Hội họa đem 'âm thanh' đến cho người câm điếc
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 19/9, Hội Mỹ thuật TP.HCM và CLB Mekong Art đã có buổi gặp mặt báo chí về triển lãm Âm thanh hội họa sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24/9 tại Đường sách TP.HCM.
- Những hình tượng đáng sợ nhất trong hội họa 170 năm qua
- Số phận kỳ lạ của một kiệt tác hội họa Việt Nam
“Với người khuyết tật câm điếc, thì hội họa mở ra một kênh giao tiếp, bày tỏ cảm xúc của bản thân với thế giới xung quanh. Chúng tôi muốn giúp người khuyết tật câm điếc có gia cảnh khó khăn đến với hội họa và thông qua hội họa như một chiếc cầu đưa họ đến với thế giới bên ngoài” - họa sĩ Văn Y, Trưởng nhóm phụ trách Hội họa dành cho người khuyết tật câm điếc cho biết.
Kể từ tháng 5/2017, CLB Mekong Art đã tổ chức lớp học vẽ cho người câm điếc tại 776/4 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, TP.HCM. Và cuộc triển lãm sắp tới vừa có ý nghĩa ra mắt nhóm Hội họa dành cho người câm điếc, vừa khẳng định khả năng hội họa của những người không may mất đi âm thanh cuộc sống.
Cuộc triển lãm Âm thanh hội họa sẽ trưng bày hơn 100 tác phẩm của 16 tác giả là những người câm điếc có độ tuổi từ 16 - 50. Tất cả các tác phẩm này sẽ được bán với giá gần bằng giá nguyên liệu: bố, sơn, khung… Ngoài ra còn có khoảng 10 họa sĩ chuyên nghiệp tặng tranh của mình cho triển lãm với mục đích bán tranh giúp kinh phí cho lớp học đặc biệt này.
Họa sĩ Bích Vân, thành viên Mekong Art, cho biết: “16 tác giả của cuộc triển lãm này có các hoàn cảnh gia đình khác nhau, họ đều làm các công việc lao động chân tay để sống, nhiều nhất là rửa chén cho các quán ăn. Khi được cầm cọ họ rất hào hứng và chúng tôi dựa trên khả năng của mỗi người để dạy vẽ chứ không theo một giáo trình căn bản nào. Tuy vậy, có nhiều gia đình ở Cà Mau, Long An, Vũng Tàu đã đưa con em của họ đến với chúng tôi”.
Họa sĩ Văn Y, cho biết thêm: “Tôi nghĩ rằng trời không cho một ai tất cả và cũng không lấy đi hết của họ. Với những người câm điếc không nghe không nói được, thì trực cảm sắc màu hội họa của họ lại rất tốt. Nhiều người trong nhóm chỉ học đến lớp 1, 2 nên khi trao đổi rất khó khăn. Có người chỉ biết ngửa tay xin thiên hạ, nên tôi tin rằng nếu tranh của họ có người mua thì đồng tiền họ nhận được là vô cùng ý nghĩa”.
16 tác giả sẽ nhận 50% số tiền bán tranh, 25% góp vào nuôi dưỡng lớp học và 25% được trích tặng Hội Người mù TP.HCM. Họa sĩ Đoàn Thành, thành viên Mekong Art, đánh giá: “Dù bản thân là người khuyết tật câm điếc, nhưng 16 tác giả này mong muốn được chia sẻ với những người không nhìn thấy ánh sáng, đây là một hành động hết sức nhân văn”.
Lớp học vẽ miễn phí dành cho người khuyết tật câm điếc do các họa sĩ trong CLB Mekong Art, như: Văn Y, Mộc An, Bích Vân, Đoàn Thành, Nguyễn Lộc… tự bỏ tiền túi để mua màu, cọ, bố, chassi, khung tranh… Các họa sĩ này còn dành thời gian, công sức để hướng dẫn các tác giả “đặc biệt” trong việc hoàn thiện một bức tranh. Mới đây, cả nhóm đi thực tế sáng tác ở Khu du lịch Sinh thái Cao Minh đã được giảm giá đến 50% cũng như nhận sự hỗ trợ rất nhiều. Nói thế để thấy, lớp học vẽ này cần sự chung tay của các tấm lòng để duy trì được dài lâu.
Bán đấu giá “Nguồn cội phương Đông” để duy trì lớp vẽ Tác phẩm Nguồn cội phương Đông, chất liệu sơn dầu, kích cỡ 80 x 160 của họa sĩ Văn Y sẽ được bán đấu giá tại triển lãm Âm thanh hội họa với giá khởi điểm 2.500 USD. Tiền bán tranh được dành tặng lớp “Hội họa dành cho người khuyết tật câm điếc”. Họa sĩ Văn Y cho biết bức tranh này ông hoàn thành vào năm 2014 rất ưng ý nên ông đã giữ lại không bán. Nay vì cần tiền cho lớp vẽ đặc biệt này nên đành đem “đứa con cưng” của mình ra đấu giá với hy vọng sẽ có tấm lòng vàng hào phóng móc hầu bao. |
Trạc Tuyền