Hữu Ngọc một đời 'Lãng du trong văn hóa Việt Nam'
(Thethaovanhoa.vn) - Lãng du trong văn hóa Việt Nam của Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc có thể coi là bộ “bách khoa thư” đẹp đẽ, tinh tế, đem đến cho độc giả một cái nhìn tổng thể đa sắc màu về văn hóa Việt.
Bộ sách Lãng du trong văn hóa Việt Nam chia làm ba phần: Đất Việt, Lịch sử - Truyền thống; Văn hóa – Bản sắc dân tộc – Văn học – Nghệ thuật.
Mộng lãng du suốt đời
Ở phần “Đất Việt”, độc giả có thể theo chân Hữu Ngọc đi khắp các vùng đất ở nước Việt, từ vùng cao nguyên Tây Bắc xa xôi, đến miền Trung biển xanh, cát vàng, vào tận miền Nam hai mùa mưa nắng. Trong cái mộng xê dịch ấy, Hữu Ngọc đặt chân đến nơi nào, cũng lưu níu vào những nét duyên văn hóa đặc trưng của vùng ấy. Không phải cỡi ngựa xem hoa, mà trân quý từng chi tiết.
Ở Cao Bằng, ông viết về lễ hội Nàng Hai (Nàng Trăng) của người Tây, về nơi Xứ Lạng, ông ngâm nga tín ngưỡng của người Dao, lại ghé về thăm bản Nùng, rồi bâng khuâng với hồ Ba Bể, hay đến tham dự một lễ đưa Ma của người H’Mông Sa Pa, tha thiết với tiếng hát của người Sán Chỉ… đi qua hết các miền đất Bắc, ông lại tiếp tục hành trình về phương Nam, đi qua Đèo Ngang, bỗng nhớ thuở xưa “bóng xế tà”, rồi đem lòng thương cái giọng ngọt lịm của xứ Huế bên dòng Hương mộng mơ, lững thững xuôi về thăm bà con Chăm ở Phan Rang, hay những người Ê Đê ở Phú Yên, …
Từ những điều trông thấy, nghe thấy, kết nối với hiểu biết trí thức văn hóa dân tộc sâu sắc, mỗi trang viết của ông đều tạo được hấp lực đối với độc giả. Từng trang viết mở ra mênh mang những màu sắc, với các câu chuyên sinh động, đồng thời cũng gợi mở nhiều tầng kiến thức sâu rộng về thi ca, nghệ thuật, triết học, âm nhạc…
Ngôn ngữ của ông khúc chiết, cô đọng, ý tứ rõ ràng, nhưng uyển chuyển mênh mang, tạo dựng được một bầu không khí riêng cho mỗi bài viết. Đặc biệt, cách viết không phô trương, không cầu kì mà tự nhiên như kể chuyện, vừa ung dung, thư nhàn, khi trầm khi bổng, tưởng rằng tản mạn lại gợi nên chiều sâu và lôi cuốn.
Trong phần “Lịch sử - Truyền thống”, ngòi bút của Hữu Ngọc càng trở nên sắc sảo, với những bài bình luận sâu sắc về con người, về dân tộc Việt, thông qua những câu chuyện của Lịch sử, truyền thống.
Ông bàn về nhiều nhân vật quan trọng trong lịch sử Việt Nam như Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Trường Tộ,… hay những vấn đề rất nổi bật của xã hội Việt Nam như quan niệm về chữ trinh, phụ nữ đơn thân ở Việt Nam, đám cưới văn hóa, viết gia phả, quan niệm gia đình truyền thống, thân phận người Việt ở Mĩ, … Những tín ngưỡng quan trọng của dân tộc Việt cũng được suy nghĩ một cách thấu đáo chi tiết.
Trong phần viết về “Lịch sử - Truyền thống”, Hữu Ngọc đặc biệt xuất sắc trong những bài viết luận bàn về “Tư duy”.
Những mạn đàm của ông mang đậm dấu ấn của một trí thức luôn trăn trở với đời sống văn hóa của dân tộc, với sự quan sát tinh tế và nhạy bén. Xuyên suốt những câu chuyện của ông về chữ Duyên, về Hóa thân hoàn vũ, Suy nhược thần kinh, Tuổi già cô đơn,… hay những trăn trở của ông khi hỏi Địa ngục còn không?, Biết sống, biết chết, Văn hóa và cái chết…., Hữu Ngọc đã phần nào thể hiện được tâm tư sâu xa nhất của người Việt, ấy là cái nặng tình, ảnh hưởng bởi Nho giáo, Phật giáo. Những bài viết của ông đều chất chứa những tri thức giàu có và sinh động, bởi Hữu Ngọc dẫn dắt những câu chuyện tự nhiên từ Tây sang Đông, những điển cố điển tích lâu đời, dẫn dụ những câu chuyện văn hóa hấp dẫn từ khắp các vùng trên thế giới.
