loading...
(Thethaovanhoa.vn) - "Bảo tàng là trung tâm văn hóa: Tương lai của truyền thống" được Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) chọn làm chủ đề kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5 năm nay. Với chủ đề này, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế khuyến khích các bảo tàng cùng tạo ra sự kết nối chung cho tương lai và truyền thống; giới thiệu các hoạt động tại địa chỉ: http://network.icom.museum/international-museum-day.
Chiến lược kéo khách kiểu mới này đã được bảo chứng về độ thành công ở nhiều nơi trên thế giới, từ trường hợp bảo tàng ở Paris (Pháp) sử dụng hình ảnh Beyonce và Jay-Z; ở Washington (Mỹ) là Barack và Michelle Obama, cho tới London (Anh), nơi người ta xếp hàng dài để xem các tác phẩm của cố danh họa Pablo Picasso.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo tàng, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đề nghị các bảo tàng chủ động tổ chức hoạt động kỷ niệm, gắn với nhiệm vụ thường xuyên năm 2019.
Cụ thể, các bảo tàng tại Việt Nam sẽ miễn phí cho khách tham quan trong Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5 đồng thời nghiên cứu, sáng tạo các hình thức giới thiệu, trưng bày, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể và tổ chức các sự kiện văn hóa. Cục Di sản văn hóa đề nghị các bảo tàng chủ động phối hợp với ngành giáo dục để giới thiệu các di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa phi vật thể tới học sinh, sinh viên. Ngoài ra các bảo tàng cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông của bảo tàng, quan tâm tới các nội dung truyền thông số trên các ứng dụng website, mạng xã hội hoặc các ứng dụng cho điện thoại thông minh.
Theo Cục Di sản văn hóa: Chủ đề Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2019 được Hiệp hội Bảo tàng quốc tế lựa chọn nhằm nâng cao vai trò tích cực của các bảo tàng, cùng cộng đồng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bên cạnh nhiệm vụ truyền thống như nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, hệ thống bảo tàng ngày nay còn nỗ lực tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề của xã hội, hòa giải và gắn kết cộng đồng. Thông qua hoạt động tại địa phương, bảo tàng chủ động thiết lập và duy trì mối quan hệ giữa các cộng đồng văn hóa, xây dựng cầu nối hòa bình...
Trong quá trình phát triển và thể hiện vai trò trung tâm văn hóa, các bảo tàng có cơ hội tạo ra hình thức mới để tôn vinh các bộ sưu tập, giá trị lịch sử và di sản văn hóa bảo tàng đang gìn giữ. Thông qua đó, bảo tàng cũng tạo ra các giá trị văn hóa mới, phù hợp với công chúng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 162 bảo tàng trong đó gồm 126 bảo tàng công lập, 36 bảo tàng ngoài công lập với gần 3 triệu hiện vật đang được lưu giữ. Riêng hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Hồ Chí Minh với 13 đơn vị quản lý trên toàn quốc. Đây là hệ thống bảo tàng và di tích duy nhất quản lý chuyên môn thống nhất về bảo tồn, tôn tạo và phát huy có hiệu quả di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc.
Dù có hệ thống bảo tàng đa dạng trải dài khắp đất nước nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia: Số bảo tàng hoạt động thực sự hiệu quả không nhiều. Đa phần các bảo tàng đều hoạt động cầm chừng, không thu hút được khách tham quan, kể cả bảo tàng mở cửa tự do, không thu phí. Điều này cho thấy giá trị thực tiễn của bảo tàng chưa đáp ứng được đòi hỏi của công chúng, thậm chí có bảo tàng tồn tại chỉ còn mang tính hình thức…
Đầu năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch” nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức hoạt động để các bảo tàng bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội.
Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2021, các bảo tàng sẽ được đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động, trong đó tập trung nâng cao chất lượng trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ khách tham quan và tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch. Số lượng khách tham quan bảo tàng hàng năm tăng bình quân 10% trong đó ưu tiên phát triển đối tượng khách là học sinh, sinh viên…
Thanh Giang/TTXVN
loading...