Hướng đi nào cho phát triển Học viện Múa Việt Nam?
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua 14/9, tại Hà Nội, Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học “Định hướng phát triển Học viện Múa Việt Nam trong tương lai”. Tại đây, các chuyên gia đã có nhiều tham luận đóng góp ý kiến nhằm phát triển chương trình đào tạo múa tại Học viện.
Phát biểu, tại tọa đàm, TS. Chua Soo Pong, chuyên gia trong lĩnh vực sân khấu người Singapore chỉ ra rằng, hiện nay, nhiều quốc gia khác không có những cơ sở để đào tạo chính thức diễn viên múa cũng như các nhà giáo dục múa. Nhiều chương trình múa ở các trường khác phụ thuộc hoàn toàn theo quyết định của ban giám hiệu nhà trường và không có sự thống nhất về trình độ của giảng viên được thuê.
TS nhận định, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thành lập được cơ sở đào tạo về múa. Ngay từ năm 1959, Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) với sự hỗ trợ đầy đủ của Chính phủ đã được thành lập. Trong 60 năm qua, trường đã đào tạo được nhiều diễn viên múa và nhà nghiên cữu vũ đạo xuất sắc, giúp phát triển nghệ thuật múa Việt Nam.
Tại tọa đàm, TS. Chua Soo Pong cũng chỉ ra một số bài học từ các quốc gia trên thế giới giúp Học viện Múa Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc củng cố chất lượng đào tạo: “Ở Mỹ, múa đã phát triển trong một thời gian dài và đạt được nhiều thành tựu. Công tác nghiên cứu học thuật của quốc gia này cũng rất được chú trọng. Đồng thời, người Mỹ sẵn sàng sang những nước Đông Nam Á và cả những nước khác để học, nghiên cứu về từng điệu múa, sau đó biến chuyển và đưa vào chương trình giảng dạy sao cho phù hợp. Chính vì vây, người Mỹ có kiến thức rộng về tài liệu lịch sử và dân tộc học, phương pháp nghiên cứu phân tích, so sánh và các phương pháp cụ thể khác để thực hiện nghiên cứu múa và đây sẽ là những kinh nghiệm quý giá để Việt Nam học hỏi”.
Đồng quan điểm với TS. Chua Soo Pong, nhà nghiên cứu Bùi Đình Phiên, cho rằng, Học viện Múa Việt Nam cần chú trọng hơn trong công tác nghiên cứu, phê bình, lý luận: “Đừng để lý luận, phê bình múa giống như “động vật sắp tuyệt chủng”. Chúng ta có rất nhiều người đi học diễn viên, biên đạo múa tại nước ngoài nhưng lý luận múa lại quá ít. Lý luận là chiếc chìa khóa mở cửa cho việc xây dựng và phát triển của hầu hết các bộ môn bởi nếu chúng ta chỉ làm mà không có người đúc kết, nêu ra vấn đề thì việc làm đó sẽ không đạt được kết quả”. NNC Bùi Đình Phiên qua đây cũng bày tỏ mong muốn Học viện Múa Việt Nam sẽ sớm có khoa chuyên môn về lý luận, phê bình.
Bên cạnh đó, việc thực hiện giáo trình cũng được các diễn giả bàn tới tại buổi tọa đàm. Theo NGND Nguyên Kim Dung, Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “ Dù giáo trình múa hiện nay rất phát triển nhưng chúng ta đã thực sự làm đúng theo nó chưa? Nếu quá mải cho học viên đi diễn sẽ dẫn đến tình trạng giảng viên không có đủ thời gian tuân thủ các bài học trên giáo trình nên cần cân bằng giữa hai vấn đề này”.
Ngoài ra, tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ nhiều chuyên gia hoạt động lâu năm trong lĩnh vực múa.
Đình Toán/ Báo Văn hóa