Hữu Quốc truân chuyên trên con đường thênh thang lẫn gập ghềnh
(Thethaovanhoa.vn) - NSƯT Hữu Quốc là một tài năng của sân khấu cải lương, nhưng hiện nay anh đang xông xáo ở 5B và đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực kịch. Có thể nói, Hữu Quốc là một nghệ sĩ đa năng, anh có thể vừa là diễn viên kiêm đạo diễn, kiêm cả sáng tác kịch bản, làm MC và cả “ông bầu”…
Hữu Quốc sinh năm 1966 ngay giữa Sài Gòn -vùng đất hội tụ hầu như tất cả các đoàn cải lương nổi tiếng và các ngôi sao, cho nên Hữu Quốc mê cải lương như một điều dĩ nhiên. 7-8 tuổi đã biết chờ xả giàn để vô coi “cọp”, rồi 9 tuổi cứ lấy giấy cắt dán làm thành mũ mão, đạo cụ, đốt đèn cầy lên tự hát, tự diễn. Bà mẹ thấy vậy bèn cho Hữu Quốc đi học ca với thầy Út Trong, một nhạc sĩ cổ nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ. Quả thật “lò” của ông Út Trong đã đào tạo ra không biết bao nhiêu tài năng, trong đó có Hữu Quốc, với giọng ca ngọt ngào và rất đúng nhịp.
Khi Hữu Quốc 13 tuổi thì Nhà hát Trần Hữu Trang tuyển sinh, anh lén đi thi. Khóa đào tạo 3 năm, tuyển từ 1.000 em chỉ lấy 40 em chính thức và 20 em dự thính, vậy mà Hữu Quốc lại đậu chính thức. Đến ngày nhập học thì bất ngờ cả gia đình không cho anh đi, kể cả thầy cô và bạn bè cũng can ngăn, bởi Hữu Quốc đang học lớp chuyên văn, tuyển rất gắt gao từ các học sinh giỏi của nhiều trường, con đường đại học coi như đầy hứa hẹn. Nhưng cậu bé 13 tuổi đã mạnh mẽ bảo vệ ước mơ của mình với câu nói chắc nịch: “Má yên tâm, con sẽ chịu trách nhiệm đời con”. Và cậu bé bước vào Nhà hát Trần Hữu Trang với buổi đầu đầy hoa mộng.
Vỡ mộng và… già sớm
Ai có ngờ, giọng ca mùi mẫn ngọt ngào của Hữu Quốc chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, khi cậu bé bước vào tuổi 15 nó bỗng trở nên khàn khàn như ông lão. Hữu Quốc sụp đổ tinh thần bởi anh không còn dám ước mơ mình đóng vai kép chính, kép đẹp nữa. Không biết bao nhiêu nước mắt đã đổ ướt gối, cho đến khi Hữu Quốc gặp NSND Phùng Há…
Bà là một người thầy giỏi và tận tâm, nhiều thế hệ được bà đào tạo đều trở nên nổi tiếng. Bà đã chọn trong 60 em nhập học ấy lấy ra 14 em khá nhất để thành lập 2 ê-kíp mẫu, trong đó có Hữu Quốc. Và vai đầu tiên bà giao cho anh là quan Tư Đồ trong Phụng Nghi Đình. Ôi thôi, một ông lão râu dài tới cằm, tóc bạc, giọng run run…thế là Hữu Quốc lại khóc như mưa.
Bà Phùng Há chỉ nói nhẹ nhàng: “Con đừng khóc, con hãy nhớ là tất cả vinh quang của con về sau chỉ bắt đầu từ vai này. Bởi nhân vật Tư Đồ có đủ hỉ, nộ, ái, ố, bi, hùng cho con rất nhiều đất diễn”. Câu nói “tiên tri” ấy đã mở ra một con đường mới cho Hữu Quốc.
