu với tư cách thí điểm để tham khảo ý kiến cho việc từng bước hoàn chỉnh. Đây cũng là phương án gia tăng sự sống động cho khu di sản.
Tồn tại vào thời Lý, lễ hội Đèn Quảng Chiếu được coi là nghi thức văn hóa, tâm linh tiêu biểu nhất của Thăng Long trong thế kỷ 12 và từng diễn ra tại khu vực Hoàng thành. Năm 2012, ý tưởng phục dựng lễ hội này đã nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức.
|
Cúc Đường
loading...