Miên man trong miền thơm nghệ thuật
Trong ba phần của bộ Lãng du trong văn hóa Việt Nam, Hữu Ngọc thực sự có lẽ thăng hoa nhất trong miền Văn hóa – Bản sắc dân tộc – Văn học – Nghệ thuật, mà tôi xin mạn phép gọi là miền thơm Nghệ thuật.
Quả thực, ở đây, Hữu Ngọc viết luyến láy, tinh tế và duyên dáng đến mức có thể ngẩn người ra mà đọc, tựa như mình là đứa trẻ đang ngồi bên tách trà, nghe các cao nhân đàm đạo. Người viết ở đây, am hiểu tường tận, lại đầy lòng thành kính nên những bài viết khuấy động trong bầu không khí đẹp đẽ của văn hóa nghệ thuật.
Ông đặt những nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta trong sự soi chiếu của các nền văn hóa thế giới, đặt văn hóa truyền thống giữa quá trình “toàn cầu hóa, hiện đại hóa” của dân tộc, để nhấn nhá làm toát lên những nét đẹp đẽ đặc sắc đồng thời bày tỏ những hướng đi để phát huy và giữ gìn văn hóa trong tương lai.
Trong bầu không khí ấy, ông uống rượu ngâm ngợi lại những vần thơ xưa, cùng Nguyễn Du đọc lại Truyện Kiều, lại ngắm trăng mà vịnh thơ với Tản Đà, hay lần giở, gật gù mà chỉ cho bao người Việt Nam ta thấy được những đặc sắc nghệ thuật của dân tộc, như tuồng cổ, ca trù, nhiếp ảnh, hội họa….
Ngôn ngữ của Hữu Ngọc cũng trở nên đặc biệt rộn ràng, thi vị trong những bài viết về thơ ca, nghệ thuật, đặt biệt ở những bài viết mang hình thức đối thoại với những thi sĩ xưa. Ông tỏ ra thông hiểu tâm tình thi sĩ, văn nhân như đối với cố nhân của mình.
Những bài viết của ông, có lẽ đã đánh thức biết bao nhiêu điều quên lãng, giữa xã hội công nghiệp thực dụng vội vàng này. Thật đúng như tên cuốn sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”, được gặp gỡ từng trang viết này cũng là bước vào một giấc mộng lãng du, phiêu diêu, tự tại, có thể đi qua bao vùng đất, bao miền ngát hương.
Hữu Ngọc là người đồng hành hiểu biết, cởi mở, bao dung đã chỉ dẫn và gợi mở cho độc giả vô vàn những câu chuyện, để từ ấy, khiến ta có thể khơi sâu hơn nữa, nối dài hơn nữa, nhưng nét văn hóa, đẹp đẽ xưa nay của người Việt trong thời đại này.
Lãng du trong văn hóa Việt Nam là cuốn sách viết bằng tiếng Anh đầu tiên được trao giải Vàng sách Việt năm 2006. Cho đến nay, cuốn sách đã được tái bản nhiều lần với số lượng in 2 vạn bản. Trong đó, 11 lần tái bản bằng tiếng Anh, 6 lần tái bản bằng tiếng Pháp và 4 lần tái bản bằng tiếng Việt. Tháng 8-2017, NXB Kim Đồng vừa ký hợp đồng với tác giả để tái bản "Lãng du trong văn hóa Việt Nam" một lần nữa.
Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc đã làm tổng biên tập của 3 tờ báo đối ngoại: tờ Tia lửa (tiếng Pháp), Việt Nam tiến bước (Anh - Pháp - Esperanto) và Nghiên cứu Việt Nam (Anh - Pháp). Nhưng không chỉ viết báo, ông Hữu Ngọc còn là diễn giả của hàng trăm cuộc nói chuyện về văn hóa Việt Nam cho khách nước ngoài, trong đó, có nhiều nhân vật quan trọng đến thăm Việt Nam: vua và hoàng hậu Thụy Điển, vua và công chúa Na Uy, Thống đốc bang Hawaii (Mỹ), cựu Thủ tướng Brazil, giáo sư nhiều trường đại học trên thế giới, nhiều đoàn khách du lịch đến Việt Nam v.v...
Ngoài các tác phẩm về văn hóa Việt Nam và văn hóa Hà Nội, Hữu Ngọc còn có nhiều tác phẩm tiêu biểu: "Phác thảo chân dung văn hóa Pháp", "Mảnh trời Bắc Âu", "Văn hóa Thụy Điển", "Hồ sơ văn hóa Mỹ", "Lãng du trong văn hóa xứ sở hoa anh đào" v.v…
Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập. Ông còn được nhận Huân chương Ngôi sao phương Bắc của Chính phủ Thụy Điển cùng Huân chương Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Pháp.
Thủy Nguyệt