Quả thật, từ đó Hữu Quốc nổi tiếng với những vai lão. Anh nói: “Má Bảy đã tập luyện quá nghiêm túc cho tôi nhân vật Tư Đồ, nên hầu như sau này tôi không sợ vai già nào nữa”. Còn về giọng ca thì Hữu Quốc đã biết cách “ca thế” để lấp đi nhược điểm khàn khàn. Anh tâm sự thêm: “Một tấm gương sáng ngời cho tôi noi theo chính là NSND Diệp Lang. Ông cũng bị khàn giọng vào tuổi mới lớn như tôi, nên chuyển sang đóng kép lão, kép độc, với giọng ca biết cách nhấn nhá rất giỏi, bật lên tâm lý nhân vật, và mọi người đã ngưỡng mộ ông. Tôi quyết chí rèn nghề, không còn mặc cảm nữa”. Và Hữu Quốc hay nói đùa là mình “già sớm”, mới 16 tuổi đã thành ông lão.
Con đường thênh thang lẫn gập ghềnh
Nói là sự nghiệp thăng hoa nhưng kỳ thực Hữu Quốc vẫn lận đận, vì khi anh công tác tại Nhà hát Trần Hữu Trang thì chuyên đi phục vụ vùng sâu vùng xa, mấy ai nhớ tên nhớ mặt. Đồng lương lẫn cát-sê rất khiêm tốn, Hữu Quốc phải làm thêm nghề make-up để tồn tại, và thuộc hàng giỏi nghề. Có những ngày anh lo make-up cho khách quá nhiều, rồi vội vã tới điểm diễn không kịp ăn cơm, thế nhưng nhờ đó mà lại “có cơm” nuôi mình. Anh nói, diễn viên nào cũng có học môn hóa trang, từ đó mà làm make up cho đời thường, cũng dễ. Nhưng nỗi buồn vẫn bám chặt trái tim, bởi không biết bao giờ mình được nổi tiếng như mơ ước hồi nhỏ.
Cho đến năm 1998 Hữu Quốc đoạt giải Trần Hữu Trang cùng với Quế Trân, đó chính là cơ hội cho anh tung hoành. Anh được mời diễn liên tiếp, với giọng nói trầm ấm và lưu loát, anh còn được mời làm MC khắp nơi. Rất nhanh, Hữu Quốc trở thành một cái tên xuất hiện khắp nơi, đầy tin cậy. Phải nói rằng, một đức tính đáng quý của anh là làm cái gì cũng phải tới nơi tới chốn và đạt chất lượng mới chịu. Và năm 2007 anh được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú cùng lúc với Minh Vương, Thanh Tuấn, Thoại Mỹ, Phượng Loan, Thanh Ngân, Tấn Giao… coi như là người trẻ nhất so với đàn anh đàn chị.
Rồi cũng trong năm 2007 đó, cuộc đời Hữu Quốc bị bẻ sang một khúc quanh cay đắng. Sự cố giữa anh và một đạo diễn đã khiến Hữu Quốc bị tẩy chay suốt 7 năm trời. Anh tâm sự: “Giờ tôi thấy mình có lỗi, hồi ấy không ngăn được tính nóng, cho nên tôi mất hết mọi thứ. Tôi rời Trần Hữu Trang, không biết bám vào đâu vì không đoàn nào nhận, không sô nào kêu. Tôi phải giấu mẹ, mở quán ăn, có khi phải tự rửa chén bát... Lúc đó tôi tuyệt vọng, không biết mình sẽ trôi về đâu…May mà có chị Thoại Mỹ, Thanh Kim Huệ động viên rất nhiều, và chị Ái Như, Mỹ Uyên cùng anh Thành Hội kéo tôi sang kịch. Từ đó tôi bén duyên luôn với kịch”. Đúng hơn, Hữu Quốc khi qua hết “cái nạn” của mình thì phục hồi rực rỡ.
