Hướng tới Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm quốc tế 2019: Từ 'diễn kịch một mình' tới… diễn cải lương một mình
(Thethaovanhoa.vn) - Từng gây cơn sốt lớn qua vai diễn của NSND Bạch Tuyết trên sân khấu 5B Võ Văn Tần năm 1992, kịch bản Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh đã trở lại trong với phiên bản mới mẻ và đầy mạo hiểm mang tên Nhật thực.
Đây là vở cải lương thể nghiệm (chuyển thể cải lương: Nguyên Phương, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) được dàn dựng để dự Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm quốc tế 2019 - lần III tại Hà Nội vào tháng 11 tới.
10 lần chỉnh sửa
Qua gần 30 năm, những cuộc đối thoại, chất vấn của 3 nhân vật trung thần - nịnh thần – vua (cũng tượng trưng cho 3 mặt lý trí, cảm xúc, dục vọng trong bản chất mỗi con người) trong kịch bản cũ vẫn còn rất thời sự. Chính “chất thời sự” đó đã thôi thúc đạo diễn Lê Nguyên Đạt theo đuổi ý tưởng dàn dựng một phiên bản cải lương cho Diễn kịch một mình trong suốt 5 năm qua. Được biết, anh đã thuyết phục tác giả Lê Duy Hạnh đồng ý chuyển thể tác phẩm và trải qua gần 10 lần chỉnh sửa kịch bản để đưa Nhật Thực ra mắt công chúng TP.HCM vào ngày 4/5 vừa qua.
Kịch bản gốc thể hiện tâm trạng nuối tiếc, uất ức của người nghệ sĩ đã từ giã cõi đời phải “bật nắp quan tài” trở dậy, tìm về sân khấu quen thuộc, thông qua những vai diễn mà bày tỏ nỗi niềm trước “sân khấu cuộc đời”. Còn ở Nhật Thực, đó là câu chuyện của người nghệ sĩ trẻ đang khao khát “giữ nghề”.
Từ tự sự của những nhân vật mình thủ vai, người nghệ sĩ bày tỏ những suy tư, trăn trở về nghệ thuật đích thực, về cái nghề mình đang theo đuổi và giữ gìn trong bối cảnh tranh tối tranh sáng của buổi “nhật thực” trên sân khấu truyền thống.
Việc dù có 3 nhân vật vua, trung thần và nịnh thần nhưng chỉ duy nhất một nghệ sĩ biểu diễn là áp lực không nhỏ cho nghệ sĩ Lê Trung Thảo. Vốn được biết đến nhiều với hình ảnh “kép đẹp”, vai diễn lần này tiếp tục là sự “lột xác” của Lê Trung Thảo - sau khi anh từng gây bất ngờ với khán giả và giới chuyên môn qua hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt ở vở cải lương Trung thần (kịch bản, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ).
Trung Thảo chứng tỏ mình là lựa chọn hợp lý, khi vai diễn đòi hỏi khả năng biểu diễn đa năng của người nghệ sĩ: không chỉ ca diễn cải lương mượt mà, mà còn phải kết hợp vũ đạo nhuần nhuyễn và thành thục ở nghệ thuật múa hình thể.
Lê Trung Thảo kể: anh đã rèn luyện khá nhiều cả về sức khỏe, sức bền, sức sáng tạo để có thể gần như một mình làm chủ sân khấu trong suốt hơn 1 giờ đồng hồ. “Đây cũng là cơ hội để tôi thể nghiệm chính bản thân mình”, anh nói. “Tôi phải tìm tòi cách diễn mới, tìm tòi cách ca sao cho phù hợp với nhân vật và thể trạng, phải điều tiết, phân phối sức lực hợp lý để đảm bảo chuyển tải trọn vẹn thần các nhân vật…”
Khi cải lương được phối với… rock
Đạo diễn Nguyên Đạt cho biết sự thể nghiệm của vở diễn không chỉ đến từ việc người nghệ sĩ phải diễn cải lương một mình. Xa hơn, anh muốn mang đến một tác phẩm đậm chất đương đại, phù hợp thị hiếu và cảm nhận của khán giả trẻ với hình thức biểu diễn tác động mạnh đến thị giác và phần âm nhạc được phối hiện đại.
“Nhật Thực có phần âm nhạc hoàn toàn dễ cảm với khán giả hiện đại”, đạo diễn Nguyên Đạt cho biết. “ Các bản cải lương được phối theo phong cách rock, world music trên nền dàn nhạc giao hưởng. Các miếng xử lý trên sân khấu được tổ chức đa dạng và xử lý nhanh để đẩy cao tiết tấu của vở diễn”.
“Quan niệm của tôi là dù có thể nghiệm kiểu gì thì cũng phải giữ được chất cải lương, qua đó khán giả có thể thấy được cái mới nhưng gần gũi, thấy sự cách tân nhưng đúng cách”, anh nói thêm. “Chúng tôi cũng không dựng vở chỉ để đi thì rồi thôi mà phải đưa được vở diễn đến với khán giả, mong muốn nhận được phản hồi từ khán giả. Mọi cái hay, cái đẹp, cái mới của tác phẩm nghệ thuật chỉ có giá trị khi được khán giả công nhận”, nghệ sĩ Lê Trung Thảo bày tỏ.
Ngoài ra, Nhật Thực còn có sự tham gia của hai nghệ sĩ được xếp vào hàng “kép đẹp” của sân khấu cải lương là Hoàng Quốc Thanh và Thành Tây trong hình tượng Hài kịch và Bi kịch. Việc hai nghệ sĩ ca diễn tốt chỉ xuất hiện trong vai trò phụ diễn không hề có thoại lẫn lộ mặt trên sân khấu đã để lại ấn tượng tốt về lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ. Được biết, cùng với Lê Trung Thảo, họ đã dành nhiều tháng để học các kĩ năng về võ thuật, kịch câm, múa đương đại, kỹ năng kiểm soát không gian sân khấu… nhằm chuẩn bị tốt nhất cho vở diễn – điều không dễ gặp ở sân khấu cải lương hiện nay.
Trước khi “mang chuông đi đánh… Thủ đô” vào cuối năm, đạo diễn Nguyên Đạt cho biết sẽ giới thiệu vở diễn đến với rộng rãi học sinh, sinh viên TPHCM cũng như lưu diễn một số tỉnh miền Tây, miền Trung và miền Bắc. Anh hi vọng, từ phản hồi đa dạng của khán giả, mình sẽ tiếp tục có những hướng đi để làm mới cải lương.
Ninh Lộc