Thành công với kịch và game show
Đạo diễn Ái Như đã giao cho Hữu Quốc vai tướng cướp Phi Long trong vở Bàn tay của trời, một nhân vật võ biền hung dữ. Rồi đến vai luật sư Tùng (vở Người điên trong ngôi nhà cổ) một nhân vật ngay thẳng, chính trực. Sau này, Hữu Quốc sát cánh với NSƯT Mỹ Uyên giúp cho 5B sáng đèn. Anh viết và dựng liên tiếp các vở như Tình lá diêu bông, Diều ơi, Tía ơi con lấy chồng, Bồ công anh…
Tác phẩm của Hữu Quốc đa số mang màu sắc bi kịch, hoặc tâm lý ngọt ngào, có chút màu sắc trữ tình của cải lương. Anh là gốc cải lương, làm gì cũng “thấm” cải lương, và có khi lại là lợi thế của anh. Tình lá diêu bông là câu chuyện hy sinh của anh Chờ khi thấy cô gái mình yêu nặng nợ với gia đình và anh lẳng lặng giúp sức để cô nuôi một bầy em trong cảnh mồ côi rất sớm. Đến khi các em lớn lên, tình anh chưa kịp nói thì lại xảy ra sự cố, và anh tiếp tục hy sinh, bước vào tù cho gia đình cô êm ấm. Khi mãn hạn tù, tóc đã bạc màu, anh mới nối được tơ duyên với người phụ nữ đã mòn mỏi chờ anh đúng như lời nguyện lá diêu bông. Khán giả khóc như mưa với mối tình thầm lặng này. Hữu Quốc đóng luôn vai Chờ, diễn thật xuất sắc.
Đến Diều ơi cũng vậy, anh viết về một cô gái bị phụ tình nên đâm ra mất trí, chỉ biết thương con theo bản năng phụ nữ. Nhưng tình mẹ con đó đã bị chia cắt, rồi tái hợp, khiến người xem lại khóc. Hữu Quốc đóng luôn vai người đàn ông xấu xa đã gạt tình cô gái, lại còn bắt con của cô, đến cuối đời mới ăn năn về tội lỗi của mình. Hữu Quốc đóng chính diện hay phản diện đều hay như nhau. Và đến Tía ơi con lấy chồng thì anh hóa thành một ông già khó tính, nghiêm khắc quá mức, khiến con cái trong nhà không dám thể hiện hết bản thân và mơ ước của nó. Đặc biệt với một đứa con trai mà ông không ngờ nó lại thuộc giới tính thứ ba. Nhưng cuối cùng, ông đã biết chấp nhận, để con mình được hạnh phúc khi sống đúng với điều nó muốn.
Hữu Quốc còn làm tổng đạo diễn cho game show Sao nối ngôi, một chương trình rất nghiêm túc, giới thiệu được những dòng họ đi theo nghệ thuật cải lương suốt mấy đời. Anh chăm chút từng nét diễn, lời ca cho các thí sinh, khi các bạn bước ra là chinh phục được khán giả. Anh tâm sự: “Không phải game show nào cũng tệ, đôi khi nhờ nó mà cải lương được giới thiệu rộng rãi hơn, thú vị hơn, lớp trẻ xem nhiều hơn, và bắt đầu yêu thích. Tôi nhận lời đạo diễn cho game show với tất cả sự tử tế, chỉ mong cải lương được hà hơi tiếp sức trong giai đoạn khó khăn này”. Và Hữu Quốc quả đã không phụ lòng tin cậy của khán giả.
NSƯT Hữu Quốc tốt nghiệp khóa cải lương Nhà hát Trần Hữu Trang năm 1991. HCV Liên hoan sân khấu toàn quốc 1995 (vai ông Vinh - Bản tình ca quê mẹ), HCB LHSK nhỏ toàn quốc 1996 (vai ông già - Ông không phải bố tôi), giải Diễn viên xuất sắc LHSK Mùa thu 1998 (vai ông Nhẫn - Cung bậc tình yêu), HCV Trần Hữu Trang 1998 (vai ông Sáu - Bão rừng tre), HCB LHSK toàn quốc 2005 (ông Tư - Cung đàn nào cho em), HCV LHSK 2009 (vai ông già - Bến nước Ngũ Bồ), HCB LHSK toàn quốc 2014 (vai thầy giáo - Bão), và các vai diễn ấn tượng như vai ông nội (Cây lẻ bạn), anh Chờ (Tình lá diêu bông), ông Bảy (Tía ơi con lấy chồng)… |
Hoàng Kim